Tuesday, November 8, 2011

NẮNG CHIỀU

Bình Nguyên Lộc

Nếu chị Nguyệt không đến nơi, thì chắc hai người đã đánh nhau hay ít ra, họ cũng trao đổi nhau những tiếng nặng, khó lòng lấy lại được, rồi thì anh em sẽ tuyệt giao với nhau.
Cái anh Vinh ấy có một tật đánh chết không chừa, là hay đùa những cái lố bịch của người khác. Anh ta có tài nhận xét những tật nho nhỏ của mọi người, có tài phóng to những điểm kỳ cục ấy lên, nắn cho nó biến thành những hình thù kỳ dị hơn, rồi lại có duyên thầm, trình bày những điều buồn cười ấy một cách ngây thơ như là vô tình mà nói đến, chớ không cố ý trêu người nào, không cố ý chọc cười ai. Chính cái ngây thơ ác hiểm ấy, cù người ta bất ngờ quá, nên không ai nín cười được.
Nhưng hôm đó, chị Nguyệt đến đúng vào lúc mà anh Cần bị làm nạn nhơn của anh Vinh, và không muốn để chị nầy thấy bộ mặt nhăn nhăn của mình, anh Cần vui tươi lên như là không giận bạn vậy.
Chị Nguyệt xem lại đồng hồ rồi hỏi:
-     Sao, giờ nầy mấy anh chưa về?
-     Thì đợi chị nãy giờ, đi sao được. Thôi ta đi nè!
Bình đáp, rồi giục tất cả mọi người.
Cả năm đồng đứng lên.
Ra đến cửa ngõ, muốn làm lành lại với Cần, Vinh hỏi:
-     Thầy Mười Sáng là người thế nào, anh Cần?
Như chợt nghĩ ra điều gì, Cần không đáp, mà chụp lấy vai Vinh, rồi nói:
-     Ừ, cậu có giỏi thì làm cái nầy. Tôi thách cậu đó. Cậu làm thế nào mà đùa thầy Mười Sáng cho anh em cười ngả nghiêng, ngả ngửa một bữa chơi. Cậu làm được thì tôi phục lăn tài pha trò của cậu. Thầy Mười Sáng là người thế nào à? Cậu hỏi anh Bình thì rõ.
Nói xong, Cần hóm hỉnh cười, bụng nghĩ: “Phen nầy, thì cậu chết nhé! Làm thế nào mà đùa được con người đứng đắn ấy! Thế mới biết tài cậu chưa vững đâu nhé, cậu bé ơi, đừng có làm phách”.
Bình, vốn là một thanh niên rất thạo về tôn giáo, về các phong trào thần học. Chính anh ta đã rủ anh em đến nhà thầy Mười Sáng hôm nay.
Thầy Mười Sáng! Cả bọn không ai biết rõ thầy ta, trừ Bình. Để trả lời câu hỏi chưa thốt ra, mà thế nào cũng phải có của Vinh, Bình kể:
-     Thầy Mười Sáng, trước kia, có theo học ở một trường trung học công lập tại Sài gòn. Không rõ, vì lẽ gì, thầy ta bị đuổi vào năm thứ ba. Trở về tỉnh nầy nghỉ vài năm, thầy ta đi làm khán hộ. Chính trong thời kỳ thầy làm khán hộ ấy, mà tôi được quen biết thầy. Thầy đọc sách nhiều lắm, biết rất nhiều việc và rất băn khoăn về nhiều vấn đề. Thầy thường gởi gắm với tôi: “Tôi không hoàn toàn tin nơi khoa học được, vì khoa học chưa giải quyết được những vấn đề lớn, cho đến những bí mật vừa vừa của thiên nhiên, mà nó còn chưa khám phá ra nổi. Lấy ngay một thí dụ, trong nghề của tôi mà nói, cũng đủ thấy khoa học còn bối rối lắm. Bịnh truyền nhiễm, khoa học cho là do vi trùng gây ra. Vâng. Nhưng còn “dịch” của các bệnh truyền nhiễm? Ừ, con vi trùng nó truyền bịnh và lắm khi gây ra dịch. Nhưng trước khi có dịch, nó trốn ở đâu mà không tác hại? Mà vì sao, tác hại trong một thời gian, nó lại thôi? Ngày xưa, khi loài người chưa biết trừ dịch, dịch vẫn tự nhiên lui như thường, sau vài tháng hoành hành.
Thầy Mười làm khán hộ được ít năm rồi thôi, thí phát đi tu. Nghe nói là thầy ẩn tu ở núi nào đó đâu được ba năm, rồi hạ san, xuống Sài gòn, xin giấy thông hành đi ấn Độ. “Đi nghiên cứu đạo Phật tận gốc”, thầy nói thế với những người quen biết.
Cái năm ấy, thầy được hăm bảy buổi, và năm nay về là năm lăm đúng.
-     Thầy nghiên cứu được gì?
-     Số là thầy ta dốt về đạo Phật, không biết nguồn gốc đạo ở đâu, nên qua đến nơi rồi nghe người xúi biểu, thầy ta lên Tây Tạng.
-     Tây Tạng không phải là nhao rún của đạo Phật à?
-     Đâu có phải. Tây Tạng chỉ là một tôn phái của đạo Phật thôi.
-     Nhưng biết đâu, tôn phái ấy không quan niệm đúng hơn bọn chánh thống.
-     Đúng thế! Thành ra, đi lạc đường, mà thầy ta vẫn học được nhiêu điều hay. Tôi rủ các anh lại thăm thầy ta hôm nay là để xem thầy biểu diễn phép lạ.
*
*       *
Thầy Mười Sáng sống biệt tịch trong một cái am nhỏ ở khu Bà Lụa, một ngoại ô tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương.
Am cất trên đồi, giữa một vườn cây cổ thụ sầm uất, trông xuống sông, nước xanh lơ, khiến khách viếng am không khỏi nghĩ đến những vân am của đạo sĩ trong truyện Tàu nào.
Thầy Mười Sáng gầy khô đét như một ông lão bảy mươi. Tuy nhiên thầy ta vẫn nhanh nhẹn và có đôi mắt sáng quắc.
Chủ am tiếp khách rất niềm nở, chú ý đến từng người, cả đến cái cậu Vinh liếng thoắng làm huyên náo am tiên kia, và làm bận rộn con người trầm lặng đã học đạo từ Tây Tạng huyền bí về.
Sau những câu khách sáo xã giao, bọn trẻ bàn về khoa học và tôn giáo. Thầy Mười nói:
-     Khoa học sai be bét hết và còn dốt lắm. Tôi đã thấy tận mắt những thầy Fa-Kia bên Ấn Độ, tự chôn sống hàng tháng mà không chết, tôi thấy họ đâm dao vào thịt mà không làm chảy máu; riêng ở Tây Tạng là nơi tu hành, những thầy tu tay mơ cũng có thể ngồi trần truồng trên tuyết hàng tuần, mà không bị cảm lạnh bao giờ. Thật là trái với những luật mà khoa học đã nêu ra.
-     Thưa thầy, họ có phép tiên chắc?
-     Đúng, họ luyện phép và chính tôi, cũng đã học được vài môn.
Đức nói:
-     Hay đó cũng là khoa học; nhưng khác với khoa học của ta. Ta thử đặt tên khoa học của ta là khoa học A..., còn của họ là khoa học B. Cả hai đều đi tìm sự thật, mà đi hai nẻo khác nhau, ngày sau A và B sẽ gặp nhau chăng?
-     Tôi không đáp được. Điều tôi biết chắc là họ và tôi đã làm được những điều mà cái khoa học A của cậu cho là không được. Nể lời chú Bình, tôi biểu diễn phép tị hỏa cho các cậu xem.
Bây giờ, bọn khách trẻ mới hiểu được sự có mặt của cả một cái lò rèn giữa am thầy Mười.
Thầy Mười Sáng nhúm lửa ở đống than, còn Bình thì bước lên ghế cao, cầm hai cây thụt ở ống bễ mà thụt.
Hơi trong hai ống bễ xình xịch bay ra, thổi văng lên những mảnh than nát. Mấy đóm lửa mới nhúm, nở to lần lần, ăn lấn vào màu đen huyền của than. Màu lửa, ban đầu, xanh xanh, càng lớn khối, càng ngã sang màu hỏa hoàng và khi những lưỡi lửa chen than mà mọc lên, thì than đã nhuốm màu bạch chảng.
Bình thụt không ngớt tay, lửa cháy đỏ rực khuôn bếp.
Thầy Mười Sáng mặc áo đạo sĩ màu lam có viền trắng ở các rìa. Thầy ta săn tay áo lên một cách trịnh trọng, đoạn khom lưng, cúi mình trên bếp lửa, thọc tay vào đống than cháy đỏ, chọn lấy một hòn than to nhứt và đang cháy tốt nhứt. Thầy ta làm công việc ấy dễ ợt như một cậu bé chọn kẹo. Thầy cầm hòn than đỏ giữa hai ngón tay, rồi đứng thẳng dậy, đặt nó vào giữa lòng bàn tay bên kia.
Bốn thanh niên và một thiếu nữ trố mất nhìn. Họ hồi hộp đợi thầy Mười bị phỏng tay, phải vứt hòn than đỏ, đợi chờ cái ấy, mà cứ lo sợ nó xảy ra, rồi phải thất vọng. Có thế nào như thế được chăng? Họ tự hỏi như vậy, rồi tự bảo rằng, thì ra phép tiên, phép mầu là điều có thật chớ không ngoa.
Hòn than trên tay của thầy Mười đã sậm màu đen, và một lớp tro trắng mỏng đã bắt đầu bao bọc lấy nó. Thầy đạo sĩ nói: “Nguội quá rồi!”
Rồi vứt hòn than lên đống lửa.
Bình mê xem biểu diễn, nên quên thụt lửa, khiến thầy đạo sĩ phải nhắc:
-     Chú thụt tiếp đi chớ!
Hai ống bễ lại bắt đầu thở khì khì và đống than bắt dầu đỏ rực trở lại.
Thầy Mười Sang bước vào đống than đang cháy, đi tới vài bước, đoạn đứng yên một nơi.
Những lưỡi lửa cứ chờn vờn muốn táp lai quần của thầy Mười, vốn đã vén lên rồi, khiến thầy lại phải vén ống lên thật cao.
Chị Nguyệt há miệng nhìn, mắt mở tròn xoe. Trong không khí, phảng phất một mùi huyền bí kỳ lạ, thật thật, hư hư, và thầy đạo sĩ kia, có vẻ một ông Tiên từ thời Xuân Thu hiện về. Năm khán giả trẻ tuổi nghe như mình đang lạc vào cõi tiên hay vào động quỉ. Thật là không thể tưởng tượng được.
Đứng trên than hồng được ước chừng năm phút, thầy Mười bước xuống, mỉm cười đắc thắng.
Bình ngừng thụt, thở ra một hơi dài và nói:
-     Mỏi rụng hai tay!
Chị Nguyệt kính cẩn nhìn thầy Mười Sáng giây lâu, rồi hỏi:
-     Thưa thầy thầy ăn ở dễ thương cách nào mà mấy ông thầy tu trên ấy truyền cho thầy phép lạ nầy?
-     Những phép nầy không thể truyền mà được như bùa ngải. Phải bền công luyện tập mới đắc.
-     Luyện tập à, thưa thầy? Không truyền được, mà phải luyện tập, là không phải phép huyền bí nữa rồi, mà là khoa học đó, khoa học B như tôi đã nói.
Đó là lời của Đức.
Thầy Mười Sáng suy nghĩ giây lát, rồi đáp:
-     Có thể. Nhưng dầu sao khoa học của cậu cũng còn non lắm đối với khoa học huyền bí nầy.
-     Đúng như vậy ! - Chị Nguyệt phê.
Bỗng cậu Vinh lắm lời kia, nãy giờ cứ làm thinh, hỏi lên đột ngột:
-     Dạ, thưa thầy...
Anh ta mới mở lời, mà bao nhiêu con mắt đều quay nhìn anh ta. Thấy gương mặt ngây thơ một cách hóm hỉnh của Vinh, thản nhiên sắp hỏi một câu gì đó, họ đoán sẽ được cười.
Cần lo lắng kẻ nghịch của anh, lần nầy lại thắng nữa. Còn Bình thì hoảng hốt lên, sợ những câu pha trò của Vinh sẽ chọc giận người đáng kính là thầy Mười. Nhưng đã trễ quá rồi, không còn ngăn thằng mắc dịch Vinh kịp nữa.
Vinh ngây thơ tiếp hỏi:
-     Dạ thưa thầy, không hay cái phép mầu nầy dùng để làm gì vậy a thầy?
Thầy Mười có vẻ bực mình lắm! Thầy suy nghĩ giây lâu, rồi đáp:
-     Thí dụ như có đám cháy, tôi đã không hề gì, lại xông vào lửa để cứu những người còn kẹt trong nhà.
-     Thưa thầy, thầy mất đến hăm tám năm trời để làm được một công việc mà bất kỳ anh lính cứu hỏa nào cũng làm được, mà chỉ tốn có hai phút đồng hồ thôi. Trong hăm tám năm trời ấy, cái khoa học non nớt của chúng tôi đã tìm được bao nhiêu là thứ, mà những thứ ấy, truyền lại cho ai cũng được cả, miễn họ chịu bỏ ra chỉ vài năm thôi, để học tập.
Lần đầu tiên trong đời anh ta, con người nổi danh có tài hỏi vặn pha trò để chọc cười ấy, đã thất bại, vì không ai cười cả.
Thầy Mười Sáng trố mất nhìn người khách có vẻ mặt ngây ngô, đần độn kia, nổi giận trong vài giây, rồi kinh sợ trong mấy phút.
Đoạn thầy ta ngồi phệch xuống đất, ôm đầu mà thở dài. Cả sáu người trong nhà đều im lặng, mỗi người có một ý nghĩ riêng về quan niệm của Vinh.
Lâu lắm, người ta mới nghe thầy Mười Sáng lẩm bẩm:
-     Hăm tám năm! Hăm tám năm! Trời ơi, sự thật đến bạc đầu tôi tìm cũng chưa ra, mà cái phép mầu kia, luyện được sau một phần tư thế kỷ cố gắng, bỗng thấy là hoài công, phí sức lắm.
Bình bước tới, quỳ xuống trước mặt người đạo sĩ thất vọng để an ủi:
-     Thưa thầy, không là hoàn toàn hoài công đâu, vì ít ra, điều ấy cũng giúp người khác thấy rõ là nẻo của khoa học B không phải là nẻo không nên theo.
-     Không ! Sụp đổ cả rồi, các cậu ơi! Cả một đời tôi, cả một đời bao nhiêu người khác, chúng tôi đã dùng nó làm gì? Chẳng qua là phung phí thì giờ và tâm trí như những kẻ trác táng kia!

No comments:

Post a Comment