Tuesday, September 20, 2011

VỀ MÁI NHÀ XƯA

Linh Vang

Lần đầu tiên trong đời, Phượng cảm thấy một sự mất mát do việc dọn về ở với cha mẹ. Nàng không bao giờ nghĩ mình là người coi trọng về vật chất. Đời sống như một tiếp viên hàng không nàng ít có thời giờ ở nhà để mà có thể thưởng thức những tủ, những bàn ghế, bộ sa-lông trong nhà. Bây giờ sau khi cho đồ đạc đi, hay bán tháo bán đổ, nàng mới thấy tiếc. Hãng của nàng bị hãng khác mua. Sau khi mua xong thì hãng lớn nuốt trửng hãng nhỏ, bắt đầu cắt giảm người để giảm phí tổn hoạt động. Nàng không bị mất giốp, nhưng phải chịu đổi đi, vì ba mươi phần trăm chuyến bay đi từ LAX bị hủy bỏ. Hên là Sea-Tac lại cần người, nên nàng đã chọn về Seattle, về ở tạm nhà của bố mẹ nàng, sống lại trong căn phòng mà từ thuở nhỏ cho tới cách đây bốn năm nàng đã sống. Lâu nay nàng sống một mình, muốn đi lúc nào thì đi, muốn về lúc nào thì về, không phải thưa trình ai, đời sống đó thoải mái lắm. Bữa đầu nhận cú phôn on call cho chuyến bay đi Houston, nàng nhận việc và rời nhà ngay, "biệt tích" hai ngày mà không nhớ để lại một tờ giấy gì cho bố mẹ nàng hay, làm ông bà lo. Khi nàng về, thấy cái lo của ông bà, nàng giật mình nhận ra là mọi việc đã không giống như lúc ở một mình. Nàng hứa là nàng sẽ không bao giờ quên như vậy nữa.

Nàng chợt nhớ bài báo Mỹ. Đăng con cái ra ở riêng, rồi mất giốp, rồi ly dị, trở về ở với cha mẹ, là một gánh nặng cho cha mẹ. Đâu phải chỉ thêm cái chén, đôi đũa, mà thêm tiền điện, tiền nước, thêm những cái lo. Ở mà không đóng góp. Rồi mượn tiền của cha mẹ. Nhờ cha mẹ giữ dùm con cái. Một bà mẹ Mỹ vừa về hưu, dự định đi du lịch, bà từ chối ngay, đem con cho ai giữ đi, tao đi làm mấy chục năm cực khổ, giờ chỉ muốn đi chơi thôi. Thì đứa con gái lẫy hờn nói, bà ngoại gì không chịu giữ cháu! Rồi cô ta than không có tiền để trả babysit. Bà mẹ sùng trong bụng, mình đã nuôi nó, giờ lại phải giữ con nó; mình thích thì mình giữ, nó không có quyền ép mình như vậy. Mẹ Việt thích con cháu đầy nhà, không có nỗi lo đó. Nhưng con cái lớn ở Mỹ, đã ra đời kiếm miếng ăn, những người mẹ này lại có nỗi lo khác.

Phôn gọi tới cho nàng, mẹ nàng cứ canh để hỏi:

-Ai vậy con? Bạn cùng sở của con à? Thằng đó bao nhiêu tuổi?

-Đúng là bạn cùng sở, đường bay khác, ở thành phố khác, còn bao nhiêu tuổi, ai mà biết mẹ!

-Mình phải biết để coi có hợp tuổi không.

-Không hợp thì rồi không quen nữa à?

-Đúng vậy đó con! Lỡ yêu thương rồi thêm phiền, đâu có lấy nhau được.

Không lẽ cứ bao nhiêu người tuổi...đều không được lấy người tuổi...? Sao không bắt chước người Mỹ, chuyện hôm nay lo hôm nay. Bây giờ hợp chưa chắc về sau đã hợp. Huống gì cứ đi tìm cái tuổi không kỵ. Nhỡ tuổi thì hợp đó nhưng không sống với nhau được thì sao? Bằng chứng là Phượng đã gặp một mối tình như thế. Chàng đã tin là tuổi nàng với tuổi chàng không hợp...mà chẳng dám tiến xa hơn...vì sợ hai người sẽ đau khổ. Mà xa nhau rồi thì hai người cũng đau khổ! Nàng chẳng tin. Chỉ có tình yêu của anh cho em là không đủ, vậy thôi. Bao lâu yêu nhau, mình có cãi nhau không anh, mình nói chuyện tương đồng quá mà. Hiện tại không nắm lấy mà hưởng lại lo chuyện đổ vỡ về sau!

Một ngày cuối tuần Phượng thay anh rể chở mẹ đi chùa. Ông rể quý thường không vào làm lễ, chỉ đứng loay hoay đâu đó bên ngoài đợi. Vừa thấy Phượng, bác Sơn, bạn chùa của mẹ, vồn vã:

-Cô Phượng về bao giờ thế? Con Hân nhà tôi bao năm tôi kêu nó về nó không chịu về. Bây giờ bị ốp rồi mà cũng không chịu về!

Nàng nghĩ thầm, con bác khôn đấy.

-Cô cũng đi chùa nữa à?

-Cháu chở mẹ cháu đi chứ cháu đâu có đi. Lòng chưa tịnh thì vào chùa làm gì.

Nàng không nói...chỗ dành cho mấy cụ gặp nhau cho đỡ buồn, khoe con, khoe cháu, con ra bác sĩ lấy vợ cũng bác sĩ, con gái với con rể tậu nhà lớn ở bờ hồ...mấy cụ cãi nhau như mổ bò mà không gặp nhau thì nhớ. Cuối tuần có khi các cụ ngủ lại chùa, đánh bài khuya khoắt. Ông sư không lo tu mà cứ đòi chỉ huy chùa. Sư đi Pháp, đi Ấn Độ, đi Thái Lan. Sư đi, có các cụ bà hộ tống. Mấy cụ cúng hết tiền già. Bố nàng có lần cười, cũng có tiền của mẹ mày nữa đấy. Mẹ nàng bênh, nói bậy hoài, tiền riêng của Thầy, chứ đâu phải tiền của các cụ...Cô Phượng, mình con nhà Phật, đừng nghĩ xấu về Sư như thế. Ông anh rể bênh mẹ nàngï. Cũng phải nói là sư có công. Chớ không có sư, cả mấy chục bà già này làm gì cho đỡ buồn. Mẹ nàng nói tiếp, đấy, nói như thằng Hoàng đúng đấy. Chớ bỏ đời đi tu là việc hy sinh lớn lao đâu phải ai làm cũng được.

Có câu hỏi này là không bao giờ bác Sơn quên:

-Bao giờ thì cô cho tôi uống rượu đây?

-Khi nào bác muốn uống rượu thì cháu mua rượu cho bác uống!

Mẹ nàng xem chừng ngượng vì sự ế muộn của con, nói đỡ:

-Cháu nó kén quá, bác ơi, có mấy đám đàng hoàng đi hỏi mà cháu chẳng chịu.

Nàng nghĩ bụng. Làm gì có đám nào đàng hoàng đi hỏi đâu, có một đám quả thật nhà anh ta có tiền, cưới về là Phượng có "mansion" ở liền, nhưng anh chàng "retarded" gì đâu, có khác gì anh chàng Thân trong Đoạn Tuyệt. Mà Phượng là cô Loan! Còn Thể, anh nói anh yêu nàng nhưng cứ mỗi lần bàn chuyện làm đám cưới, thì anh "lạnh cẳng", danh từ "cold feet" của Mỹ, lửng lơ con cá vàng! Anh đổ thừa tử vi nói hai đứa không hạp tuổi.

Nghe mẹ nói như thế nhiều lần rồi, Phượng cũng đâm chai mặt lì, thôi cứ để bà cụ nói cho vui. Nàng cũng chẳng thèm buồn.

Bác Sơn ra vẻ thông cảm với mẹ nàng:

-Gái mới hết rồi bác ạ, mình có nói thì mấy cô lại cho mình xưa, mình cổ...đâu có chịu nghe. Nhưng đũa thì phải có đôi!

Nàng lại nghĩ bụng, mình có phải đũa đâu!

Một lần Phượng đi chơi với một người đàn ông vừa gặp trong bữa sinh nhật của một cô bạn. Về nhà, bà chị đã gọi ngay cho Phượng nhắn lại lời khuyên của...người dưng:

-Con Trang nói với chị, chị Nguyên ơi, nghe đồn cha nầy cờ bạc dữ lắm nghen, làm có bao nhiêu là đem vô casino Emerald Queen nướng hết. Bố mẹ chả cứ phải đi chuộc chả miết! Em kể cho chị nghe rồi chị về nói lại cho chị Phượng em của chị biết mà đề phòng.

Còn em trai kế của nàng, bữa nó thấy Phượng đi ăn với một người đàn ông làm cùng hãng mà vừa hỏi chuyện nàng được biết là cũng ở chung thành phố, nó la lên:

-Bộ hết người sao mà chị lại đi cặp với khứa Lân? Chị đi xa mấy năm rồi nên chị chẳng biết, chứ người ở đây, ai mà không biết. Khứa Lân với khứa Diệm là bạn nhậu với nhau. Khứa Lân hay dẫn khứa Diệm về nhà nhậu. Khứa Diệm lấy một mẹ Đại Hàn. Mẹ này cưng khứa lắm; khứa ngồi gác chân lên salông cho con mẻ cắt móng chân, mẻ lo cho khứa từng cái áo, cái quần, giặt xong ủi ngay ngắn treo lên cho khứa. Chỉ có tội là con mẻ không nấu đồ ăn Việt được nên khứa cứ phải đi ăn tiệm hoài. Khứa than ăn bắt ngán. Mình nghe khứa nói, mình tưởng khứa nói dóc. Con mẹ Đại Hàn này trước lấy Mỹ, con cái mẻ lớn hết rồi. Khứa Diệm với vợ khứa Lân đánh mắt đưa tình với nhau trong lúc khứa Diệm nhậu nhẹt nhà khứa Lân. Khứa Diệm thèm cơm Việt mà vợ khứa Lân lại nấu ăn ngon. Rồi khứa Lân đi Cali, nhờ khứa Diệm trông chừng vợ con, nhà cửa, coi giấy tờ dùm. Chừng khứa Lân ở Cali về thấy khứa Diệm với bà vợ mình đã dẫn nhau về VN, để con cho hàng xóm coi. Khứa Lân ghen điên lên, khứa chạy đi mua khẩu súng, đã hỏi chuyến bay khứa Diệm với bà vợ mình về lại Mỹ, tính là khứa sẽ bắn hai người rồi tự tử chết luôn. Nhưng hên là khứa lộn chuyến bay ngày giờ về. Bây giờ khứa mất vợ, vợ khứa theo khứa Diệm đi qua tiểu bang khác sinh sống, dẫn theo đứa con gái, còn đứa con trai để lại khứa nuôi. Khứa Diệm là người Tàu sinh đẻ ở Chớ Lớn, khứa nói tiếng Việt giọng lơ lớ. Cái đau khổ của khứa Lân là vợ chồng đã vượt biên cực khổ mới qua được xứ người mà lại không ở với nhau...mà mất vợ vô tay anh Tàu!

A! Té ra Lân có một "history" giật gân đến như thế mà Phượng không biết. Phượng chỉ mới đi ăn một bữa trưa với anh chàng mà đã nghe cỡ đó. Phượng đâu có muốn biết chi thêm cho mệt nên sau đó khi Lân rủ đi ăn trưa nữa thì Phượng nói dối là đang "diet", đi nhà hàng khó mà kiêng cử được. Thế là cúp cái rụp! Phượng cũng không buồn cải chính với thằng em, tao đâu đã "cặp" với khứa đó.

Ôi cái thành phố này sao mà quá nhỏ! Đi loanh quanh là đụng hết người này người nọ. Phố Núi cao phố núi thật buồn. Yên tĩnh thì thật yên tĩnh, thích hợp cho người già...mà Phượng đã già đâu. Phượng nhớ Cali nắng ấm. Nhớ LA ồn ào, xô bồ. Nơi đó Phượng đã sống ...yên thân.

Phượng trách thầm ở "quê nhà" không ai để cho Phượng... yên thân. Và bây giờ Phượng mới biết rằng, quả thật nàng không có tiếc những tủ, những bàn ghế, bộ salông mà nàng đã mua sắm cho cái apartment ở dưới LA...Nàng thấy tiếc một thứ gì khác kìa!

Nhưng có một hôm, đúng tối thứ sáu, Phượng là người lo...đứng tim. Phượng đi làm về thấy nhà vắng tanh. Bố mẹ đi đâu, Phượng chẳng biết. Chờ đến khuya chẳng thấy bố mẹ về, Phượng bồn chồn, đứng ngồi không yên. Phượng đâm lo, mới gọi qua nhà bà chị. Phượng vừa mở miệng nói:

-12 giờ khuya rồi!

Chị nàng hiểu ngay cười ngất:

-Hai cụ đang ở nhà chị đây! Đang chơi bài với mấy cụ nữa...Tự nhiên mẹ chồng chị nổi hứng muốn ngồi sòng...làm chị phải chạy đi kiếm tay cho cụ.

Nàng trách:

-Đi mà không cho "người ta" hay...tưởng ai có chuyện gì phải vào nhà thương!

Tưởng ông bà "sorry", nhưng mẹ nàng thản nhiên nói:

-Bác Thiên gọi là chị cô đến chở đi ngay, quên khuấy mất, không để giấy cho cô hay. À, thì ra cô cũng lo cho chúng tôi! Đấy, bây giờ thì cô mới thấy là bố cô với tôi khổ tâm lo lắng như thế nào khi cô đi sớm về trễ? !!!

LINH VANG (Tacoma)

No comments:

Post a Comment