Sunday, September 25, 2011

SAO KHÔNG VỀ THĂM NGOẠI

Hàng Uyên

- Bác làm ơn cho cháu hỏi thăm nhà ông An...

Ông lão vung chiếc kéo to kềnh, xén thêm một nhánh lá ở cái hàng rào xanh mơn mởn rồi mới quay lại nhìn mẹ con tôi:

- Ở xóm này có tới hai ba người tên An, người mà cô tìm làm nghề chi?

- Dạ, lúc trước ảnh đi dạy học - Tôi chưa kịp lên tiếng thì mẹ tôi đã chen vào - Nhà có cậy con trai bệnh tâm thần.

Ông lão gật gù, đưa tay chỉ:

- Dễ tìm lắm, bà và cô cứ đi thẳng lối này, gặp cái ngõ bên phải thì rẽ vào, căn thứ hai bên trái, phía trước có mấy chậu "Cần thăng".

- Dạ, cám ơn bác.

- Không có chi.

Có trời mới biết "Cần thăng" là thứ cây quỉ quái gì? Nhưng không sao...

Một hôm, trong lúc cả nhà đang ăn tối. Mẹ tôi phàn nàn:

- Đố bao giờ thấy chúng mày đến thăm viếng ai cả! Nhỡ ra đường có đánh nhau vỡ đầu cũng chẳng biết đấy là người nhà hay người dưng. Đến hết đời bố mẹ thì có lẽ chúng mày chẳng còn bei^'t ai là bà con họ hàng nưã...

Không phải mẹ tôi hoàn toàn vô lý khi nói vậy, ngược lại là đằng khác. Chỉ vì tôi tìm mãi mà không bao giờ ra cái thứ mà thiên hạ gọi là "rãnh rỗi"! Ở trường về, chỉ kịp thay áo là phải lăn vào bếp núc, dọn dẹp nhà cưả, cắm hoa... Thậm chí đến ngày chủ nhật thiêng liêng cũng chẳng yên với những lời yêu cầu đại loại như "Phương ơi, tiện thể con dọn qua phòng của thằng Tuấn, thằng Dũng với" hoặc "Chị Ba ơi, ủi giùm em mấy bộ đồ đi, sao em ủi cứ bị cháy hoài!". "Phương, giặt hộ anh mấy thứ này coi, chút nưã anh mua cho nhỏ mấy cuốn sách của Harold Robbis mới xuất bản, đảm bảo hấp dẫn". Toàn những lời lẽ ngọt ngào. Làm sao từ chối được chứ!

Bởi thế, tôi chỉ biết rằng (qua lời mẹ kể) cả hai vợ chồng bác An trước đây đều đi dạy ở một trường trung học tư thục ở Mỹ Tho, sau năm bảy mươi lăm mới chuyển về thành phố sinh sống. Hai anh con trai lớn thì trước đó đi du học ở Pháp, sau ở lại làm việc rồi lập gia đình bên ấy luôn. Cô con gái kế thì theo chồng lên vùng cao nguyên xa tít mù lập nghiệp, cả năm chỉ về thăm nhà một lần vào dịp tết. Nhà chỉ còn mỗi anh Huy - cậu út - mong hủ hỉ lúc tuổi già. Nào ngờ vào cái năm Huy đang học năm thứ hai đại học bỗng dưng có những hành vi lạ lùng, nửa đêm đóng bộ quần áo cẩn thận rồi đi dạo quanh nhà hoặc ngồi trầm ngâm cả buổi! Đi hết vị bác sĩ này đến vị bác sĩ khác vẫn không có kết quả gì. Càng ngày, triệu chứng mất trí càng rõ hơn. Thuốc men thế thôi chứ tác dụng chẳng bao nhiêu...

Thoạt đầu thì hai bác rầu r~ lắm nhưng rồi theo ngày tháng cũng nguôi đi ít nhiều. "Cái phần số nó thế, tránh làm sao được".

Bác An đi vắng, chỉ còn bác gái ở nhà. Hai chị em lâu ngày mới gặp nhau, chuyện trò cứ như là pháo nổ (Mẹ tôi là pháo tống còn bác gái là pháo chuột!). Tue*` chuyện ngoài quê, chuyện bà con trong họ ai còn ai mất, chuyện con cháu... Ngồi nghe một lúc tôi ngỡ mình đang sống ở thập niên năm mươi, cách đây non nưã thế kia!

- Anh Huy đâu rồi hở bác? Tôi hỏi.

- À, chắc nó đi loanh quanh đâu đây...

- Xin phép bác với mẹ, con ra vườn một chút.

Tôi đứng lên, vừa đi vừa thầm hỏi: Không biết có thứ hoa trái nào ăn được không?

Anh đang ngồi đọc sách dưới bóng râm một cây mận đầy trái đỏ, bóng mượt. Tóc rối, quần Jean, áo pull trắng cá in hình một con báo đốm trước ngực. Trông anh giống một kẻ lãng tử hơn là một người mất trí. Tôi đánh bạo đến gần, vì tò mò hơn vì những quả mận dễ thương trên cao.

- Anh Huy, em là con của cô Năm. Anh có nhớ không?

Anh dịch người sang một bên, nhường cho tôi một nửa mảnh nylon màu cỏ úa. Tôi ngồi xuống, tiếp tục gợi chuyện:

- Anh đang đọc truyện hở

Anh mỉm cười, lắc nhẹ đầu rồi chìa cho tôi thấy tựa sách "Thơ Đường". Thứ này thì tôi mù tịt:

- Hay không anh?

Lại gật đầu. Chẳng lẽ ông anh họ của tôi mất trí nhớ rồi mất cả khả năng nói nưã sao? Tôi còn đang ngơ ngẩn thì tiếng anh cất lên, trầm và nhẹ:

- Phải nói là tuyệt vời mới đúng. Em tên gì?

- Dạ, em tên Phương, con của cô Năm, anh nhớ chưa?

- Nhớ rồi, vậy em là gì của anh?

- Là em của anh!

- Rất hân hạnh, không ngờ mình lại có cô em họ dễ thương như thế này.

Tôi bắt đầu hoang mang, có lẽ anh đã trở lại bình thường mà chưa ai hay? Vô lý. Tôi tiếp tục thăm dò:

- Sao anh không về thăm ngoại, ngoại cứ nhắc anh hoài?

Anh vơ lấy gói thuốc bên cạnh, châm một điếu, nhìn tôi chăm chú rồi hỏi bằng cái giọng ỡm ờ:

- Thăm ngoại của ai chứ?

Vui thật! Thì ra anh ấy chưa tỉnh táo như mình nghĩ. Thế là tôi kiên nhẫn giải thích cho anh biết rằng mẹ của tôi và bố của anh ấy là hai anh em ruột, bởi thế nên ông bà ngoại của tôi tức là ông bà nội của anh, còn như tôi với anh là anh em cô cậu, đơn giản như hai cộng hai là bốn, hiểu chưa? Anh nói hiểu rồi nhưng chắc chắn là ngoại của em không phải là nội của anh. Lại giải thích kèm theo những ví dụ rất dễ hiểu về các mối quan hệ trong một gia tộc: cô, cậu, chú, bác, mợ, dì...

Anh im lặng nghe rồi cuối cùng hỏi:

- Vậy ngoại của em tức là ngoại của anh, phải không?

Quỉ thần ơi!

- Thôi, anh hái mận cho em đi.

Anh búng mẩu tàn thuốc ra xa rồi đứng lên. Dáng ánh cao, cân đối. Tôi chợt nghĩ, giá anh bình thường như mọi người khác thì có lẽ anh đã có người yêu hoặc đã lập gia đình rồi. Nhưng suốt cuộc đời anh, cho đến lúc xuôi tay, anh chẳng bao giờ biết được tình yêu là gì. Tôi thấy lòng ngập nỗi xót xa cho anh.

Thoắt cái, anh đã trèo xuống với một chùm mận trên tay. Tôi nhận lấy và cám ơn anh. Anh hỏi tôi có cần hái thêm không. Đủ rồi anh. Tôi kéo tay anh ngồi xuống, anh ngoan ngoãn như một cậu bé lớn xác.

- Em đến thăm anh, anh có vui không?

- Đương nhiên là vui rồi.

- Vậy tuần sau em đến chở anh về thăm nhà em với ngoại nhé?

Anh hỏi tôi có chắc không. Tôi nói có. Ngoéo hai ngón trỏ vào nhau rồi cùng cười vang. Anh lại hỏi địa chỉ nhà em ở đâu? Để làm chi vậy? Nếu em không đến thì anh lại nhà. Anh có biết đường Bạch Đằng không? Biết. Tôi đọc cho anh nghe một con số, anh lập lại. Đúng rồi nhưng chẳng cần đâu, buổi sáng em đi học. Anh muốn đi đâu, bác có cho đi mỘt mình không? Anh gật đầu, tủm tỉm cười. Rồi rất tự nhiên tôi kể cho anh nghe về lũ mèo tôi nuôi, về những chuyện vui xảy ra trong lớp học tiếng Anh buổi tối, về những cuốn sách mà tôi ưa thích... Anh ngồi nghe chăm chú, nét mặt rạng rỡ. Càng nói tôi càng dễ chịu, thoải mái.

"Ha ha ha ha... ha ha ha..."

Một tràng cười man dại vang lên làm tôi giật nảy người. Một người đàn ông gầy guộc, áo quần xốc xếch, ánh mắt thất thần chẳng biết từ đâu xuất hiện đang đi về phiá chúng tôi. Cứ được vài bước lại dừng, vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau rồi cười rũ rượi, gập cả người lại. Tôi đưa mắt nhìn Huy. Anh thở dài một tiếng rồi nói:

- Huy đấy.

Tôi ngơ ngác một thoáng rồi hiểu rõ mọi chuyện.

- Vậy anh là ai.

- Anh cũng là Huy, vừa trùng tên vừa là bạn học khá thân với con bác An. Nhà anh gần đây nên thỉnh thoảng vẫn sang bên này, vừa thăm bạn vừa học thêm cách chăm sóc cây cảnh của bác An. Hai bác vẫn xem anh như con cháu trong nhà. Anh dừng lại, mỉm cười rồi tiếp - Có điều ngoại cuả em không phải là nội của anh thôi.

Biết giấu mặt vào đâu đây? Chưa bao giờ tôi rơi vào một tình thế oái oăm như lúc này.

Người anh họ thực sự của tôi đã thôi cười, anh ngồi xuống bên một chậu cây cảnh gần lối đi, quan sát nó với một vẻ mặt kì lạ, dường như trước mặt anh là một thứ cây ăn thịt người bên châu Phi vậy! Tôi định bước tới nhưng Huy - người dưng - (tôi tạm gọi thế để phân biệt) đã nắm tay tôi lại:

- Những lúc như thế, tốt nhất nên để anh ấy một mình.

Có tiếng mẹ tôi gọi văng vẳng. Tôi nhìn anh, ấp úng:

- Thôi, em về đây.

Nói xong, tôi rụt tay rồi chạy vụt đi. Anh gọi với theo:

- Tạm biệt.

Trước lúc khép cổng, bác An nói với tôi:

- Thằng Huy nó bệnh hoạn như thế nên hai bác chẳng đi đến đâu được. Lúc nào cháu rỗi thì nhớ ghé thăm bác nhé?

- Dạ, tuần sau cháu đến.

Tôi nói mà tôi không hay.

No comments:

Post a Comment