Wednesday, August 3, 2011

KIẾN TRÚC SƯ CỦA CÔNG TRÌNH ĐẸP MẮT

Giải thưởng kiến trúc uy tín nhất thế giới mang tên Pritzker chỉ trao cho kiến trúc sư nào thực sự làm thay đổi nhận thức hiện đại về hai chữ “kiến trúc”. Ngày 2.6.2011 tại thính phòng Andrew W. Mellon ở thủ đô Washington - tòa nhà được xem là một trong những công trình kinh điển nhất ở Mỹ - giải thưởng cao quý này được trao cho kiến trúc sư Eduardo Souto de Moura (Bồ Đào Nha).

Kiến trúc sư Eduardo Souto de Moura
Đây là lần thứ hai, Bồ Đào Nha được nhận giải “Nobel trong kiến trúc” sau hiện tượng Alvaro Siza  năm 1992.
Eduardo Souto de Moura chào đời năm 1952 tại thành phố Porto. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp ngành Kiến trúc, trường Mỹ thuật thuộc Đại học Tổng hợp thành phố quê hương, ông được giữ lại giảng dạy tại trường, đồng thời thiết kế những công trình kiến trúc và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học  Paris (Pháp), Dublin (Ireland), Geneva, Zurich, Lausanne (Thụy Sĩ) và Havard (Mỹ). Trong thời gian còn là sinh viên, từ năm 1975 đến 1979, Eduardo Souto de Moura vào làm việc tại văn phòng thiết kế của kiến trúc sư Alvaro Siza - người đã mang về cho Bồ Đào Nha giải Pritzker 1992 - đến năm 1980, ông đứng ra thành lập công ty riêng.
Sau ba chục năm hành nghề, Eduardo Souto de Moura đã thực hiện hơn 60 công trình kiến trúc - từ sân vận động, bảo tàng, trung tâm thương mại, tới biệt thự, căn hộ, gallery… đặt trên khắp châu âu và cả ở ngoài Cựu thế giới. Công trình nổi tiếng nhất của ông là sân bóng đá ở thành phố Braga, nơi được chọn là một trong những đấu trường chính của vòng chung kết Euro 2004. Đây là một sân vận động độc đáo: nằm ở vị trí hiểm trở nhất trên thế giới, xây dựng từ một mỏ khai thác đá granite, khán đài gắn vào một vách núi... Chi phí để di chuyển các khối đá khổng lồ và xây dựng sân vận động này tiêu tốn khoảng 83,1 triệu euro – lớn hơn rất nhiều so với dự chi, nhưng chính phủ Bồ Đào Nha vẫn duyệt y để xây dựng kịp tiến độ một sân vận động chuẩn mực của thế giới. Ban giám khảo giải Pritzker 2011 nhận xét về công trình này là “rất vạm vỡ, đồ sộ và gần gũi với khung cảnh xung quanh”.
Một công trình nữa của Eduardo Souto de Moura cũng gây sửng sốt: phục chế quần thể nữ tu viện và tu viện gần thành phố Amares ở miền Bắc Bồ Đào Nha. Dự án này đã biến tu viện Santa Maria Do Bouro “từ một tòa nhà đổ nát thành một công trình vừa giữ được nét lịch sử vừa hiện đại trong quan niệm”. Hầu hết các dự án nổi tiếng của ông đều thiết kế xây dựng tại quê nhà Bồ Đào Nha, như tháp Burgo ở Porto, bảo tàng Paula Rego ở Cascais…
Trong khoảng thời gian đầu của sự nghiệp, Souto de Moura luôn luôn chú trọng yếu tố xây dựng bền vững và quan tâm tới những điều thiết thực trong cuộc sống. Đối với các tòa nhà, ông thường nhấn mạnh đến tính hữu dụng và sự hòa hợp với môi trường xung quanh. Thiết kế của ông chủ yếu tôn trọng các giá trị truyền thống và đương đại. Tại một diễn đàn trong năm 2004, ông nói: “Thế giới hiện không có kiến trúc sinh thái, trí tuệ, mà chỉ có những công trình đẹp mắt” và kêu gọi: “Chúng ta nhất thiết không được lờ đi các vấn đề như nguồn năng lượng, các chi phí và các khía cạnh xã hội. Phải luôn luôn để tâm tới tất cả những vấn đề này trong các công trình kiến trúc”.

Sân vận động Braga. Eduardo Souto de Moura
 
 
Khu nhà tại Lisboa của nữ họa sĩ Paula Rego
 
 
     Gallery motiv con rắn
Công trình kiến trúc của Eduardo Souto de Moura thường được ca ngợi là những hình khối vuông vức, những nét màu đầy kinh ngạc, vận dụng cẩn trọng các chất liệu thiên nhiên và đạt được sự hài hòa giữa quy mô với cảnh quan xung quanh. Đó là sự thấm nhuần trí tuệ và tinh thần nghiêm túc. Công trình của ông đòi hỏi phải chăm chú ngắm nghía chứ không được lướt mắt trông qua, nó như là thơ biết hướng cảm xúc tới người nào biết dành thời gian để nghe.
“Trong ba thập niên qua, Eduardo Souto de Moura đã tạo nên những công trình hiện đại có sự tôn trọng các truyền thống của kiến trúc. Các tòa nhà của ông có khả năng độc đáo để truyền tải các đặc chất có vẻ như mâu thuẫn nhau - quyền lực và sự khiêm cung, can đảm và sự tinh tế, uy thế quốc gia và cảm giác thân tình ...” (trích lời vị chủ khảo giải Pritzker, Lord Palumbo).
 “Có thể nói Souto de Moura là kiến trúc sư của các kiến trúc sư”, Karen Stein - một thành viên trong ban giám khảo giải Pritzker – nhận định.
        Giải thưởng kiến trúc Pritzker của Quỹ Hyatt với mạng lưới khách sạn cao cấp Hyatt trải khắp thế giới và do Jay A. và Cindy Pritzker sáng lập năm 1979, được dòng tộc Pritzker giàu có bậc nhất nước Mỹ điều hành.
        Giải thưởng này dùng để mỗi năm vinh danh một kiến trúc sư đang sống đã có những “đóng góp ý nghĩa cho nhân loại và xây dựng môi trường thông qua nghệ thuật và kiến trúc”, có giá trị lớn, ngoài 100.000 USD tiền thưởng còn được mệnh danh là “Giải Nobel kiến trúc”. 
        Giải Pritzker gắn liền với danh tiếng của những kiến trúc sư lỗi lạc thế giới như Norman Foster, Rem Koolhaas Zaha Hadid, Oscar Niemeyer, Kenzo Tange... Đến nay, giải Pritzker về nhiều nhất với nước Mỹ (10 lần), tiếp theo là Anh và Nhật Bản (4), Pháp, Brazil, Italy, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha (2), còn lại Mexico, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Australia (1).
Tường Anh

1 comment:

  1. Đúng là một toàn nhà ấn tượng
    ........................................................
    Thiên Gia Phú
    mua vách ngăn văn phòng thanh lí ở đâu tại TPHCM

    ReplyDelete