Wednesday, August 3, 2011

GÓC TĨNH CỦA THỜI GIAN

“…Chúng ta đang sống trong thời đại hết sức ồn ã. Lạm phát, động đất, sự cốë điện hạt nhân... xảy ra dồn dập, đè nặng lên tâm tư con người. Nhưng có những khoảng lặng đọng lại trong các tác phẩm của họa sỹ Phạm Lực. Từ góc tĩnh lặng ấy, ta thấy hồn của văn hóa Việt, từ vẻ đẹp cũng như truyền thống văn hóa, lối sống của người Việt”.

Tranh sơn dầu Làng chài (1969)
Đó là những chia sẻ của Phó chủ nghiệm Văn phòng Quốc hội, Ts Nguyễn Sĩ Dũng trong buổi khai mạc triển lãm tranh Góc tĩnh của thời gian, đang diễn ra tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Sau gần 20 năm dành trọn tình yêu với tranh Phạm Lực, Ts Nguyễn Sĩ Dũng đã sưu tầm được số lượng lớn tác phẩm của họa sỹ này trên các chất liệu từ sơn dầu đến sơn mài, giấy dó, lụa, khắc gỗ... Triển lãm giới thiệu 25 tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Phạm Lực trong bộ sưu tập của ông, nhằm tri ân nghệ sỹ Phạm Lực - người anh, người bạn thân thiết và gắn bó với mình.
 Họa sỹ Phạm Lực sinh năm 1943, tại Huế, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1977, hiện là một trong những họa sỹ vẽ khỏe nhất và đang được sưu tầm nhiều nhất. Ông có có tới 2 CLB những người yêu tranh của mình: một ở Hà Nội và một ở Bắc Ninh. Không những vậy, tranh của ông đã và đang được sưu tầm và triển lãm ở nhiều quốc gia trên thế giới như Australia, Pháp, Đức, Mỹ, Nga...
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được vẽ trong nhiều thời điểm, từ những năm 1960 - 1970 đến thời gian gần đây. Phần nhiều tác phẩm thể hiện cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, như Nỗi buồn chiến tranh, thể hiện nỗi buồn vô tận của người vợ khi nhìn đôi cá đang bơi trong bể, nhớ mong người chồng ở ngoài mặt trận... Có thể thấy, chiến tranh trong tranh Phạm Lực rất khác, không có bom đạn, không những người lính xung phong, cũng không xe tăng ào ạt. Ông thể hiện góc khuất của chiến tranh với những nỗi niềm, số phận, tâm sự của con người... Bên cạnh đó, Phạm Lực cũng dành tình cảm cho những phụ nữ tần tảo nuôi con, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con. Hình ảnh phụ nữ Việt được họa sỹ thể hiện không chỉ đẹp về tình cảm, mà còn đẹp về tạo hình.

Tranh sơn dầu Thiếu phụ làng chài (2002)
Nhà nghiên cứu nghệ thuật người Australia Tony Oliver từng mua 100 tranh của họa sỹ Phạm Lực và đưa về triển lãm tại Australia năm 2009. Trong triển lãm đó, ông đã bán gần hết, chỉ giữ lại 4 tác phẩm làm kỷ niệm. Tony Oliver cho rằng: tranh của Phạm Lực thể hiện cái nhìn từ bên trong về nền văn hóa của Việt Nam. Nó cũng thể hiện lịch sử rất đặc biệt của Việt Nam - lịch sử của hôm nay và của quá khứ lâu đời. Vừa là họa sỹ, vừa là người lính, Phạm Lực đã tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, bằng bút vẽ của mình. Tranh của ông thể hiện tinh thần kiên cường và dũng cảm của người dân Việt Nam, nhưng cũng cho thấy sự tinh tế của nền văn hóa, vẻ đẹp giản dị, hồn nhiên của người Việt. Các bức tranh trong Góc tĩnh của thời gian là minh chứng cho điều đó.

Tranh sơn dầu Nỗi buồn chiến tranh (1969)
Nhìn lại những “đứa con tinh thần” của mình sau nhiều năm, họa sỹ Phạm Lực không giấu nổi xúc động: “các tác phẩm của tôi vẽ từ trước đến nay, một phần bị bom đạn, thiên tai làm hư hại, đến nay chưa thể kiểm kê được. Trong chiến tranh, ngoài những lúc dạy vẽ, thì tôi ngồi vẽ. Đến nay tôi vẫn có thói quen đêm vẽ, ngày chơi, và tôi không nhớ gì cả, chỉ vẽ và nhớ qua tranh. Các tác phẩm trong triển lãm này nhắc nhớ lại những kỷ niệm của năm tháng đã qua, khiến tôi cảm động và ngỡ ngàng vì không nhớ mình vẽ lúc nào...”
Lê Thủy

No comments:

Post a Comment