Wednesday, August 3, 2011

CÂY ĐỜI - CHẤP NHẬN ĐỂ BÌNH YÊN

Năm 2011, Brad Pitt xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes vừa với tư cách ngôi sao diễn xuất đồng thời là nhà sản xuất của bộ phim Cây đời (The Tree of Life) của đạo diễn Terrence Malick. Bộ phim đã giành giải Cành cọ vàng danh giá, nhiều nhà phê bình đánh giá đây là vai diễn xuất sắc nhất của Pitt.

Với Brad Pitt, Liên hoan phim Cannes gần như là hoạt động định kỳ thường niên vào mùa xuân. Anh đã có mặt tại sự kiện điện ảnh danh giá này 4 - 5 năm qua, hoặc là để giới thiệu phim (Ocean’s Thirteen, Inglourious Basterds) hoặc là tháp tùng cô bạn gái Angelina Jolie (The Changeling). Sau khi Cây đời đăng quang 2011, Brad Pitt đã có cuộc trò chuyện trên tạp chí Time về những bí mật hậu trường làm bộ phim này.
Thực ra, vai của anh trong bộ phim đã được quay cách đây khá lâu?
Đúng vậy, từ mùa xuân năm 2008, sau khi tôi làm xong bộ phim Burn after Reading và trước khi làm Inglourious Basterds. Tôi nhớ lúc đó Angie đang mang bầu (sinh đôi tháng 7.2008) và chúng tôi đang cố gắng nghĩ tên cho các con mình, hiện chúng đã gần ba tuổi.
Malick ấp ủ ý tưởng kịch bản Cây đời từ cuối những năm 1970, cùng thời điểm ông bắt đầu nghỉ công việc đạo diễn (kéo dài 20 năm)?
Đây là một trong những bí mật thú vị của bộ phim. Cây đời được lên ý tưởng và hoàn thành đúng thời kỳ Terry bặt tin trong làng điện ảnh.
Năm 2007, khi quyết định quay Cây đời, Terry đã chọn Heath Ledger cho nhân vật O’Brien, không phải anh?
Vâng. Nhưng vì lý do gia đình nên Heath không thể tham gia Cây đời. Cái chết của anh ấy là một mất mát lớn. Heath là một diễn viên trẻ tài năng, anh ấy cũng đã dạy tôi nhiều điều.

Những cậu bé đóng vai con trai của anh trong phim giờ hẳn đã trưởng thành?

Bạn sẽ không nhận ra cậu cả Hunter McCracken đâu, bây giờ cậu ấy cao hơn tôi rồi. Nhưng tình cảm gia đình ấm cúng giữa chúng tôi thì vẫn thế, thậm chí hơn cả những gì bạn thấy trên phim. Các cậu ấy giống như em trai tôi vậy: thương yêu nhau nhưng cũng sẵn sàng lao vào đánh nhau. Khi Laramie (con trai thứ hai) đá Hunter, đó là cú đá thật, hôm đó chúng đã đánh nhau thật. Nước mắt Tye (con trai út) các bạn nhìn thấy ở đoạn cuối cũng là thật. Đó là ngày quay cuối cùng của các cậu ấy. Ba năm sau, những chàng trai này vẫn gọi điện cho Jessica (đóng vai vợ O’Brien) và gửi quà cho cô ấy vào Ngày của Mẹ.
Buổi quay hôm đó đã trở thành một kỷ niệm đặc biệt với tất cả chúng tôi. Thiết bị thiếu, ánh sáng thiếu, nó hoàn toàn không giống một buổi quay phim, có thể vì vậy mà mọi thứ trở nên tự nhiên hơn, nhất là diễn xuất của “các con tôi”, chúng như đang sống chính cuộc đời của mình, không còn là diễn nữa.
Nhiều người nói Terry cầu toàn, tôi thì nghĩ hoàn toàn ngược lại. Terry có cách làm việc mở và luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới. Ông dành việc lên kế hoạch làm việc mỗi ngày vào buổi sáng, ngay khi thức giấc. Terry sẽ làm việc như thế này: nếu kịch bản của ông có chi tiết bố mẹ cãi nhau, ông đang cần phản ứng của nhân vật con, ông sẽ để nhân vật này xuất hiện và theo dõi cậu bé tự xử lý, không đưa kịch bản trước.
Terry đưa ra tình huống còn cách xử lý lại phụ thuộc phần lớn vào cảm nhận và diễn xuất của diễn viên, đây được coi là một trong những yếu tố làm nên thành công của Cây đời. Những sáng tạo bất ngờ của diễn viên và các thành viên khác trong đoàn làm phim luôn được khai thác triệt để.
Theo chúng tôi biết, anh từng hợp tác rất thành công với anh em Coen, họ có cách làm việc hoàn toàn đối lập với Terry, luôn yêu cầu nghiêm khắc diễn viên và toàn bộ đoàn làm phim thực hiện chính xác tuyệt đối theo kịch bản. Ý kiến của anh như thế nào về hai cách làm việc này?
Đúng là có sự khác biệt rất lớn khi làm việc với Terry và anh em Coen. Tuy nhiên sau khi làm việc với họ, tôi thấy họ đều là những người luôn biết rất rõ mình muốn gì.
Làm việc cùng anh em Coen, anh chắc chắn biết chính xác những gì mình sẽ diễn, kết cục của phim ra sao. Với Terry, hoàn toàn ngược lại. Anh có thấy áp lực với lối làm việc của Terry?
Dù là Joel, Ethan Coen hay Terry, họ đều có kế hoạch làm việc rất rõ ràng và khoa học. Bất ngờ luôn là một điều thú vị trong cuộc sống của chúng ta, dù đôi lúc nó là mạo hiểm.
Hầu hết bối cảnh phim diễn ra trong những năm 1950, đây là câu chuyện về chàng trai 12 tuổi Jack (McCracken) và sự nổi loạn chống lại bố mình?
Quan hệ cha - con trong Cây đời là mối quan hệ khó giải thích, ngay cả dấu ấn mà người cha để lại với các con mình cũng vậy. Tôi nghĩ, trong câu chuyện này, Malick bị yếu tố cá nhân tác động và chi phối. Malick có một người anh/em trai bị chết khi còn rất nhỏ.
Anh có anh em trai không?
Tôi có một em trai và một em gái. Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau tại Oklahoma. Tôi không phải chịu sức ép nào từ bố mình. Bố đã cho tôi nhiều cơ hội, tôi cũng có rất nhiều thời gian được ở bên ông.
Nhân vật của anh, ông O’Brien là một người luôn sống trong suy nghĩ mình là người thất bại. Suy nghĩ này ăn mòn, hủy hoại những giá trị cuộc sống của ông. Ông muốn trở thành nhạc sỹ, ông nghĩ mình là một phát minh gia, ông cũng luôn cố gắng làm một người cha tốt… nhưng ông đã không thành công.
O’Brien là một người đàn ông buồn. Ông bị chính những suy nghĩ của mình đầu độc. Ông trút sự bất lực của mình lên các con, những người ông vô cùng yêu quý, và sau đó là những giờ những ngày sống trong dằn vặt của sự ân hận. Cây đời là một câu chuyện buồn nhưng nó cũng rất phổ biến tại các làng quê Mỹ, đặc biệt là những năm 1950. Những người đàn ông với khát vọng lớn về tình yêu, trách nhiệm với gia đình, những đứa con và bản thân nhưng cuối cùng đều gục ngã trên chính lý tưởng của mình, sự cay đắng và bất lực đã ám ảnh, thiêu rụi tâm hồn họ.
Terry học triết tại Harvard và Oxford, ông cũng tham gia dịch một cuốn sách của Heidegger và đã được xuất bản năm ông 25 tuổi. Bây giờ, sau 40 năm, ông tiếp tục cho ra mắt một tác phẩm về triết học, tôn giáo và xã hội đạo Kito. Trong Cây đời, Terry đã dành 17 phút cho thông tin này, đây có phải là chi tiết trong kịch bản gốc của Cây đời?
Kịch bản gốc có chi tiết này, nó không những chi phối mà còn chi phối rất nhiều đến toàn bộ Cây đời.
Cây đời không phải là một bộ phim tôn giáo nhưng khái niệm và lòng tin về sự tha thứ ở một thế giới khác sau cái chết của Kito giáo đã được thể hiện rất rõ và tâm huyết?
Terry dành sự quan tâm đặc biệt cho các vấn đề tôn giáo nhưng tôi phải làm rõ điều này, ông quan sát, nghiên cứu tất cả những vấn đề này trên quan điểm một nhà khoa học, không phải những định nghĩa trong sách giáo khoa. Trong xã hội Mỹ, không phải lúc nào tôn giáo và khoa học cũng là một. Nhưng với Terry, ông nghiên cứu về Chúa bằng những luận điểm khoa học logic và nhìn khoa học bằng con mắt của Chúa.
Cây đời không phải một bộ phim tâm linh nhưng nó khiến tôi và rất nhiều khán giả tin vào một sức mạnh siêu phàm không thể giải thích và đôi khi những điều như bình yên, hạnh phúc có thể sẽ được tìm thấy rất tình cờ, không phải từ những gì cao siêu, mà đơn giản chỉ là việc chấp nhận cả những điều chúng ta chưa biết.
Minh Hạnh dịch

No comments:

Post a Comment