Monday, July 25, 2011

TÌM HIỂU LUẬT DI TRÚ DU HỌC

Friday, December 28, 2007
L.S. Darren Nguyễn Ngọc Chương, ESQ
Luật di trú Hoa Kỳ là loại luật phức tạp nhất, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời được Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú.” Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là luật sư Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California đã được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California chính thức công nhận là luật sư chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ (Certified Legal Specialist in Immigration and Nationality Law by the State Bar of California Board of Legal Specialization). Hiện nay California có trên 211,000 luật sư nhưng chỉ có 145 luật sư có bằng chuyên môn về luật di trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong. Ngoài ra Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong đã từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.
Ðề tài: Du học
Du học sinh Hoa Kỳ được chia ra làm 3 diện: Diện thứ nhất là diện M-1, tức là du học sinh về Thực Hành. Diện thứ hai là diện J-1, tức là du học sinh dưới chương trình trao đổi của hai nước. Diện thứ ba thông dụng nhất là diện F-1, tức là du học sinh về Lý Luận.
Diện M-1 là diện du học sinh thực hành về nghề nghiệp, hoặc về kỹ thuật, như học móng tay, học cắt tóc, học sửa máy, học nấu ăn, học lái máy bay v.v... Thời gian chương trình học và thực tập không được quá 12 tháng. Nghĩa là đương sự phải rời khỏi Hoa Kỳ hoặc đổi qua diện khác như diện thẻ xanh, diện du học F-1, hoặc diện nghề nghiệp v.v... Diện M-1 chương trình học có thời hạn: 6 tháng, và thời gian thực tập phải từ 6 tháng trở xuống. Tính chung thời gian học, cộng với thời gian thực tập phải là 12 tháng trở xuống. Du học sinh với diện M-1 sẽ không được đi làm ngoại trừ đi thực tập. Nếu du học sinh nào có ý định chính là học nghề hoặc kỹ thuật và muốn học thêm Anh ngữ cùng trường để giúp trong sự học thì sẽ được coi là diện M-1. Ngoài ra diện M-1 còn đòi hỏi đương sự phải có ý định trở về quốc gia của mình sau khi học xong, đương sự phải là học viên chân thật, hội đủ điều kiện để học xong khóa học, ý định của đương sự vào Hoa Kỳ tạm thời để học, và đương sự chỉ được học tại học viện nào đã được Sở Di Trú chấp thuận. Dưới điều 113 của đạo luật Aviation and Transportation Security Act of 2001 (được chấp hành sau sự kiện 9-11), những trường dạy lái máy bay phải trình cho Bộ Tư Pháp giấy chứng minh lý lịch của đương sự nếu đương sự muốn học lái máy bay nặng 12,500 pounds hoặc hơn để Bộ Tư Pháp có thể suy xét về sự an ninh trước khi được học lái.
Diện J-1 là diện du học dưới chương trình trao đổi giữa hai nước. Diện này được áp dụng cho tập sự viên, sinh viên đại học, sinh viên trung học, giáo sư hoặc khảo cứu gia, bác sĩ, giáo viên, hoặc nhà học giả và phải được sự bảo trợ của một cơ quan nào đã được chỉ định bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (trước đây là United States Information Agency tạm dịch là Cơ Quan Tin Tức Hoa Kỳ). Sự trao đổi phải có mục đích là để dạy, học, quan sát, khảo cứu, tham khảo, hoặc tập sự. Ðương sự phải hội đủ tài chánh, thông thạo Anh ngữ và phải có bảo hiểm sức khỏe cho đương sự và gia đình. Ðiều cần để ý về diện J-1 là lãnh sự Hoa Kỳ có thể ràng buộc đương sự điều kiện: sau khi xong chương trình học, phải trở về nước của mình, và sau 2 năm ở ngoài Hoa Kỳ mới được trở lại Hoa Kỳ, nhưng với những diện khác. Khi đương sự bị sự ràng buộc 2 năm, dù là đương sự đầy đủ điều kiện để ở lại Hoa Kỳ chẳng hạn như lập gia đình với người công dân Hoa Kỳ, hoặc đổi qua diện nghề nghiệp, nhưng sẽ không được Sở Di Trú chấp thuận cho ở lại Hoa Kỳ. Sự ràng buộc 2 năm thường bị chấp hành vào những du học sinh học về Y Khoa. Sự ràng buộc 2 năm có thể được miễn trừ nếu hội đủ điều kiện.
Diện F-1 là diện du học sinh về Lý Luận hoặc về Anh ngữ ở các trường, được chấp thuận bởi Sở Di Trú. Diện F-1 khác với những diện du học khác: Diện F-1 không có giới hạn. Nếu chương trình học là 6 năm, du học sinh diện F-1 có quyền ở Hoa Kỳ tới 6 năm để học xong chương trình. Trong thời gian đi học, học viên F-1 được đi làm trong trường. Nếu học viên F-1 muốn đi làm ngoài trường, học viên phải chứng minh với Sở Di Trú vì sự thay đổi về vấn đề tài chánh, nên học viên cần phải đi làm thêm mới có đủ tài chánh để đi học, và việc làm sẽ không có ảnh hưởng xấu cho vấn đề đi học. Sau chương trình học, học viên được thực tập 1 năm về môn học của họ.
Những điều kiện để được chấp thuận vào Hoa Kỳ dưới diện du học sinh
- Ðương sự cư trú ở nước ngoài, và có ý định trở về nơi cư trú của mình sau khi học xong.
- Ðương sự phải là học viên chân thật, hội đủ điều kiện để học xong khóa học.
- Ðương sự có ý định vào Hoa Kỳ tạm thời, để học tại một học viện.
- Ðương sự chỉ được học tại học viện nào đã được Sở Di Trú chấp thuận và;
- Ðương sự không được học tại trường tiểu học công cộng.
Ðể được hội đủ những điều kiện nói trên, đương sự phải:
- Hội đủ tài chánh. Nhưng có tiền không có nghĩa là hội đủ tài chánh. Có thể quốc gia của đương sự có sự hạn chế về sự chuyển tiền.
- Có khả năng Anh ngữ hoặc vào Hoa Kỳ để học Anh ngữ.
- Có ý định trở về nước.
- Có đủ học vấn để được học tại học viện muốn học.
- Học full-time.
Ðiều kiện chính mà nhiều người bị từ chối giấy nhập cảnh là vì họ không chứng minh được họ có ý định trở về nước của họ. Khi đương đơn nộp đơn xin giấy nhập cảnh, lãnh sự Hoa Kỳ sẽ cho đương đơn có ý định di dân, và sẽ ở luôn tại Hoa Kỳ. Ðương đơn có bổn phận chứng minh rằng: họ sẽ trở về nước của họ, bằng cách trình bày những dữ kiện về vấn đề tài chánh và sự ràng buộc của xã hội và gia đình tại quê quán của đương sự, nên bắt buộc đương sự phải trở về quê quán của họ sau khi học xong. Ðể chứng minh sự ràng buộc gia đình, đương sự có thể chứng minh họ có cha mẹ, vợ chồng, hoặc con còn ở lại nước của họ. Ðể chứng minh tài chánh, đương sự có thể chứng minh họ có tài sản, công ty buôn bán, việc làm đang chờ đợi họ trở về. Ðương sự cũng có thể đóng tiền thế chân cho Sở Di Trú tại Hoa Kỳ. Về vấn đề xã hội, những điều học được ở Hoa Kỳ sẽ sử dụng ở quê hương đương sự, cần ghi nhớ những học vấn đã học được tại Hoa Kỳ là một phần: lãnh sự Hoa Kỳ sẽ xem xét để chấp thuận giấy nhập cảnh.
Khi nhập cảnh Hoa Kỳ, mỗi diện có sự ràng buộc riêng. Khi đương sự vi phạm một trong những sự ràng buộc đó, Sở Di Trú có quyền trục xuất đương sự trở về nước của họ.
Bản tin chiếu khán
Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Giêng năm 2008.
Ưu tiên 1 - priority date là ngày 1 Tháng Hai năm 2002, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
Ưu tiên 2A - priority date là ngày 22 Tháng Hai năm 2003, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.
Ưu tiên 2B - priority date là ngày 22 Tháng Mười Một năm 1998, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.
Ưu tiên 3 - priority date là ngày 8 Tháng Năm năm 2000, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
Ưu tiên 4 - priority date là ngày 8 Tháng Bảy năm 1997, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.
Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren C. N. Nguyen hoặc Luật Sư Thuong T.C. Luu của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP địa chỉ số 120 S. Harbor Blvd., Suite F, Santa Ana, CA 92704.  Ðiện thoại (714) 418-2080.

No comments:

Post a Comment