Monday, July 25, 2011

CHỌN TRƯỜNG - CÂN BẰNG THỰC TẾ VÀ MƠ MỘNG

Phạm Khoa

 
Elizabeth đang ân hận vì đã chọn một trường luật ở gần nhà cho tiện và ít tốn kém, để rồi sau khi tốt nghiệp, cô không thể ghi danh thi vào Luật Sư Đoàn tiểu bang, không thể xin việc ở hãng luật vì trường này không được kiểm định.

Tú được nhận vào cả trường A lẫn trường B. Tuy trường A bảo trợ toàn bộ chi phí học tập, Tú vẫn chọn trường B vì trường B nằm trong “top 10” và đứng trên trường A bảy bậc trong bảng xếp hạng các trường đào tạo về kinh doanh. Quyết định này tăng thêm gánh nặng, Tú phải vay tổng cộng $100,000 cho bằng cử nhân và gồng lên để trả nợ hàng chục năm sau khi học xong đại học. Đáng tiếc là cách biệt không đáng kể về hạng bậc trường này chẳng làm thay đổi chút nào lợi thế của Tú khi xin việc làm.

David theo ngành tài chính công và mơ ước làm việc cho một tổ chức quốc tế nhưng, nghe lời cha mẹ, cậu chọn học một trường ở California, vừa gần nhà, vừa có một học bổng $2000/năm. David đã không thấy trước rằng, lựa chọn này sẽ làm giảm 50% cơ hội vào làm việc cho các tổ chức quốc tế, tập trung phần lớn ở Washington DC và New York…

Khác với hệ thống giáo dục của nhiều nước khác,Hoa Kỳ cung cấp vô số lựa chọn về trường học cũng như ngành nghề. Bạn có thể tận dụng lợi thế này bằng cách đầu tư thời gian để chọn lựa và quyết định. Nếu bạn quyết định nhầm lẫn khi chọn lựa, bạn sẽ hối tiếc trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp.

NHỮNG YẾU TỐ PHẢI XEM XÉT

Bạn có thể nộp đơn xin vào vài ba chục trường và đợi xem trường nào nhận mình rồi mới quyết định. Tuy nhiên, hoàn chỉnh hồ sơ xin học là một việc mất thời gian, và... tuy bạn có thể dùng lại hồ sơ của trường này cho trường khác, mỗi trường có thể có thêm một hai yêu cầu cá biệt mà bạn phải bổ túc. Hơn nữa, mỗi hồ sơ cần kèm lệ phí, càng xin nhiều trường càng tốn kém. Các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn cẩn thận để đi đến một “shortlist” không quá 10 trường khi nộp đơn. Nếu bạn có nhiều tiền, bạn có thể tăng danh sách này lên 15.

Để cân nhắc, chọn lựa, bước đầu tiên bạn cần là xác định “Tôi là ai? Tôi muốn gì?”. Sự chọn lựa sẽ đi quanh hai câu hỏi này.

Nơi học và làm việc

Bạn là ai? Bạn thuộc type nào? Thích sinh hoạt hội đoàn hay yên tĩnh để nghiên cứu? Thích những bữa cơm “bình dân” và các quán cà phê nho nhỏ, hay thích ăn cơm “ký túc xá” của trường trong khung cảnh nhộn nhịp nhưng nhiều tính đại học? Thích khung cảnh đồng quê, rộng thoáng với nhiều cây xanh hay thích sự nhộn nhịp của các đô thị với đủ thứ trò vui của tuổi trẻ? Bạn có chơi môn thể thao nào cần được trường hay thành phố hỗ trợ không? Bạn thích hợp với loại thời tiết nào?

Quan trọng hơn hết, bạn theo đuổi ngành gì và muốn làm việc ở đâu sau này? Thường thường, nên học ở thành phố, hay ít nhất là cùng tiểu bang nơi bạn định làm việc. Tại sao? Thứ nhất, trong thời gian học bạn sẽ phát triển những mối quan hệ tại địa phương, điều đó có lợi cho công việc sau này của bạn. Thứ hai, khi phỏng vấn xin việc, trong nhiều ngành, bạn sẽ dễ tìm cơ hội phỏng vấn ở nơi đang học hơn là tại những tiểu bang khác (các doanh nghiệp có thể đòi hỏi nhiều hơn ở điều kiện ban đầu trước khi mời sinh viên từ xa đến phỏng vấn vì lý do đơn giản là họ phải đài thọ chi phí máy bay và khách sạn cho bạn khi mời bạn đến phỏng vấn). Trong một số ngành nghề đặc biệt, liên quan đến chính trị hoặc các tổ chức quốc tế, học tập ở thủ đô hay một số thành phố lớn nơi các tổ chức này đặt trụ sở sẽ làm tăng cơ hội của bạn lên nhiều lần khi ra trường. Một vài thí dụ khác, nếu bạn muốn làm trong lĩnh vực chứng khoán, bạn nên chọn học ở New York City hơn là Sacramento. Nếu muốn làm kỹ sư dầu khí, học ở Houston, Texas tốt hơn là một thành phố bờ biển miền Tây Bắc.

Hãy cân nhắc tất cả những yếu tố trên để “khoanh vùng” trước những tiểu bang và thành phố nơi bạn nên học. Từ đó mới xem xét những trường trong các khu vực này.

Khoảng cách với gia đình

Đa số các chuyên gia Mỹ cho rằng không nên để khoảng cách với gia đình làm một yếu tố quan trọng trong chọn lựa. Điều này đúng khi xét rằng yếu tố chọn trường đóng góp vào sự thành công trong nghề nghiệp của bạn là rất đáng kể. Tuy nhiên, đối với một số người, sự gần gũi và khả năng thăm viếng gia đình thường xuyên có ý nghĩa tinh thần quan trọng hơn đối với người khác. Nếu bạn thuộc nhóm này, cần cân nhắc để dung hoà các nhu cầu bằng cách thu hẹp phạm vi địa lý các trường xin học để có thể thăm viếng gia đình hàng tháng hay thường xuyên hơn.

Yếu tố “thực tế”

Yếu tố “thực tế” liên quan đến câu hỏi “bạn là ai?”. Mỗi trường có những yêu cầu khác nhau trong việc gọi nhập học, bạn phải hiểu rõ về bản thân, thế mạnh và thế yếu của mình khi quyết định chọn trường. Điều này vừa giúp tăng cơ hội được nhận, vừa giúp bạn vào học những trường khai thác được thế mạnh của bạn.

Tham khảo tiêu chuẩn nhập học của mỗi trường và so sánh với tiêu chuẩn của bạn: ngoài điểm GPA, bạn có thế mạnh gì mà một số trường có thể đánh giá cao không? Hãy nhằm vào các trường đó - thế mạnh này có thể bù đắp một điểm GPA không đủ cao. Thế mạnh có thể là năng khiếu thể thao hay hoạt động tích cực trong sinh hoạt hội đoàn, từ thiện, báo chí sinh viên,...

Bảng xếp hạng các trường

Ở một mức độ tương đối nhưng không thể bỏ qua, thông tin xếp hạng trường đại học hàng năm của một số tổ chức (như tạp chí US News), có ảnh hưởng thực tế lên khả năng tìm việc làm của bạn. Nhiều trường đại học theo dõi chặt chẽ các bảng xếp hạng này mà cố gắng điều chỉnh để được tăng hạng. Vì vậy, bảng xếp hạng có giá trị tham khảo nhất định. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng chỉ là tương đối vì dựa vào những nghiên cứu và khảo sát trên những mẫu nhất định và cách biệt vài hạng trong bảng xếp hạng sẽ không ảnh hưởng gì lên tương lai nghề nghiệp của bạn. Phải cân đối các thông tin xếp hạng này với những yếu tố khác.

Còn có xếp hạng chi tiết trong từng nhóm ngành nghề (chẳng hạn xếp hạng riêng cho nhóm trường kinh doanh, trường luật, trường kỹ thuật). Một trường có khoa y tốt không hẳn sẽ có khoa kinh doanh tốt. Bạn nên tham khảo trọn cuốn sách (thường có trong các thư viện trường hoặc nhà sách) để biết chi tiết xếp hạng trong ngành học liên quan, xếp hạng về sự hài lòng của đời sống sinh viên và thông tin về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay. Đó là những yếu tố quan trọng nhất trong bảng xếp hạng. Bảng xếp hạng còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác, như điểm SAT của đa số sinh viên được nhận vào trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỉ lệ giáo viên đối với sinh viên.

(kèm theo cho bạn có ấn tượng về khái niệm này (chỉ để tham khảo và không có kem thông tin chi tiết).

Mức độ quan tâm dành cho mỗi sinh viên

Ở các trường đại học lớn, các lớp của sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai thường rất đông, và người dạy có thể là nghiên cứu sinh chứ không phải giáo sư. Ở trường đại học đơn ngành hoặc trường nhỏ hơn, các giáo sư sẽ đứng lớp và sinh viên phải tham gia nhiều hơn vào bài học ngay từ đầu. Tham khảo tỷ lệ sinh viên với giáo viên sẽ cho biết điều này. Tỉ lệ càng cao thì sự chú ý dành riêng cho từng cá nhân sinh viên càng thấp.

Quỹ tài chính

Chi phí học ở mỗi trường khác nhau. Tỉ lệ được đài thọ chi phí khác nhau. Học bổng cũng khác nhau vì một số học bổng đòi hỏi bạn phải học ở một số trường nhất định nào đó. Nếu chi phí học cao và ít tài trợ, bạn phải trang trải gần hết chi phí bằng vay nợ, phần lớn là có lãi, và trả góp số nợ này sẽ làm giảm thu nhập của bạn trong nhiều năm sau này khi làm việc. Trường có đem lại các cơ hội trợ tá, trợ giảng hay Cooperative Education giúp bạn vừa làm vừa học để trang trải một phần chi phí học cũng là một cơ hội cần đưa vào các yếu tố để xem xét. Nếu chi phí của hai trường cách biệt nhau đáng kể, phải cân nhắc xem các lợi ích của mỗi trường có thay đổi tương xứng không. Vấn đề tài chính được đề cập chi tiết trong loạt bài về “Học Bổng và Nguồn Tài Trợ.” 

NHỮNG BƯỚC TIẾN HÀNH ĐỂ LỰA CHỌN

Việc tìm hiểu thông tin nên bắt đầu từ 18 đến 24 tháng trước khi nhập học. Xác định trước nhất “bạn là ai, bạn muốn gì.” Kế đó nghiên cứu các nguồn thông tin và đối chiếu với nhu cầu và điều kiện của bạn. Soạn một bảng (Excel là tốt nhất) liệt kê các trường trong “tầm ngắm,” so sánh những yếu tố mà bạn cho là quan trọng trong những cột khác nhau, thí dụ, điểm SAT đa số, điểm SAT trung bình của những sinh viên được nhận, học phí, chi phí sinh hoạt, vị trí, tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ giảng viên đối với sinh viên..., kể cả một yếu tố cá biệt nào đó mà riêng bạn thấy quan trọng nếu có.

Sau khi đã có danh sách “shortlist” các trường bạn muốn chọn ưu tiên, nên viếng thăm trường. Việc thăm viếng sẽ cho nhiều thông tin thực tế cũng như kiểm nghiệm được cảm giác của bạn. Tham khảo nhiều ý kiến của người khác, kể cả cha mẹ, trước khi quyết định. Phần dưới đây sẽ nêu chi tiết hơn về các nguồn thông tin.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC KIỂM ĐỊNH

Kiểm định cho biết trường hay chương trình đã đạt mức yêu cầu tiêu chuẩn dành cho đại học hay cho ngành xác định chưa. Có hai kiểu kiểm định căn bản: kiểm định trường và kiểm định chuyên ngành. Kiểm định trường là việc xem xét và kiểm định tổng thể một trường đại học. Kiểm định chuyên ngành là việc kiểm định các chương trình đào tạo, các khoa trong một trường đại học. Nếu một chuyên ngành của trường đã được kiểm định chuyên ngành thì thông thường là trường này cũng đã được kiểm định ở mức trường rồi. Một vài hiệp hội hoặc tổ chức kiểm định khác nhau thực hiện những việc kiểm định này.

Ở Mỹ việc kiểm định là tùy chọn, nên có một số trường, vì lý do nào đó, không tham gia kiểm định. Sinh viên ở các trường không được kiểm định có nhiều khả năng gặp khó khăn trong các việc sau:

  • Họ sẽ không đáp ứng điều kiện để được vay hoặc nhận học bổng cũng như một số danh hiệu khoa học khác. Ví dụ, nhiều chính phủ chỉ cho vay đối với các sinh viên của một trường được kiểm định;
  • Sẽ gặp khó khăn nếu sinh viên muốn các trường được kiểm định chấp nhận những môn học họ đã học hoặc văn bằng mà họ có;
  • Đối với một số nghề, đặc biệt các nghề liên quan trực tiếp đến an toàn xã hội, như nghề y, kỹ thuật, luật pháp, kế toán công, muốn thi lấy giấy phép hành nghề bạn phải tốt nghiệp từ một trường được kiểm định;
  • Nhiều người sử dụng lao động tư nhân không chấp nhận các môn học và văn bằng của một trường không được kiểm định.
     
Một tổ chức kiểm định được coi là một tổ chức kiểm định 'được thừa nhận' nếu họ là thành viên của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Cao học (CHEA) hoặc Hiệp hội các Tổ chức Kiểm định Chuyên ngành (ASPA). Thành viên của CHEA hoặc ASPA là một dấu hiệu cho biết độ tin cậy của một hiệp hội kiểm định chương trình. Để có danh sách đầy đủ và cập nhật về các tổ chức kiểm định chương trình được CHEA thừa nhận, hãy tham khảo trang web của CHEA theo đường dẫn http://www.chea.org và trang web của ASPA tại http://www.aspa-usa.org.

Để kiểm tra việc kiểm định, vào trang web của trường để xem trường giới thiệu đã được tổ chức nào kiểm định. Bạn cũng có thể hỏi nhân viên tuyển dụng hay tư vấn của trường. Kế đến tham khảo qua các trang mạng trên để xem tổ chức kiểm định này có được thừa nhận không.

CÁC NGUỒN CUNG CẤP THÔNG TIN

Trang web của trường

Hầu hết các trường đại học đều có trang web cung cấp đầy đủ thông tin về các chương trình học lấy bằng cấp, thủ tục xin học, các bộ môn, các tiện nghi trong trường và các chủ đề khác. Rất nhiều trang web cũng cung cấp địa chỉ email của các sinh viên đang theo học tại trường, những người sẵn lòng trả lời các câu hỏi của bạn về việc xin học và cuộc sống trong trường. Khi bạn đã thu hẹp được số trường bạn quan tâm, bạn nên gởi email cho một vài nhân viên tuyển sinh, cũng như cho một vài sinh viên đang học, để nhận được giải đáp cho các vấn đề cụ thể hơn trước khi bạn ra quyết định cuối cùng xem có nên nộp hồ sơ không.

Tìm thông tin trên mạng

Một số trang web độc lập với các trường cho phép bạn tìm kiếm trường theo môn học mà bạn quan tâm, theo vị trí địa lý hoặc theo một loạt các tiêu chí khác mà bạn đưa ra. Tìm kiếm các thông tin này mất thời gian nhưng rất bổ ích. Các trang web xếp hạng trường cũng là một nguồn thông tin.

Triển lãm giáo dục

Trung tâm thông tin và tư vấn giáo dục gần nơi bạn ở nhất có thể thông báo cho bạn biết khi nào có triển lãm giáo dục hoặc các hình thức tương tự và ở đó, bạn sẽ có cơ hội được nói chuyện trực tiếp với các nhân viên tuyển sinh. Nhiều cuộc triển lãm diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu trước khi bạn có ý định bắt đầu học nên bạn cần sớm tìm hiểu.


Tóm lại, chọn trường là một quyết định “đầu tư,” một quyết định đòi hỏi bạn bỏ nhiều thời gian nghiên cứu tìm kiếm thông tin và so sách các khả năng, cơ hội. Thời gian bỏ ra sẽ ảnh hưởng lớn lao đến nhiều năm sau này mà có thể bạn chưa kịp nhận ra. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và đầu tư một cách khôn ngoan.

No comments:

Post a Comment