Monday, August 8, 2011

ÔNG THẦY

Sapy Nguyễn Văn Hưởng
 
Tôi rời đất nước ra đi vào cuối tháng 7 năm 1976 rồi qua Mỹ định cư tại thành phố San Diego từ năm 1977. Tuy sống ở một nơi có đông đồng hương, lại gần Little Saigon, thủ phủ người Việt Tỵ Nạn. Nhưng đối với các sinh hoạt hội đoàn tôi chỉ là người đứng bên lề, mặc dù trong lòng lúc nào cũng thao thức nghĩ về quê hương đất nước. Rồi không hiểu sao, khi hay tin các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Bộ Binh Thủ Đức San Diego ngồi lại bàn tính việc thành lập hội trong năm 2001, tôi lại đến tham dự và sau đó ghi danh xin gia nhập để chính thức trở thành một hội viên. Cũng trong phiên họp ấy, lòng tôi bùi ngùi xúc động, ngây ngất ngắm nhìn một vài anh em gọn gàng trong bộ quân phục ka ki vàng đi phép ngày nào, trên cầu vai lóng lánh hai chiếc Alpha bóng lộn. Quân phục số hai là bộ quần áo tôi ngắm nghía nhiều nhất, ngắm đến mấy tuần lễ liên tiếp. Cho đến một ngày, tôi mừng đến phát run lên khi được mặc nó trên người để đi nhận tấm giấy phép xuất trại lần đầu, sau sáu tuần lễ huấn nhục. Giờ tôi lại muốn mặc lại nó, để được quay về quá khứ, sống với đồi Tăng Nhơn Phú, với Vũ Đình Trường, với những giờ phép ngắn ngủi lang thang nơi Sàigòn hoa lệ và cả với những đêm dài nằm trong nhà giam 301...

Buổi họp tan, tôi đem luôn những giây phút ngây ngất ấy về nhà. Rồi theo lời bạn bè chỉ dẫn, tôi đi lùng tìm mua bộ quân phục số hai. Nhưng khi đứng trước rừng quân phục trong một cửa hiệu bán quân trang quân dụng, tôi lại lưỡng lự. Màu xanh ô liu bộ quân phục người lính Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa mà tôi mặc mỗi ngày, trong suốt cuộc đời lính; cũng quyến rũ, làm tôi phân vân không biết nên chọn bộ nào để khoác lên người sau hơn một phần tư thế kỷ tự tay cởi bỏ nó ra. Tuy ngôi trường Thủ Đức, nơi khắc ghi một dấu ấn đậm nét trong tôi, nhưng tôi sống ở đó chỉ vỏn vẹn mười sáu tuần lễ. Còn với bộ quân phục màu ô liu và huy hiệu Sét Miền Tây Sư Đoàn 21 Bộ Binh, theo tôi những hơn sáu năm dài. Nghĩ vậy, nên tuy đã là thành viên của hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, một hội đoàn duy nhất mà tôi gia nhập sau gần nửa cuộc đời sống lưu vong nơi thành phố San Diego hiền hòa này, tôi lại quyết định mua cho mình bộ quân phục trây di.

Khoác bộ trây di lên người, tôi đứng nhìn ngắm mình trong gương thật lâu. Tôi thấy tôi đúng là một Tân Khóa Sinh. Rồi hình ảnh đoàn xe GMC, chở gần một ngàn Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan Khóa 1/69 từ Quang Trung lên Thủ Đức ngày nào ngời sáng lên trong tâm thức tôi, còn bên tai, văng vẳng những khúc quân hành được mọi người đồng loạt hát vang trên suốt đoạn đường di chuyển. Cả khóa tôi đều tưởng phải ra Đồng Đế học tiếp giai đoạn hai. Nên khi nhận tin, được lên Thủ Đức, được ở sát cạnh Thủ Đô Sàigòn thì mọi người đều hớn hở vui mừng. Lúc đoàn xe qua khỏi cổng chính tiến vào khuôn viên nhà trường, niềm vui dâng cao thêm, làm tiếng hát, tiếng vỗ tay càng rộn ràng hơn. Tiếng hát chợt ngưng bặt lúc đoàn xe sửa soạn dừng lại nơi Vũ Đình Trường. Mọi người trố mắt nhìn ngắm khoảng một trung đội Sinh Viên Sĩ Quan, mặc đồng phục ka ki vàng thẳng nếp, giày máp bóng lộn, alpha sáng chói, đang nhịp nhàng hùng dũng đều bước. Đoàn quân dừng lại bên cạnh những chiếc GMC vừa đỗ lại. Cả toán quân nhanh chóng tỏa ra đứng ngay phía sau xe, rồi đồng loạt chào đón chúng tôi bằng những tiếng thét kinh hồn, thúc dục mọi người mau chóng nhảy xuống xe. Những tiếng thét làm tôi khiếp đảm. Tôi tuy không được nghe tiếng hét danh tướng Trương Phi bên cầu Trường Bản, nhưng tôi nghĩ Trương Phi hét to lắm cũng chỉ tương đương với tiếng thét các Cấp Trưởng dằn mặt chúng tôi vào những giờ phút đầu hội ngộ với ngôi trường Thủ Đức. Bầu không khí “hắc ám” phủ kín đoàn xe, làm lịm tắt ngay mọi nỗi vui mừng hớn hở. Riêng tôi, chưa kịp vác túi quân trang lên vai đã gặp ngay một Cấp Trưởng đứng nghiêm chỉnh trước mặt bảo trình diện. Tôi những tưởng sau chín tuần lễ thụ huấn căn bản quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung xong là đương nhiên đã trở thành một Sinh Viên Sĩ Quan. Nên tôi dơ tay lên chào Cấp Trưởng rồi ha to trình diện:
- Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Văn Hưởng...
Tôi nói chưa dứt câu, Cấp Trưởng đã dõng dạc hô to hơn cắt ngang lời tôi:
- Ai gắn Alpha cho anh mà anh dám tự xưng là Sinh Viên Sĩ Quan? Ra làm cho tôi 20 cái bơm.
Như một cái máy, tôi đáp lại:
- Tuân lệnh!
Lời tôi nói chỉ là một phản xạ tự nhiên, chớ tôi đâu hiểu hình phạt “bơm” là gì. Thấy tôi ngơ ngác, vẫn đứng trong tư thế nghiêm, Cấp Trưởng chống tay xuống theo tư thế hít đất, vừa nhấp nhô lên xuống vừa hét to:
- Bơm là làm như vầy này. Hiểu chưa!
Nhìn Cấp Trưởng “biểu diễn” tôi mới hiểu ra “bơm” là gì. Thế là tôi chống hai tay xuống đất bơm lên bơm xuống thi hành lệnh. Kể từ đó tôi yêu tiếng bơm ngắn gọn gợi hình hơn tiếng hít đất thường dùng.
Ngay cái giây phút đầu hội ngộ ấy, chẳng phải riêng tôi, mà ai cũng bị phạt, mỗi người mỗi kiểu, người thụt dầu, người nhảy xổm, người bò, người trườn...Chúng tôi như biến thành những con chuột nhũn ra trước tiếng thét kinh hoàng của đàn mèo cấp trưởng. Thi hành lệnh phạt xong chúng tôi như bầy vịt xách túi quân trang, sắp ngay hàng thẳng lối để đàn anh phân chia đại đội. Khi hàng ngũ đã chỉnh tề. Một Cấp Trưởng hùng dũng đứng trước hàng quân dõng dạc tuyên bố:
- Kể từ giờ phút này các anh chính thức gia nhập hàng ngũ Tân Khóa Sinh Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức. Các anh đang ở trong giai đoạn huấn nhục, kéo dài đúng sáu tuần lễ. Trong suốt thời gian này, các anh phải tuân hành tuyệt đối mọi mệnh lệnh do các Sĩ Quan Cán Bộ, Sinh Viên Sĩ Quan khóa đàn anh ban ra. Là Tân Khóa Sinh, các anh như người không tên tuổi. Tôi cho các anh đúng năm phút, tháo gỡ hết các bảng tên được may trên áo ra. Các anh hiểu rõ chưa?
Tất cả đều đồng loạt hô to:
- Rõ!

Tiếng rõ vừa dứt, mọi người hối hả mở túi quân trang lục tìm dao kéo, lưỡi lam...rồi giúp nhau cắt hết các bảng tên may trên miệng túi áo mình. Vài phút ngắn ngủi sau, cả khoá tôi ai cũng trở thành người vô danh tiểu tốt.

Những giây phút đầu tiên được các đàn anh dàn chào dằn mặt nơi Vũ Đình Trường, làm tôi nhớ mãi. Trong lúc đó, nếu có một ai đến hỏi tôi, người tôi sợ nhất trên đời này là ai, tôi không ngần ngại trả lời ngay: Đó là các Cấp Trưởng. Còn hạng người tôi “thù” nhất cũng chính là các Cấp Trưởng. Tôi “thù” họ tận xương tận tủy, quyết sống để bụng, chết mang theo. Nhưng chỉ vài tháng sau. Lịch sử lại tái diễn. Khi trên cầu vai, trên cổ áo tôi được gắn lên “con cá”, rồi được cắt cử đi làm Cấp Trưởng hù dọa, nạt nộ đàn em mình. Đến lúc đó tự nhiên “mối thù” ấy tan biến trong tôi. Cho đến bây giờ, đã hơn ba mươi lăm năm không còn phải bơm, phải bò, phải móc chân lên tường, phải bị phạt dã chiến...nhưng hình ảnh thời Tân Khóa Sinh vẫn không nhạt phai trong tôi. Tôi xem đó là thời gian tôi được cung cấp thêm bản lãnh, lấy đi cái mặc cảm yếu đuối sợ sệt có sẵn trong tôi, giúp tôi nhận ra mình có đủ khả năng đương đầu với mọi khó khăn, nguy hiểm, sóng gió... Trường học trang bị cho tôi kiến thức, còn trường Bộ Binh Thủ Đức đem đến cho tôi sức mạnh, niềm tin, can đảm...và đưa tôi lao thẳng vào đời.

Hình ảnh hôm đầu tiên lên Thủ Đức, nay tôi lại nhìn thấy nó trong tấm gương trước mặt. Bởi bộ quân phục tôi mới mua về cũng không có bảng tên, không phù hiệu. Tôi chợt mỉm cười với mình rồi bước ra khỏi phòng cho bà xã nhìn ngắm lại “người hùng” năm xưa, rồi tôi năn nỉ ỉ ôi nhờ thêu cho một bảng tên lên trên túi áo. Bà nhà tôi cũng muốn đồng hành cùng chồng quay về dĩ vãng, nên đi tìm kim chỉ thêu ngay tấm bảng tên cho tôi. Thế là hơn một giờ sau, mặc lại chiếc áo lên người, tôi thấy mình như đã vượt qua giai đoạn huấn nhục, không còn là một Tân Khóa Sinh nữa.

Ngắm lại mình trong gương, tôi cảm thấy như vẫn còn thiêu thiếu một cái gì. Liếc ngang liếc dọc, quay tới quay lui một lát, tôi nhận ra, trên cổ áo không còn những bông mai nở đẹp. Tôi chau mày phân vân tự hỏi: “Có nên gắn những bông mai ngày cũ lên cổ áo hay không?”. Tôi biết, chỉ cần nhờ một tiếng là tôi có ngay. Ngày xưa chính tay nhà tôi nắn nót thêu lên cho tôi những bông mai ấy. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định, chỉ đóng vai người lính trơn.

Cầm trong tay huy hiệu “Cư An Tư Nguy” của trường Bộ Binh Thủ Đức mà lòng tôi lại mơ đến một phù hiệu có vệt sét vàng ở ngay trung tâm, tỏa lan thành 21 nhánh màu xanh hy vọng. Làm sao tôi có được huy hiệu Sét Miền Tây của Sư Đoàn 21 Bộ Binh??? Nhưng thôi, có còn hơn không! Tôi tự nhủ với lòng như vậy. Rồi huy hiệu Cư An Tư Nguy được nhà tôi may lên tay áo. Tôi thấy vẻ đẹp mình được “nâng cấp”, ngắm thêm một lát nữa, tôi tưởng như mình vừa được thuyên chuyển về trường làm cán bộ hay huấn luyện viên.

Tuy đã quyết định không mang lon lá trên cổ áo, nhưng điều ấy vẫn còn trăn trở trong tôi. Sự việc này mãi cho đến hôm đi họp thường niên, bầu lại ban chấp hành mới cho hội Thủ Đức San Diego niên khóa 2003 – 2005, mới chấm dứt hẳn trong tôi. Hôm ấy, tôi thấy có vài đồng môn đeo lon trên cổ áo. Nhìn họ, tôi nhận ra quyết định trước đây của tôi là đúng.

Giải quyết việc đeo lon lá trên bộ quân phục xong, tôi lại nghĩ đến việc đeo lon lá nơi cửa miệng. Mãi cho đến bây giờ, sau gần ba mươi năm chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tan rã. Mỗi lần anh em đồng đội ngày xưa gặp lại nhau, việc xưng hô dường như mỗi người mỗi ý. Có người vẫn gọi nhau bằng cấp bậc, chức vụ cũ, có người gọi nhau theo tuổi tác...Với tôi, việc này đúng hay sai là “tùy người đối diện”. Tiện đây tôi xin chia sẻ với các bạn đồng môn một vài việc đã xảy ra với tôi, để giải tỏa bớt những đá sỏi trong lòng.

Hay tin ông Đơn Vị Trưởng cuối cùng của tôi được sang Mỹ theo chương trình HO sau hơn 10 năm bị tù cải tạo. Từ San Diego tôi chạy lên Los Angeles thăm ông ngay. Bởi mặc thường phục nên tôi không thể giơ tay lên chào kính ông, mà chỉ đưa tay ra bắt rồi lên tiếng hỏi thăm ông:
- Thiếu Tá dạo này có khỏe không?
Giọng ông rầu rầu nửa như mỉa mai, nửa như chua xót bảo tôi:
- Tôi xin anh đừng xưng hô bằng cấp bậc với tôi như ngày trước nữa, giờ chúng ta xem nhau như anh em đi cho thân mật.

Ngay trong giây phút đầu gặp gỡ, tôi không biết phải xưng hô với ông làm sao cho phải đạo. Lời chào hỏi trong giây phút ngỡ ngàng, là lời thốt ra tự nhiên, hoàn toàn không có chuẩn bị trước. Nhưng sau khi “nhận lệnh” thay đổi cách xưng hô, tôi thấy hơi xốn xang đôi chút, rồi càng về sau càng thoải mái hơn cho cả ông Đơn Vị Trưởng lẫn tôi. Sự chuyển đổi này cũng không làm giảm sút sự tôn kính cá nhân ông trong tôi mà nó còn tăng thêm nhờ sự thân thiết, nhờ mất đi khoảng cách giữa cấp chỉ huy và người thuộc cấp. Ngày xưa, sự tôn kính rất có thể phát sinh ra từ cặp lon trên cổ áo, từ chức vụ ông đảm nhận. Giờ đây những thứ ấy mất đi và được thay bằng sự tôn trọng lẫn nhau, bằng những kỷ niệm: “sống chết có nhau là huynh đệ chi binh”

Về thăm quê hương lần nào tôi cũng ghé lại Bạc Liêu, nơi tôi đóng quân ngày trước để tìm lại anh em cùng đơn vị. Dù đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, các chiến hữu tôi bây giờ mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người, mỗi cuộc sống khác nhau. Nhưng kỷ niệm, tâm tình những ngày sống bên nhau thì hoàn toàn không thay đổi. Nó là những bảo vật nằm sâu kín trong lòng mà không ai có thể đụng chạm tới để vứt bỏ nó đi được. Nói chuyện với nhau, tôi cảm nhận được, cái tình nghĩa bây giờ còn đậm đà hơn cả ngày trước rất nhiều.

Chuyến về nước trong dịp Tết Quý Mùi 2003, tôi dọ hỏi mãi mới có được địa chỉ Phan Thành Nghiệp, người binh sĩ thân cận với tôi ngày nào. Nghiệp ở thật sâu trong ruộng, nên tôi phải ghi chép kỹ lưỡng từng lời người chỉ dẫn đường đến nhà Nghiệp, để mong tìm đến đúng nơi. Từ ngoài tỉnh Cà Mau, tôi thuê Honda ôm đi tìm Nghiệp. Người lái xe phải dừng xe hỏi thăm đường năm lần bảy lượt mới đưa tôi đến đúng nơi. Lúc xuống xe, nhìn vào trong nhà, tôi thấy một ông già hom hem ngồi hướng mắt trông ra bờ kinh. Nhìn kỹ ông ta thêm, tôi nhận ra đó chính là Nghiệp, tự nhiên niềm đau xót dâng lên ngập lòng tôi. Nghiệp hơn tôi vài tuổi, chỉ mới ngoài sáu mươi thôi mà nom như ông cụ. Đến bên Nghiệp, tôi lên tiếng hỏi để thử xem Nghiệp có nhận ra tôi không:
- Anh có phải là Sáu Nghiệp không?
- Đúng rồi! Mà cậu hỏi tui có chuyện chi không?

Vậy là Nghiệp không nhận ra tôi. Khi xưa tôi cân nặng không đến 50 ký lô, nay đã hơn 75, thì làm sao Nghiệp nhận ra cho được. Tôi vẫn cố hỏi thêm:
- Bộ anh không nhớ tôi sao?
Quan sát tôi thêm một chặp nữa, Nghiệp lắc đầu:
- Tui không quen biết cậu!

Nghe giọng Nghiệp, tôi đoán Nghiệp tưởng tôi là công an đến điều tra việc gì. Để gây ngạc nhiên và nhân tiện “hù dọa” Nghiệp một chút cho vui trong ngày đầu hội ngộ, tôi hỏi tiếp:
- Có phải ngày trước anh đi lính trên Bạc Liêu không?
Nghiệp tỏ vẻ hơi hốt hoảng, lính quýnh trả lời:
- Đúng, nhưng hồi đó tui bị bắt quân dịch.
Tôi nghiêm nét mặt làm như người đang thẩm vấn:
- Anh cho tôi biết ai là Tiểu Đoàn Trưởng của anh?
- Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Thẩm.
- Ai là Trưởng Ban Một?
- Thiếu Úy Lê Văn Đào.
- Trưởng Ban Hai?
- Thiếu Úy Nguyễn Văn Hưởng.
Tôi cười bảo Nghiệp:
- Anh nhìn kỹ tôi xem có giống Thiếu Úy Hưởng không?

Mắt Nghiệp hơi kém nên nheo lại, ghé mặt sát gần thêm, cố nhìn kỹ tôi thêm một lần nữa, rồi xác quyết:
- Cậu không phải là Thiếu Úy Hưởng, ông Hưởng tạng người ốm cao, có đeo kính nhốp.
Ngày trước mắt tôi cận thị, nay đã mổ mắt nên Nghiệp không tìm thấy cái kính nhốp trên gương mặt tôi. Biết Nghiệp không tài nào nhận ra, nên tôi nói nghiêm chỉnh trở lại:
- Tôi là Hưởng đến thăm anh đây, tôi không nói giởn chơi đâu, anh cố nhìn và nhớ lại xem.

Nghiệp lại tiếp tục nhìn ngắm tôi. Bỗng nhiên anh nhảy dựng lên, vỗ mạnh vào vai tôi nói như hét:
- Đúng rồi, tôi nhìn ra “Ông Thầy” rồi, nhờ cái nhân trung này nè. “Ông Thầy” dạo này mập quá làm sao tôi nhìn ngay ra cho được, còn cái kính nhốp “Ông Thầy” đâu rồi???...

Nghiệp cứ thao thao bất tuyệt hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, Nghiệp nói như muốn tuôn ra tất cả những điều chất chứa trong lòng. Nghiệp cứ nói, cứ hỏi nhưng tôi không thể nào chen vào ngắt lời được. Tôi nghĩ sự hiện diện của tôi trong căn nhà lá này đã đủ để trả lời cho mọi câu Nghiệp hỏi. Nghĩ vậy nên tôi đứng im nhìn Nghiệp, để mặc Nghiệp nói gì thì nói, để mặc cho lòng tôi bồi hồi thổn thức. Nghiệp dứt lời, đứng nhìn tôi đăm đăm, tôi thấy đôi giọt lệ lăn trên má nhăn nheo của Nghiệp. Để cho niềm xúc động lắng xuống, Nghiệp mới bảo người nhà rót nước mời khách, rồi kêu vợ con ra “trình diện” tôi.

Nghiệp kể tôi nghe những gian truân sau ngày quê hương hoàn toàn lọt vào tay người Cộng Sản. Người vợ trước của Nghiệp mất gần hai chục năm nay, Nghiệp cưới vợ sau để có người hủ hỉ lúc tuổi già. Nhưng hủ hỉ thiếu kế hoạch nên lại có thêm mấy đứa con nheo nhóc. Nhìn đám con Nghiệp tôi lắc đầu. Nhìn lên bàn thờ, đã gần Tết mà chưa có mâm hoa quả nhang đèn bày ra. Nhìn lên cái mái căn chòi lá, vài tia nắng xuyên qua làm tôi chóa mắt. Câu hát “giúp đỡ lẫn nhau là huynh đệ chi binh” lại vang lên trong tôi. Tôi rủ Nghiệp cùng vợ con ra chợ xã sắm sửa Tết. Nhìn mấy đứa con Nghiệp vui tươi, hớn hở, rạng rỡ xúng xính trong bộ quần áo mới khiến tôi thấy được ngày Tết năm ấy đến sớm hơn mọi năm. Tôi bảo Nghiệp cứ tự nhiên mua sắm, miễn làm sao cho cả nhà có một cái Tết ấm cúng no đủ là được. Lúc sắp ra về, đứa con gái Nghiệp lại nắm tay tôi thủ thỉ:
- “Ông Thầy” ơi! Mua cho con đôi bông tai được hông?
Nghe vậy Nghiệp vội la con:
- “Ông Thầy” mua cho tụi mày gần hết cái chợ rồi còn đòi hỏi gì nữa!
Đứa bé lấm lét bỏ đi. Tôi vẫy gọi nó lại rồi bảo:
- Để “Ông Thầy” mua cho con đôi bông tai.

Tôi kể chuyện đi thăm người chiến hữu Phan Thành Nghiệp ra đây không phải để quảng cáo lòng “hào hiệp” của mình. Tất cả những gì tôi làm được cho Nghiệp cùng gia đình, tôi đã được đền trả gấp bội rồi. Hôm ấy tôi hết sức vui sướng, khi nhìn gương mặt con cái Nghiệp tươi cười rạng rỡ, khi thấy nàng Xuân đã hiện diện trong căn nhà Nghiệp qua những bộ quần áo mới, qua mâm hoa quả, nhang đèn trên bàn thờ...và nhất là hai tiếng “Ông Thầy” Nghiệp gọi tôi, con Nghiệp gọi tôi. Hai tiếng “Ông Thầy” này không xa lạ gì với mỗi người lính. Nhưng từ hôm đến thăm Nghiệp, tôi mới cảm nhận hết cái hay ho của nó. Qua cách xưng hô này, tôi và Nghiệp vẫn giữ được tình xưa nghĩa cũ, tránh được cách xưng hô theo lối cũ không còn hợp thời. Chúng tôi có thể nói chuyện thoải mái trước mặt nhau, trước mặt mọi người, kể cả trước mặt người Cộng Sản mà vẫn không bị một trở ngại nào. Tuy hai tiếng “Ông Thầy” đối với tôi thật hay, nhưng câu ông bà ta dạy vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi người: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

No comments:

Post a Comment