Wednesday, August 3, 2011

NHỊP SỐNG BÌNH THƯỜNG LUÂN CHUYỂN

Trong làng thơ, từ thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, không mấy ai không biết Hoàng Hữu là một họa sĩ vẽ bìa sách đẹp có tiếng, các nhà xuất bản ở Hà Nội phải cử người lên Việt Trì đặt anh vẽ bìa sách văn học. Rồi đến khi anh được Giải thưởng Thơ báo Văn Nghệ, mọi người rất thích bài thơ được giải Hai nửa vầng trăng của anh như một bài thơ tuyệt mệnh, như anh sinh ra chỉ cần để lại bài thơ ấy cho đời.
Bên nỗi đau riêng mà lớn lao tình người ấy, ít ai biết Hoàng Hữu từng chia sẻ nỗi đau đất nước với niềm tin lặng lẽ mà cháy bỏng trong trái tim đau chỉ còn được đập đôi nhịp cuối cùng sau đó.
 


Điều sẽ nói cùng em

Chiều mỗi lúc thấp dần và lát nữa
Ngôi sao Hôm sẽ lại cháy trên đầu.
Tôi đi trong tiếng đòng đòng đang trổ
Quần áo lính đất rừng bết đỏ
thấp tho giữa màu xanh lúa
với con đường sỏi tím men theo.
Sẽ kể với em thế nào đây
Cây rừng cháy thì đâu còn lạ nữa
hố pháo nát chân đèo vạt lúa nương lửa sém
nắm mì chua bỏ dở chạy xé rừng
đuổi giặc về bên kia cột mốc.
Thế nào đây khi nói cùng em
Rừng chạm tay biết mùa đang sương muối
ở dưới ấy đang thì gặt hái
ở dưới ấy…
Ôi chiều nay, chiều nay
Lúa dội mãi màu xanh se thắt
đất đã vắt đến kiệt cùng sức lực
Màu phì nhiêu tần tảo với tay người.
Là những gì không thể nói, em ơi!
Giọt mồ hôi gieo với thóc
đất giữ lại tuổi người - dấu bàn chân lấm láp
chân trời người đi trong mắt
hiền và thương đăm đắm cháy sao Hôm.
Những gì sẽ nói cùng em.
                       Hoàng Hữu (1979)
Vậy là sau ba mươi năm, mấy thế hệ thay nhau gánh vác và hoàn thành thắng lợi cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất lại giang sơn. Đất nước đổ sức người sức của ra đến mức nghèo kiệt, tưởng đã đến lúc được yên bình gây dựng lại cuộc sống. Nào ngờ lại phải đụng độ với cuộc chiến tranh biên giới tàn hại:
Cây rừng cháy thì đâu còn lạ nữa
hố pháo nát chân đèo - vạt lúa nương lửa sém

Bữa ăn người lính mới cực làm sao, vậy mà ăn cũng không trọn bữa:
nắm mì chua bỏ dở chạy xé rừng
đuổi giặc về bên kia cột mốc

Sự sống dù nghèo vẫn cứ tồn tại, sinh sôi:
 Tôi đi trong tiếng đòng đòng đang trổ
 Trên điểm cao thì chàng trai đuổi giặc bảo vệ cương vực ngàn đời, cô gái dưới đèo thì vẫn: … đang thì gặt hái!
 Sản xuất và chiến đấu vẫn là nhịp sống bình thường luân chuyển trong hơn nửa thế kỷ qua, quân dân ta vẫn quen như vậy, như hết ngày thì đến đêm, hết đêm lại rạng ánh ngày!
 Không gian thơ của buổi xế chiều vẫn làm nao lòng người lính khi nghĩ đến người yêu, và nhịp đời sinh nở lại làm yên lòng người lính:
  Chiều mỗi lúc thấp dần và lát nữa
 ngôi sao Hôm lại cháy trên đầu

 Nhịp sống gian nan như trên, bao nhiêu bài thơ đã nói rồi, nhưng cách thể hiện quyết liệt này là của riêng Hoàng Hữu:
  Lúa dội mãi màu xanh se thắt
 Đất đã vắt đến tận cùng sức lực
 Màu phì nhiêu tần tảo với tay người

 Hai điều lớn lao này từ bao năm vẫn song hành cheo leo giữa mất và còn. Tưởng đã mất đến kiệt cùng, rồi lại nhờ tần tảo, lại phì nhiêu, mâu thuẫn mà thống nhất!
 Càng về cuối bài, tác giả càng muốn cô đúc lại ý nghĩa của nhịp sống ấy. Anh chỉ muốn cô gọn lại như một tín hiệu:
 Hạt mồ hôi gieo với thóc
 đất giữ lại tuổi người - dấu bàn chân lấm láp

 Đất giữ lại tuổi người có nghĩa tuổi xuân của họ không mất đi vô ích, tất cả đã hoàn nguyên vào đất. Đôi người ấy, tình yêu của họ thật da diết và bao la. Họ hiểu đến tận cùng ý nghĩa cuộc sống trong chiến đấu, nên họ vẫn giữ được vẻ thanh thản, trữ tình trong gian khổ:
 Chân trời người đi trong mắt
 hiền và thương đăm đắm cháy sao Hôm…
Vân Long

No comments:

Post a Comment