Monday, August 8, 2011

DĨ VÃNG

Nguyễn Kim Ngọc

Mấy tuần vừa qua, tôi đã suy nghĩ thật nhiều về cuộc thi viết “Chuyện người vợ tù cải tạo”. Có nên viết hay không khi câu chuyện đã xa mù và có thể người tù cải tạo này đã quên hoặc không còn muốn nhớ đến nữa. Tôi rất phân vân, bởi vì khi đi thăm nuôi người tù này tôi chưa thực sự là vợ anh, chúng tôi mới chỉ có một lễ dạm ngõ sau hai năm rưỡi quen nhau. Và hôm nay, khi ngồi viết những dòng chữ này tôi lại không còn là vợ của anh nữa!
Sau những ngày âm u tang tóc của Saigon đổi đời, bố tôi run run cột dây đôi giày lính, dặn dò tôi ở nhà lo cho mẹ và các em rồi lên đường trình diện đi tù . Tiếp theo, tôi lại tiễn anh. Vừa xốc chiếc ba lô trên vai, anh vừa bảo tôi: “Yên tâm, anh đi như đi cắm trại thôi!”. Nghẹn ngào, tôi giấu những giọt nước mắt như hôm bố tôi ra đi. Sự đảo lộn của một đất nước, sự chia ly cùng một lúc với hai người thân khiến tôi cảm thấy như mất hết sinh lực . Rồi những căng thẳng đổi tiền, những buổi học tập khu phố đầy xuyên tạc. Căn nhà mười mẹ con tôi đang ở hàng ngày bị đe dọa bởi những nhóm người đeo băng đỏ, ôm súng. Họ yêu cầu chúng tôi về vùng kinh tế mới . Mẹ tôi bàn với chị em chúng tôi đem bớt đồ trong nhà đi gởi họ hàng, chỉ giữ lại mỗi người hai bộ quần áo thay đổi để lỡ họ vào uy hiếp đuổi đi thì cũng đã chuẩn bị. May mắn, bác cả anh ruột mẹ tôi từ ngoài Bắc vào đã can thiệp kịp thời nên mẹ con tôi được ở lại căn nhà này cho đến ngày đi Mỹ. Mẹ tôi gầy gò, yếu đuối, bỗng chốc phải đương đầu với bao tình huống. Bà đã nhanh trí đưa chị em chúng tôi vào tổ hợp đan len. Ngoài đan len gia công, chị em tôi còn đan áo đem bán ở chợ . Ngày nào cũng thức đến 1,2 giờ sáng để làm hàng, vậy mà đến khi thăm nuôi bố tôi, mẹ tôi vẫn phải bán vàng dự trữ .
Sau những ngày tháng bặt tin, tôi nhận được lá thư đầu tiên của anh viết từ Trảng Lớn, Tây Ninh Tiếp theo, họ cho phép thăm nuôi. Từ Saigon đi Tây Ninh tương đối cũng gần nhưng mẹ anh và tôi vẫn đi trước một ngày cho thong thả. Nhờ chuyến đi này tôi biết được Tòa Thánh Cao Ðài, tôi đã vào cầu xin cho anh và bố tôi sớm thoát vòng tù tội .
Vài tháng sau, tôi lại nhận được thư anh viết từ Phước Long, và khá nhiều thư “chui” (thư gửi lén, nhờ người khác đem về giùm). Biết anh mạnh khỏe và được chọn trong nhóm người từ trại Bù Gia Mập ra ngoài làm việc nhẹ, tôi cũng có phần yên tâm . Từ đó mỗi tháng nhận được giấy cho phép thăm nuôi tôi đều cùng mẹ anh đi Phước- Long, trên những chiếc xe đò cũ kỹ, ngang qua Ðồng Xoài với những hố bom, những ổ voi ( người lơ xe nói thế vì những ổ này to hơn ổ gà) làm chiếc xe cứ nẩy lên, nẩy xuống khiến những hành khách không lúc nào được ngồi đúng chỗ của mình, cả người nghe ê ẩm. Ðã thế xe lại còn chết máy dọc đường, chúng tôi phải xuống xe tìm một bóng mát bên đường dựa vào những chiếc làn cói cho đỡ mệt, chờ xe nổ máy đi tiếp . Tôi không còn nhớ xe qua những đâu, nhưng đến một chỗ người lơ xe bỗng la to : “Tới cây số đổ rồi nè!”, tôi chồm người nhìn về phía trước thấy bên trái có một tấm bia đá ghi cây số bị đổ nằm chơ vơ ven đường. Chỗ này là trại của anh nhưng sao chỉ thấy toàn cây là cây, có một lối đi nhỏ vừa đủ một bàn chân bước tạo thành một vệt dài ngoằn ngoèo mất hút vào những lùm cây chằng chịt trong rừng. Qua thư anh kể cho tôi nghe là nhóm của anh phải đốn hết cây lồ ô, xới đất làm thành luống ươm cây cao su, sau người ta đặt chỗ này thành vườn ươm.
Từ cây số đổ về chợ Phước Long chẳng còn bao xa nhưng trời đã gần tối, vẳng tiếng chim rừng gọi bầy nghe hoang vu lẫn trong tiếng hú vang vọng thê lương khiến tôi không thể phân biệt được là tiếng người hay tiếng con vật nào . Tôi chợt thấy ớn lạnh và sợ, cảm thương cho anh và cho những người tù đang cùng chung số phận . Trước khi đến chợ Phước Long, có vài mái nhà của người đi kinh tế mới. Căn nhà đầu tiên là căn nhà mẹ con tôi thường hay tá túc, nơi đây tôi đã học được cách trồng củ mì và bắp. Họ là những người lính Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa về đây sinh sống nên rất cảm thông với những người đi thăm nuôi .
Thời gian vẫn cứ trôi, sự chờ đợi nào cũng mòn mỏi như nhau, tôi đã nhiều lần trả lời mẹ rằng: “Lòng con đã quyết thì sau này có làm sao con xin chịu!” khi có người muốn xem mắt . Tôi làm sao khác hơn được nữa khi mỗi lá thư viết về, anh đã xây với tôi bao chuyện tương lai, còn bảo ở ngoài nếu tôi thay đổi thì trong tù anh sẽ tính . Hàng ngày tôi chỉ biết đan áo, phụ mẹ lo cho các em và chờ giấy báo đi thăm nuôi bố tôi và anh . Mỗi lần đi thăm nuôi anh, mẹ tôi đều xếp vào cho những thứ nhà làm sẵn. Tôi còn giấu mẹ bán thêm ít nữ trang riêng để lo cho anh được đầy đủ hơn . Ðời sống càng ngày càng khó khăn, gia đình tôi cũng chật vật hơn. Mọi người tìm đường ra khỏi nước, gia đình anh có giấy tờ đi Pháp. Trước khi đi, bố mẹ anh muốn làm một lễ hỏi để giữ tôi cho anh với lý do ngày anh ra tù làm đám cưới không có ông bà, anh cũng đỡ tủi. Chuyện hiếm có vì đám hỏi không có chú rể. Tôi cũng chẳng có ý kiến gì ngoài sự thụ động, mặc dòng đời đưa đẩy. Ngày về của anh vẫn biền biệt, tuổi xuân của tôi cũng lặng lẽ qua trong buồn bã!
Ðúng hai năm rưỡi trong tù, anh được thả về. Tôi không tin ở mắt và tai mình khi anh với chiếc ba lô dính đầy bụi đỏ đứng trước mặt, nước mắt nhòa nhạt cả khuôn mặt. Ngày đoàn tụ với anh và ngày cưới mười hôm sau đó không có bố tôi khiến tôi đã khóc thật nhiều . Tôi vẫn đan áo nhưng có anh phụ đan và gỡ len. Ngày sinh con gái đầu lòng là ngày anh có việc làm, đứa thứ hai ra đời tám năm sau trong tràn ngập hạnh phúc và những tiếng cười. Cuộc sống chúng tôi tương đối khá giả, công việc của anh cũng lên theo đà trọng dụng người cũ của chính quyền mới.
Sau sáu năm tù đầy, bố tôi được trở về. Ðoàn tụ không được bao lâu thì em trai tôi mất sau chuyến vượt biên không thành. Tội nghiệp em không được bước lên máy bay trong chương trình HO mà cả gia đình mười hai người cùng lên đường, vợ chồng tôi và hai con được đi theo như một phép la!
Từ Dallas, Houston và cuối cùng chọn Cali làm quê hương thứ hai, chúng tôi đã có hơn mười hai năm sống trên nước Mỹ với biết bao thử thách. Nhưng thử thách lớn nhất trong đời tôi là chuyện một ngày anh cầm xấp đơn ly dị về lạnh lùng bảo: “Em đọc và ký vào đây rồi trả tự do cho anh”. Trong suốt sáu năm anh đi sai đường, tôi vẫn hy vọng một ngày anh nghĩ lại, vẫn mòn mỏi như đã từng mỏi mòn chờ anh trong tù. Nhưng nay, anh vẫn đòi tự do ngay trên phần đất có tự do! Giờ này, tôi vẫn còn giữ chiếc lược anh làm bằng vỏ đạn có khắc tên tôi và anh quyện vào nhau ở giữa đôi chim phụng và chiếc thẻ bài khắc câu: “ Yêu em đến cuối....”
Ðã gần ba năm qua kể từ ngày anh bỏ đi, tôi vẫn ở trong ngôi nhà đầu tiên trên nước Mỹ hai vợ chồng hí hửng tìm mua, tìm từng món đồ khuân về xây thành một tổ ấm. Nhưng chẳng được bao lâu, anh đòi giật sập ngôi nhà. Tôi như mất hết sinh lực, hai đứa con là nguồn sống, là hơi thở giúp tôi đứng dậy, lau khô những dòng nước mắt cạn, giấu đi những bi lụy thường tình để các con yên tâm học hành . Nay các con đã lớn, chúng đang bước vào cuộc đời như những cây xanh tràn đầy nhựa sống vươn lên, đủ cho tôi thấy mình thật hạnh phúc, bình an để vững chắc tin vào lẽ phải và điều lành !.
Ở đây, tôi chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn cuộc đời như một kỷ niệm đã qua. Kỷ niệm dù hạnh phúc hay đắng cay, dù thế nào thì tất cả cũng đã trở thành dĩ vãng . Những gian nan vất vả của tôi cũng chẳng là bao so với các bà vợ tù khác trên khắp các miền đất nước . Như của một người đàn bà mải buôn hàng chuyến giữa Saigon và Nha- Trang để nuôi chồng con, bị cườm mắt nhưng không có tiền chữa chạy nên mù cả hai mắt . Của người đàn bà dắt mười đứa con đi kinh tế mới trồng mì sinh sống nhưng đến lúc đào lên thì mì không có củ, lại đói khát dắt díu nhau về Saigon . Của mẹ tôi, ngược xuôi nuôi bố tôi trong tù, nuôi bà ngoại còn ở ngoài Bắc, nuôi chín chị em tôi, nuôi con rể, nuôi các cháu....
Mẹ ơi, con muốn nói lời cám ơn mẹ, những cưu mang và hy sinh của mẹ, của một người vợ tù cải tạo, một người MẸ VIỆT NAM.

No comments:

Post a Comment