Wednesday, August 3, 2011

ĐAU Ở ĐÂU?

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh



Minh họa của Thúy Hằng
Mùa chuyển đột ngột, mới xuân mát rượi đó đã sang hạ nóng nực. Thời điểm chuyển giao này dễ nẩy sinh dịch bệnh. Mấy hôm nay trong vùng rất nhiều người đã nhiễm sốt phát ban, chấm đỏ nổi khắp mình mẩy. Ngôi chùa nằm cách xóm dân cư không xa lắm nên chưa chắc thầy trò điệu Sanh được miễn nhiễm virut gây bệnh.
Hôm qua, điệu Sanh trốn thầy đi chơi trong xóm. Về. Sáng nay đã nổi những nốt chấm đỏ mờ mờ. Đến trưa thì hai mắt điệu híp lại. Vốn là đứa trẻ hiếu động, ngày thường chạy nhảy đùa giỡn làm náo sân chùa khiến cho thầy không biết bao nhiêu lần phải nhắc nhở, thế mà hôm nay điệu nằm trên giường suốt cả buổi chiều. Sư thầy lo lắng, một chút ưu tư thoáng biểu hiện trên khuôn mặt. Thầy thương điệu Sanh quá. Ở chùa, coi như thầy là cha mẹ của điệu Sanh rồi, chăm bẵm từng li từng tí. Thế nhưng điệu ấy còn nhỏ, thiếu bàn tay săn sóc của mẹ thì quả là thiệt thòi. Ở đời, bình thường không sao, đến khi người ta ngã bệnh ra lại cần đến thứ tình cảm ruột rà mới chóng khỏi.
Bệnh tật là một trong bốn thứ khổ của thế gian, người tu hành cũng mắc phải; hay nói cách khác, họ buộc phải vượt qua bệnh tật mới mong tìm được đạo. Cố nhiên, bệnh là thứ giới tu hành phải đối mặt nhiều hơn người thường, bởi đấy không chỉ là bệnh trên cơ thể, mà còn có những căn bệnh vô hình. Tu hành, hiểu theo phương diện khác là dứt trừ nghiệp chướng, loại bỏ sân mê, tức chữa bệnh cho mình và chúng sanh. Trong Ngũ minh pháp của nhà Phật có một pháp là Y phương minh, dùng sự hiểu biết sáng suốt để chữa bệnh. Bởi thế, sư thầy cũng là một vị bác sĩ. Thầy chỉ chữa bệnh bằng phương pháp dân gian, vì cội căn của phương pháp này là đưa người bệnh trở về hòa nhập với thiên nhiên, cho cái tâm an tĩnh. Nhiều người trong vùng thường đến nhờ thầy coi bệnh giúp. Rồi thầy chỉ cho loại thảo mộc, bày cách sao lá, sắc thuốc. Riêng bệnh sốt phát ban thì thầy mới chỉ biết cách hạn chế sự lây lan thôi. Thầy lại không muốn cho điệu Sanh uống thuốc tây. Còn nhỏ, uống thuốc tây nhiều không có tốt. Thuốc tây nó như sữa hộp, trẻ con dùng sữa hộp sao bằng được bú sữa mẹ. Thầy đang suy nghĩ xem có loại thảo mộc nào phù hợp để chữa bệnh sốt phát ban không.
Trước khi vào chánh điện niệm kinh cầu an, thầy khép bớt vài cánh cửa, nhủ điệu Sanh đừng ra gió. Bưng một cốc nước lọc cho điệu uống. Bệnh này là dễ bị mất nước lắm, cần phải uống nhiều vào. Ngoài trời nóng nực, nhưng điệu Sanh cảm thấy lành lạnh, lâu lâu quặn lên một đợt ớn lạnh đến rùng mình. Điệu Sanh nằm buồn, nhẩm lui tới câu chú Quan Âm Bồ tát. Đây là vị bồ tát cứu khổ cứu nạn. Nhiều người đã tai qua nạn khỏi, bệnh tật chóng lành nhờ niệm danh hiệu của Ngài.
Tụng kinh xong, thầy vào phòng xem điệu Sanh thế nào thì gặp chị bán vải đang ngồi bên giường Sanh. Lúc nãy chị đến, nghe tiếng niệm kinh, biết thầy đang hành lễ nên đi nhẹ vào trong tịnh thất. Chị chừng bốn mươi tuổi, ngang ngửa tuổi với mẹ của Sanh dưới quê. Chị sống một mình, bán vải ở chợ, chồng đã ly dị, không con cái. Từ bữa tết chị đến chùa, rồi cuối tuần nào cũng ghé lên thăm viếng thầy trò điệu Sanh. Đôi khi chị ở chơi suốt buổi để nghe sư thầy nói chuyện hoặc làm vài việc lặt vặt trong chùa. Cũng như nhiều người đến chùa làm công quả, chị tâm niệm rằng tới đây với tấm lòng thành ắt sẽ được phước đức về sau.
Chị quay lại chắp tay chào sư thầy, xong bưng thêm cốc nước cho điệu Sanh uống. Thầy nói hôm qua điệu ấy đi chơi về, sáng nay ra thế đấy, trẻ con sức đề kháng thấp, dễ mắc bệnh thật. Chị cười, nói không sao đâu. Bệnh dịch thôi mà. Loại này ép lá cỏ nhọ nồi, ở đây gọi là cỏ mực, cho uống là khỏi liền à. Điệu Sanh lắc đầu, đắng lắm, không uống đâu. Vẫn giữ nụ cười hiền dịu, chị động viên. Dễ uống thôi mà, cố gắng một tí. Chú Sanh cứ nằm yên, để cô đi kiếm lá. Nói xong, chị xin phép sư thầy, đi ra vườn chùa. Thầy không ngờ rằng chị này cũng biết chữa bệnh bằng phương pháp dân gian. Hôm nay, thầy đã học được một cách chữa sốt phát ban. Thầy nghĩ, sự học thật vô cùng, bất cứ ai cũng đều là thầy của ta, dạy ta ít nhiều bài học nào đó.
Lát sau chị đã quay lại với nắm cỏ nhọ nồi trên tay. Chị mướn thầy cái bếp. Rửa lá xong, rảy cho ráo, bỏ vào cái cối nhỏ, giã nhẹ nhàng rồi ép ra được lưng tách trà. Một phần lá còn lại chị cho vào ấm nước, nhóm củi đun sôi. Bưng ly nước xanh thẫm vừa ép xong lên tịnh thất, chị ngồi bên giường, vòng tay luồn qua cổ đỡ điệu Sanh ngồi dậy. Ân cần như một người mẹ thương con. Điệu Sanh đưa mắt nhìn cô, chợt thấy sao cử chỉ của cô giống với mạ mình hồi trước quá. Một vòng tay mềm mại, ánh mắt nhìn trìu mến, giọng nói dỗ dành dịu dàng. Tự dưng điệu rơm rớm nước mắt, nhớ mạ.
Sư thầy ngồi nơi chiếc ghế kê bên cửa sổ, ngó sang, cảm thấy một thứ tình cảm nào đó giữa người dưng với nhau mà sao thiêng liêng như tình mẫu tử quá chừng. Tu hành cũng thế, phải luôn hết mình yêu thương tất cả chúng sanh, nên chi có một tạng kinh về hàng quả đạo là Thất Phật phụ mẫu tánh tự. Ngay trước mắt thầy bây giờ cũng là một câu kinh từ bi, nhưng đôi khi, câu kinh ấy lại cản trở bánh xe chánh pháp. Sự quyến luyến, nâng nựng rất dễ làm cho giới luật bị phá vỡ. Thầy nghĩ, hay là khuyên điệu Sanh rời chùa, về nhà sống với mẹ cha, cho điệu ấy được hưởng một tuổi thơ đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Cửa chùa không ép buộc ai, lối đạo chẳng ngăn chân ai. Khuyên điệu ấy về nhà liệu thầy có bị nghĩ là… đuổi khéo điệu Sanh?
Điệu uống hết ly nước ép cỏ nhọ nồi. Tuy có ngai ngái nhưng cũng không đến nỗi khó nuốt lắm. Chị khen chú Sanh giỏi thật đấy, thể nào ngày mai bệnh cũng bớt nhiều, xong quay lại nói với sư thầy: “Con có sắc thêm một ấm nước lá cỏ nhọ nồi. Lát thầy cũng uống lấy vài cốc để phòng bệnh. Chứng bệnh này dễ lây lan, không chủ quan được thầy ạ! Nước này uống cũng ngon và tốt lắm, hồi trước ông thân của con vẫn hay dùng. À, mà thầy nhớ uống lúc nước hẩm hẩm đấy nhé”. Nói xong, chị cúi xuống thủ thỉ với điệu Sanh: “Chú nghỉ ngơi chóng khỏe”. Rồi quay sang chấp tay vái chào sư thầy và ra về.
Một cảm giác thật khó tả đang quấn lấy sư thầy. Cái chị bán vải ấy, cũng như quý đạo hữu Phật tử khác thôi, mà sao lại quan tâm đến hai thầy trò quá. Coi này, đã cất công kiếm cỏ nhọ nồi, ép nước cho điệu Sanh, còn sắc lá cỏ nhọ nồi rồi bày thêm cách uống cho thầy. Mấy chục năm ở chùa, đã nhiều lần thầy cũng mắc bệnh, khi nhẹ thầy tự lo cho mình, lúc nặng có quý phật tử đến giúp đỡ. Những lần ấy thầy hàm ơn đại chúng, riêng lần này, ngoài sự cảm kích biết ơn ra, còn có thêm một điều gì khang khác.
Vài năm nữa, thầy sẽ cao tuổi, già thường kéo theo bệnh, họa vô đơn chí. Đến lúc đó chắc thầy khó mà tự lo cho mình. Tất nhiên sẽ có các đệ tử, quý đạo hữu săn sóc. Nhưng sao cái câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông” cứ run lên trong đầu thầy. Ôi, thầy không dám nghĩ vậy đâu. Cái ý nghĩ bất chợt ấy thật dễ sợ, dẫu chỉ thoáng qua thôi đã khiến thầy mất bình tĩnh. Liệu có khi nào cái chị không con ở một mình ấy cũng đã mường tượng tới cảnh đơn chiếc lúc về già không? Mấy bữa nay người ta đang phong thanh chuyện giữa thầy với chị bán vải. Bây giờ còn thêm cái ý nghĩ đầy thế tục ấy nữa thì thật chẳng hay tí nào. Ôi dào, thiên hạ đồn đại, ai mà dám tin. Biết thế, song ít nhiều thầy cũng hoang mang.
Bệnh tật tuổi già chưa tới mà một chướng bệnh khác đã ập đến. Bệnh của tâm. Đây mới là căn bệnh nan giải nhất. Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó bởi lòng người ngại núi e sông. Làm sao tâm tưởng mình phải vượt qua được núi sông mới mong tìm thấy đạo. Nói thì nghe dễ, làm mới biết khó.
Tối hôm ấy thầy tụng kinh một mình trong chánh điện. Kinh Sám Hối. Không có điệu Sanh đứng bên thỉnh chuông thức tỉnh nên hình như bài tụng không suôn sẻ cho lắm.
Ngày hôm sau thầy thấy khó ở, kê gối nằm trên giường, đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ. Điệu Sanh đã đỡ nhiều, các chấm đỏ trên thân thể biến mất, điệu trở lại hiếu động như mọi ngày. Sanh chạy đến bên giường thầy. Kéo cánh tay áo của thầy lên, không thấy chấm đỏ nào, biết thầy không bị lây sốt phát ban. Nhưng ngó bộ dạng thì dường như thầy đang ốm. Điệu Sanh hỏi:
- Thầy mệt à? Để con chạy về dưới chợ nhờ chị ấy lên kiếm lá cho thầy uống. Hay thầy thấy đau ở đâu?
Sư thầy luống cuống xua tay. Cái chỗ đau của thầy, có chỉ ra cũng chẳng ai thấy được.

No comments:

Post a Comment