Wednesday, August 3, 2011

ÁM ẢNH LÒ THIÊU QUA VÀI CUỐN TIỂU THUYẾT

Trong số những hậu quả nhiều mặt và kéo dài mà cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II để lại, điều gây nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất chính là Holocaust (Lò thiêu). Con người, nhất là người châu Âu, đã, đang và sẽ còn nhớ mãi, nói mãi về thảm cảnh Holocaust, cho dẫu hơn sáu thập niên đã trôi qua. “Holocaust không hề là chuyện của quá khứ”. Câu khẳng định ấy được chứng minh bằng cả một danh sách đồ sộ những tác phẩm điện ảnh và văn chương xuất sắc về Holocaust trong suốt hơn sáu mươi năm qua.
Trong bài viết này, với sự hiểu biết có hạn của mình, tôi chỉ xin được nói tới vài cuốn tiểu thuyết châu Âu đã được dịch ra tiếng Việt thời gian gần đây.
Trước hết là tác phẩm của tiểu thuyết gia người Hungary, Kertesz Imre: Không số phận (1975, Giáp Văn Chung dịch, Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Lao Động ấn hành, 2010). Ủy ban Nobel năm 2002 cắt nghĩa về việc họ trao cho Kertesz Imre giải thưởng văn chương danh giá này: “Vì một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mong manh của cá nhân đối nghịch với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”. Một đánh giá chính xác, và là một đánh giá chắc hẳn có tham khảo tiểu sử của nhà văn. Chúng ta biết rằng Kertesz Imre sinh năm 1929, tại Budapest, trong một gia đình gốc Do Thái. Năm mười lăm tuổi, ông bị rơi vào trại tập trung của Hitler, trải qua cả hai địa ngục khét tiếng là Auschwitz và Buchenwald. Khác với hàng triệu nạn nhân của Holocaust, ông đã may mắn sống sót. Và đó cũng là cái may mắn của văn chương châu Âu thế kỷ XX khi có một tác giả, một tác giả tài năng, viết về Holocaust với tư cách người “sống để kể lại” (cho dẫu đã có ai đó, Tveztan Todorov thì phải, từng nói rằng không thể tưởng tượng nổi nếu sau Auschwitz chúng ta lại viết về Auschwitz). Theo nghĩa đó, tiểu thuyết Không số phận gần như là một tự truyện của Kertesz Imre về quãng thời gian ông sống trong trại tập trung Quốc xã: nhân vật chính của tiểu thuyết cũng là một thiếu niên bị đày ải hết từ trại tập trung này sang trại tập trung khác, cho đến khi cậu được quân Đồng minh giải phóng. Tuy nhiên, điều đặc biệt kỳ lạ của thiên tiểu thuyết - tự truyện này là ở chỗ: được viết ở độ tuổi trung niên, khi tác giả đã nếm trải quá đủ đau khổ, và do đó, hẳn đã hiểu quá rõ bản chất của chủ nghĩa Quốc xã cũng như cái sản phẩm Holocaust kinh hoàng của nó, nhưng ông lại viết về Lò thiêu với tâm thế của người lần đầu tiên được nhìn thấy một cái gì đó mới mẻ. Cậu thiếu niên Koves Gyorgy trong Không số phận bình thản quan sát và ghi nhận mọi biến cố xảy ra trong trại tập trung, với bản thân mình và với những người khác. Đôi lúc cậu thấy lạ lẫm, nhưng hoàn toàn không khiếp sợ, cũng chẳng mảy may bất bình hay phẫn nộ. “Có thể nói rằng ngoài sự kính nể nhất định, và tất nhiên ngoài cái mùi mà thực sự chúng tôi đã ngập ngụa ở trong như một thứ bùn nhão trong đầm lầy ra, tôi không cảm thấy điều gì khác. Nếu không nói là ở phía xa, chúng tôi liên tục bị bất ngờ khi nhìn thấy thêm một cái, rồi thêm một cái nữa và ở phía chân trời sáng rực lại thêm một cái ống khói như thế nữa, trong số đó hai cái đang nhả lên bầu trời thứ khói giống hệt như cái ở gần chúng tôi, và có lẽ những người nghi ngờ rằng còn có một đám khói nữa đang cuộn lên từ phía sau một khu bãi có nhiều bờ bụi thấp kia có lý, và theo tôi, họ có quyền nghĩ: chẳng lẽ dịch bệnh lại lớn tới mức có nhiều người chết đến thế?”. Đây là đoạn văn miêu tả những cái lò thiêu xác qua cái nhìn của Koves Gyorgy, rất đặc trưng trong Không số phận. Đặc trưng ở sự bình thản trong phản ứng tâm lý của nhân vật, cả ở sự bình thản trong giọng điệu tự sự. Không nghi ngờ gì, chính sự bình thản theo cách trung tính hóa như vậy là yếu tố khiến cho cuốn sách trở nên đáng tin ở mức độ gây sốc. Người đọc nói chung, với những hiểu biết vốn có của mình về Holocaust, hẳn là vẫn không thể tránh khỏi sự rùng mình khi đối diện với bức tranh về một cỗ máy tàn sát tập thể lạnh lùng, từ tốn, chắc chắn, và không cách gì cưỡng lại.
Nếu ở Không số phận, Kertesz Imre viết về Holocaust bằng cái nhìn của người trong cuộc, thì ở tiểu thuyết Người đọc (Lê Quang dịch, NXB Phụ Nữ, 2006), nhà văn người Đức Bernhard Schlink lại viết về Holocaust theo cách hoàn toàn khác. Bernhard Schlink sinh năm 1944 (cũng chính là năm Kertesz Imre bị bắt vào trại tập trung) tại Bielefeld. Dĩ nhiên là ông chưa hề có trải nghiệm thực tế với Holocaust. Và bởi thế, cái viết của ông về Holocaust, không thể khác được, là cái viết xuất phát từ hiểu biết gián tiếp. Theo nghĩa nào đó, cũng có thể nói rằng bằng cái viết ấy, Bernhard Schlink đã tự mình làm một cuộc lội ngược dòng quá khứ, nhận thức lại một trong những vết nhơ khó tẩy rửa nhất trong lịch sử của nước Đức hiện đại. Tuy vậy, điểm độc đáo của cuốn tiểu thuyết lại là ở chỗ: Holocaust chủ yếu được gọi tên như một sự kiện đã xảy ra, chứ rất ít khi được miêu tả, dù chỉ là miêu tả từ điểm nhìn hồi cố. Đọc Người đọc, độc giả được tác giả miễn cho cái trách nhiệm phải cảm thấy phẫn uất hay đau đớn trước thảm cảnh. Anh ta không cần biết (và cũng không được biết) những cảnh tượng nào đã thực sự xảy ra ở trại tập trung, nơi Hanna Schmitz - nhân vật chính của tiểu thuyết - làm quản tù. Bù lại, anh ta bị tác giả đặt trước mặt một câu hỏi: con người vô tội hay có tội khi, một cách ngẫu nhiên, bất tự giác, anh ta trở thành một bộ phận trong guồng máy sản xuất tội ác? Câu hỏi này bật ra từ chính cuộc đời của nhân vật Hanna Schmitz, từ chính cái cách cô gia nhập thế giới Holocaust: đang là nhân viên soát vé trên tàu điện, Hanna Schmitz được xét dự thi nâng cấp lên làm lái tàu, nhưng vì mù chữ và sợ bị phát hiện là người mù chữ nếu dự thi, cô đã bỏ việc, rồi trở thành quản tù trong trại tập trung của Quốc xã. Sau khi chiến tranh kết thúc, cũng vì sợ bị phát hiện là người mù chữ, cô đã chấp nhận bị tòa kết tội là kẻ gây ra cái chết của hàng chục nữ tù Do Thái trong một lần chuyển trại. Có vẻ như Hanna Schmitz là người vô tội, hoặc ít ra, là người tự cảm thấy mình có thể yên tâm về mặt đạo đức. Nhưng không. Những ngày tháng ở tù sau đó của Hanna Schmitz là những ngày tháng cô miệt mài học chữ - với sự giúp đỡ của Michael Berg, người tình trẻ tuổi của cô - rồi miệt mài tìm đọc những tài liệu nghiên cứu về chiến tranh thế giới II, về chủ nghĩa Quốc xã, về sự diệt chủng người Do Thái của Hitler v.v... Vào đêm trước ngày Hanna được trả lại tự do, cô đã tự tử. Điều gì xảy ra ở đây vậy? Hanna tìm đến cái chết vì cô dự cảm không thể sống được với thế giới bên ngoài khi đã là một bà già, không nghề nghiệp, không người thân thích chăng? Hay là vì, bằng quá trình đọc - hiểu, cô đã gạt bỏ được sự mù mờ tăm tối bấy lâu và biết rằng, dẫu thế nào chăng nữa, mình không vô can trong sự kiện Holocaust, và bắt buộc phải trả giá vì điều đó? Không ai có thể trả lời thay cho người đã chết, ngay cả tác giả - người sản sinh nhân vật - cũng vậy. Nhưng rõ ràng là Bernhard Schlink bị Lò thiêu ám ảnh, và với nhân vật Hanna, có lẽ ông đang cố thanh toán quá khứ nặng nề của người Đức, bằng cách đối mặt với sự thật. Holocaust là sự thật. Và Holocaust là một tội ác không thể biện minh được bằng bất cứ lý do nào.
Để có một hình ảnh trực diện, trần trụi và mang tính toàn cảnh (panorama) về Holocaust, phải chờ tới bộ tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, tác phẩm đoạt cùng lúc hai giải thưởng văn chương danh giá, là giải Goncourt và giải tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 2006 (Cao Việt Dũng dịch, Cty Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành, 2008). Jonathan Littell sinh năm 1967, là nhà văn người Mỹ gốc Do Thái Đông Âu. Ông viết Những kẻ thiện tâm bằng tiếng Pháp, với một phong cách tiểu thuyết “đặc” Pháp, và điều này hẳn đã khiến cho tác phẩm hứng chịu không ít điều tiếng chê bai từ dư luận của người đọc Anh - Mỹ. Dẫu sao mặc lòng, vẫn phải thừa nhận Những kẻ thiện tâm là nỗ lực phi thường của một nhà văn thuộc thế hệ sinh sau Đại thế chiến II trong việc tái hiện, ở quy mô sử thi, cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử nhân loại. Hàng núi hồ sơ, tài liệu gốc và tài liệu nghiên cứu về Đại thế chiến II đã được tác giả nghiền ngẫm, tổng hợp, chắt lọc để viết nên Những kẻ thiện tâm. Theo chân Maximilien Aue - người kể chuyện xưng Tôi, sĩ quan SD trong lực lượng Đức Quốc xã - người đọc được di chuyển qua khắp các chiến trường thuộc mặt trận phía Đông, được nhìn cận cảnh cảnh tượng kinh hoàng khi các đội hành quyết của quân Đức tàn sát người Do Thái trong những cánh rừng Ukraine ngập tuyết. Khi Maximilien Aue bị thương rồi trở về Đức, người đọc lại được theo chân hắn - lúc này có nhiệm vụ theo dõi, lập kế hoạch sử dụng lao động trong các trại tập trung - thị sát những địa ngục trần gian mà chính quyền Hitler đẻ ra. Aue nhìn thấy dung mạo của đám tù nhân đang bị vắt kiệt sức lực để phục vụ việc sản xuất khí tài chiến tranh: “Phần lớn gày gò khủng khiếp, đầu họ được đặt trên những cái cổ trơ xương trong một tư thế thăng bằng tạm bợ, giống với những cục tròn xấu xí vẽ thêm cái mũi khổng lồ và tai được cắt bằng bìa cactông, và trên đó người ta đã ấn thêm vào hai cái mắt to tướng, trống rỗng và từ chối nhìn vào chúng tôi. Gần họ, những thứ mùi mà tôi đã ngửi thấy khi đi vào trở thành một mùi hôi thối kinh người tỏa ra từ quần áo bẩn thỉu, từ những vết thương, từ chính cơ thể của họ”. Rồi cảnh những đoàn người đang chờ để được đưa vào phòng hơi ngạt, cảnh những cuộc chuyển tù giữa tuyết giá mà từng khúc trên quãng đường được đánh dấu bằng những thây người... Tất cả những cảnh tượng khủng khiếp đó khiến Aue thấy bất bình. Bất bình không như một phản ứng của lương tri lành mạnh trước nỗi thống khổ của con người, mà là bất bình vì sự yếu kém trong cách chính quyền Quốc xã sử dụng nguồn nhân lực lao động cưỡng bức trong các trại tập trung! Có thể nói, từ góc nhìn của một con người đầy tinh thần công chính, một kẻ “thiện tâm toàn diện” như Maximilien Aue, cái ấn tượng Holocaust càng trở nên khiếp đảm trong sự tiếp nhận của người đọc hôm nay.
Có những khu vực đề tài không bao giờ là cũ, không bao giờ bị mòn trong văn chương. Bởi lẽ, chúng là những sự kiện mang dư chấn cực lớn trong đời sống xã hội, bất kỳ thế hệ nhà văn nào sau đó vẫn có thể nhận được từ chúng những lớp sóng xung động có ý nghĩa tham chiếu, gợi mở. Holocaust thuộc kiểu đề tài như vậy. Không thường xuyên, nhưng mỗi khi có tác giả nào đó viết về Holocaust, người đọc đều có quyền hy vọng đó sẽ là một tác phẩm xuất sắc. Chuyện xảy ra với văn chương châu Âu liệu có lặp lại ở văn chương Việt Nam hay không, khi mà, trên thực tế, lịch sử đời sống xã hội Việt Nam đã cung cấp cho nhà văn Việt Nam không ít những đề tài như vậy? Thú thực, người viết không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này.
Hoài Nam

No comments:

Post a Comment