Tuesday, October 4, 2011

NĂM ẤY HOA PHƯỢNG BUỒN

Nguyễn Minh

Từ nhà tôi qua xóm Phượng cách cái cầu Kiên Mỹ bắc ngang dòng sông Cầu đục lờ, cạn xợt vào mỗi mùa hè. Vậy mà thành hai vùng rõ rệt: bên này sông (chỗ nhà tôi) là thị trấn tấp nập, đèn điên. sáng trưng. Bên kia sông từ xóm Phượng trở vô - rặt màu xanh đồng ruộng, cây cối. Đêm xuống tù mù - buồn thiu.

Gia đình tôi thuộc hàng danh giá trong thị trấn. Họ hàng ở hết Sài Gòn, chỉ có ông bà nội tôi muốn gần "mồ mả" ông cha nên mới "trụ" lại đất miền Trung. Ba tôi làm ăn trong Sài Gòn, lâu lâu tạt về mấy bữa. Thỉnh thoảng dẫn má đi luôn. Ông dúi cho tôi hàng xấp tiền, hẹn: "Hè ba dẫn con vô trỏng chơi".

Ở nhà một mình buồn thí mồ nên tôi thường qua xóm Phượng chơi. Xóm Phượng có ba cây Phượng. Cây to nhất và già nhất ở trước ngôi miếu cỗ, mọc từ đời nào rồi. Người ta đồn ở đó có ma. Thực hư chẳng biết nhưng không ai dám đi qua đó vào buổi tối. Tôi chúa sợ ma, nên tôi chẳng dám đi đâu. Thằng Đức bạn tôi, truyên bố một câu rùng rợn: "Tao mà gặp con ma nào tao bóp chết". Tôi "bán tín bán nghi" điều nó nói. Nhưng chẳng có con ma nào "dại dột" đi xớ rớ cho nó "bóp chết" cả. Tôi phục lăn thằng Đức - nó mới đúng là người gan dạ.

Cuối mùa Phượng trong xóm xuất hiện một người đàn bà lạ. Lũ trẻ gọi là: dì Hạnh. Chúng kháo nhau dì Hạnh cũng là người làng này, bỏ đi đâu tới mười mấy năm, giờ mới trở về. Người đàn bà sống một mình trong căn lều tranh dột nát bỏ hoang cạnh ngôi miếu cổ. Đơn độc và lặng lẽ.

Không hiểu sao sự xuất hiện của "dì Hạnh" làm tôi chú ý. Ở người đàn bà cô độc đó toát lên một cái gì rất đau khổ, tội nghiệp và thật gần gũi.

Lũ trẻ làm quen với dì Hạnh rất chóng vánh. Chúng lấy làm tò mò "dì" dám ở gần gốc phượng, nơi "nổi tiếng" nhiều ma. Chúng kết luận: "Dì rất hiền, rất tội và rất cam đảm". Tôi thắc mắc: "Vì sao dì lại sống một mình?" Thằng Đức rủ rê: "Chiều qua nhà dì chơi cho biết, mày chưa gặp dì hén, dì hiền lắm, rồi mày thích cho coi".

Trước mặt tôi là một người đàn bà ăn mặc giản dị, mái tóc bới cao. Khuôn mặt buồn u uẩn, đôi mắt hằn những dấu chân chim. Nhưng vẫn còn khá trẻ, chưa đầy bốn mươị Dáng người gầy mảnh. Đôi mắt của dì có một cái gì rất quen thuộc, chừng như tôi đã gặp ở đâu đó. Đôi mắt ấy đang nhìn tôi đăm đăm, đôi mày nhíu lại như cố nhớ một điều gì đó. Dì nắm tay tôi mỉn cười:

- Con tên gì?

Tôi ngập ngừng cho một ngón tay vào mồm. Thằng Đức nói một hơi: - Nó tên Hạ, nhà bên thị trấn, nhà to nhất đó dì.

Mặt dì Hạnh thoáng biến sắc. Dì thảng thốt:

- Ba má con tên gì?

- Dạ, ba con tên Hùng. Má con tên Thu.

Dì Hạnh lặng người, lẩm bẩm: "Lẽ nào" ...

Chúng tôi nhìn nhau, khó hiểu. Thằng Đức mạnh dạn hỏi:

- Dì làm sao vậy?

Dì Hạnh sực tỉnh, gượng cười " - Không có gì đâu". Rồi dì xoa đầu tôi. Tên con đẹp lắm? Dì đem cho chúng tôi mỗi đứa một quả ổi, cười đôn hậu. Duy chỉ có đôi mắt thật buồn.

Từ đó chúng tôi quen dì Hạnh.

Dì quý tôi nhất trong mấy đứa. Có thứ gì ngon dì cũng để phần dấm dúi cho tôi. Mà cái nghề may trong xóm của dì thì có bao nhiêu tiền đâu. Dì bảo: "Dì chẳng cần tiền, đời dì chẳng còn ai nữa". Đôi khi dì nhìn tôi chăm chú, khẽ thở dài ứa nước mắt. Có lần tôi hỏi:

- Có chuyện chi vậy dì?

Dì xoa đầu tôi, nghẹn ngào:

- Dì nhớ con dì quá.

- Thế con dì đâu? Tôi mở tròn mắt ngạc nhiên.

Dì đưa ánh mắt nhìn xa xăm, giọng buồn đến nao lòng.

- Dì cũng có đứa con gái út. Nó ... cũng bằng tuổi con, giống con lắm. Dì thương nó quá.

- Thế nó ở đâu rồi dì? - Tôi tò mò.

- Nó ... nó ... ở gần đây lắm, nhưng ... nó không còn là con của dì nữa ...

Dì Hạnh bưng mặt khóc. Tôi cuống quít: "Dì! dì làm sao vậy?" Dì Hạnh ôm chặt tôi vào lòng, lắc đầu im lặng. Ánh mắt nhìn đau đớn, xót xa.

Tôi kể với nội về dì Hạnh. Nội trầm ngâm, nét mặt đầy ưu tư lo lắng. Rồi nội hỏi" Dì có nói gì với con không?" - "Dạ, dì hổng nói gì hết". Nội thở dài căn dặn: "Con qua chơi với dì Hạnh cũng được. Nhưng đừng nói gì với má con hiểu chưa?" - Tôi gật đầu, dù chẳng hiểu tại sao.

Dì Hạnh cho tôi một sợi dây màu đen có một miếng vải treo toòng teng. Dì bảo: Đó là tấm bùa, nó giúp người ta tránh được rủi rọ Tôi không tin nhưng thấy hay hay nên cầm. Má bắt gặp và nghi vấn:

Con cầm của ai vậy?

- À, của dì Hạnh ...

Nội trừng mắt nghiêm khắc, cau mày lại. Chết rồi! Tôi vội vàng ngậm miệng để đừng thốt ra, má hoảng hốt:

- Dì Hạnh nào?

À, à, con quên - tôi giả lả - con lấy của thằng Đức đó mà.

Má tôi không hỏi gì thêm nhưng tôi nhận thấy trong ánh mắt má có một cái gì hụt hẫng.

Rồi thì tôi cũng lớn. Bớt đi những trò nghịch ngợm trẻ con, bớt những buổi trưa lông nhông qua xóm Phượng.

Thằng Đức còn lớn hơn tôi (nó luôn đi trước tôi một nước mà). Nó đen trũi và cao ngồng. Tuy nhiên, tình bạn giữa tôi và nó không sứt mẻ.

Tôi chẳng còn mê trò chơi "-dá gà" nữa, những búp phượng nằm lăn lóc buồn thiu. Dì Hạnh dạy tôi cách ép phượng thành bướm. Thằng Đức hái về một lô một lốc phượng - "Cho Hạ ngập trong đống phượng luôn". Vậy mà tôi vẫn buồn: người ta đốn phượng hết trơn. Còn lại một cây duy nhất ở miếu. Hừm, nếu tôi mà có phép, tôi sẽ biến tất cả cây cối ở đây thành phượng ráo trọi. Thằng Đức cười: "Hạ lãng mạn quá". Tôi đẩu môi: "Ông không biết thưởng thức cái đẹp thì có". Vuốt mái tóc tôi, dì Hạnh khẽ khàng:

- Hạ lúc nào cũng đành hanh. Ngày xưa, dì cũng yêu phượng lắm...

Tôi nhanh nhảu : "Dì giống con hén dì?" rồi hất mặt về phía Đức ra chiều đắc thắng" "Thấy chưa! Hạ có đồng minh nè". Thằng Đức chun mũi, chọc tức. Dì Hạnh nói:

- Hai đứa này ... lớn rồi mà cứ như trẻ con. Dì thấy Đức hợp với bé Hạ lắm nhe...

Thằng Đức đỏ mặt tía tai. Còn tôi dậm chân hậm hực.

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã mấy mùa phượng thay lá. Tôi chuẩn bị vào Sài Gòn thi đại học. Thằng Đức buồn buồn: "Hạ đi dì Hạnh nhớ Hạ lắm đó. Hạ về sớm nghe. Tui...cũng nhớ Hạ...ờ, tui hái nhiều phượng để dành cho Hạ, nhe". Tôi mỉm cười: "Ừ, Hạ về sớm mà!"

Dì Hạnh ngồi trước mặt tôi - xanh xao và lặng lẽ. Đôi mắt dì buồn như càng buồn hơn.

Tôi đáp chuyến tàu cuối cùng về quê.

Lòng bồn chồn lo lắng. Giấc mơ trong đầu ám ảnh làm tôi lo sợ. Tôi mơ thấy cây phượng ở ngôi miếu cổ bị bão là đổ. Từ sau gốc phượng dì Hạnh chạy ra, đôi mắt thất thần hoảng hốt. Dì vươn tay chạy về phía tôi: "Hạ ơi, phượng chết rồi, và mẹ cũng chết, lại đây với mẹ con ơi". Tôi nhào tới nhưng cánh tay dì cứ xa dần không thể nào với tới được. Tôi giật mình tỉnh giấc, người lạnh toát.

Hôm sau, tôi nhận được bức điện của Đức: "Dì Hạnh đau nặng. Hạ về gấp. Mong".

Đức cúi mặt, buồn bã: "Dì mong Hạ mãi, lúc dì sắp đi, dì cứ gọi tên Hạ".

Tôi cắn chặt môi đến bật máu. Mắt nhòa đi trong nỗi đau đớn tột cùng. Dì ơi! con về đây rồi nè. Sao dì nỡ đi nhanh quá vậy. Tôi thẩn thờ nhìn cây phượng bị bão đổ vật bên đường (vậy là sự thật!). Nhưng bông phượng văng tung tóe trên nền đất, đỏ sậm. Màu đỏ gay gắt như cứa vào tim tôi, tê buốt. Ung thư phổi - chỉ ba tiếng thôi sao mà ác nghiệt quá. Dì ơi!

- Dì Hạnh gửi cho Hạnh tờ giấy này nè. Đức đưa cho tôi một tờ giấy gấp tư. Tôi lập cập mở ra:

"Hạ! con thương yêu của mẹ,

Mẹ định im lặng mãi mãi, nhưng ... khi viết dòng chữ này mẹ đã kiệt sức lắm rồi. Mẹ cần phải nói với con tất cả. Bởi vì con là con của mẹ, là giọt máu tạo nên bằng lỗi lầm của mẹ. Hãy tha thứ cho mẹ.

Có lẽ con sẽ ngạc nhiên và không tin, nhưng đó lại là sực thật. Mẹ tạ lỗi trước bà nội con vì đã không giữ đúng lời hứa. Ngày đó... mẹ tưởng không đứng vững nổi vì những tai ương chồng chất, chồng đi tù, hai đứa con nheo nhóc, năm ấy lại đói. Mẹ không đủ sức chống đỡ, đúng lúc mẹ sắp quỵ ngã thì ba con xuất hiện như một vị cứu tinh. Bằng tấm lòng hào hiệp, ba con đã giúp đỡ mẹ, gây lại một cuộc sống tạm ổn. Rồi ... mẹ có với ba con một đứa con: đó chính là con. Lúc đó mẹ vừa nhận ra rằng mình đang cướp đi hạnh phúc của người khác - vợ của ba con (tức má con bây giờ). Mẹ cũng là một phụ nữ, làm sao mẹ có thể đang tâm làm như vậy. Má con không thể có con - đó là nổi đau đớn mà cô ấy phải chịu. Ba con yêu má con, còn mẹ, đó chỉ là tình thương. Những lời dị nghị của thiên hạ, rồi còn người chồng đang đi tù cải tạo (mẹ phải chịu tiếng phản bội, dù mẹ và người ấy không hề có hạnh phúc). Một nách ba đứa con, không nơi nương tựa, không có tiền, làm sao mẹ cáng đáng nôỉ... Mẹ không muốn con khổ vì con mang dòng máu của một gia đình danh giá. Con ra đời ngoài ý muốn, đó là tội lỗi của mẹ. Giữa lúc mẹ không biết phải làm gì về đâu? (-Dừng trách ba con, ba con còn gia đình, và mẹ không muốn gây ảnh hương đến hạnh phúc người khác). Bà nội con yêu cầu là để con lại cho bà vì con là cháu ruột của bà. Và hứa sẽ chu cấp cho mẹ một số tiền lớn, đủ trang trải nợ nần, nuôi con và gây dựng cuộc sống ở một nơi nào đó, miễn là xa nơi này! Hãy tha lỗi cho mẹ, Hạ ơi. Mẹ không thể làm khác được. Mẹ muốn con có một cuộc sống hạnh phúc đầy đủ. Con không thể sống thiếu thốn và chịu tiếng vô thừa nhận được, con là đứa trẻ vô tội. Và ... mẹ đã đồng ý, hứa không bao giờ tiết lộ điều này. Mẹ đau đớn lắm, nỗi đau đày vò mẹ suốt bao năm. Giờ mẹ chẳng còn ai nữa. Chồng thì dắt con vượt biên ra nước ngoài, còn một mình mẹ trơ trọi. Mẹ ân hận nhưng đã muộn rồi. Mẹ về lại đây, với hy vọng là gặp lại con. Dù chỉ để nhìn mặt, không dám gọi con là con, mẹ cũng cam lòng. Hạ ơi! hãy tha lỗi cho mẹ! Con ơi!

Mẹ muốn gọi tiếng "con" lần cuối nhưng không được ... "Hãy tha thứ cho mẹ..."

Tôi ngước nhìn nội bằng đôi mắt bàng hoàng, đau đớn:

- Vậy là sao hả nội?

Nội quay đi lảng tránh cái nhìn của tôi: Tiếng nói thoát ra ngập ngừng , khó nhọc:

- Đó chính là mẹ của con!

Mẹ ơi! Tôi quỵ xuống, khóc ngất...

Năm ấy, hoa phượng buồn.

Nguyễn Minh
(Bút nhóm Biển Xanh QN)

No comments:

Post a Comment