Wednesday, October 12, 2011

MẤT NGỦ

Thái Bá Tân

Như nhiều người già khác, ông Dụng mắc chứng mất ngủ, đặc biệt thời gian này, khi ông mới về hưu. Mấy chục năm ông làm ở ủy ban chăm sóc, bảo vệ bà mẹ - trẻ em của thành phố. Công việc nhàn, chẳng có gì lý thú, thậm chí vô bổ như nhiều khi ông nghĩ. Thế mà bỗng nhiên không còn được làm cái công việc tẻ nhạt, vô bổ ấy nữa, ông cảm thấy hụt hẫng, thừa tay chân, thừa thời gian, thừa những suy nghĩ chẳng đâu vào đâu, đáng lẽ thừa cả ngủ vì ông nằm rất nhiều. Nhưng ông lại mất ngủ.

Vào một đêm mất ngủ như thế, đã khuya, phải đến mười hai giờ, ông bỗng nghe con Mực nhà ông sủa gắt. Thường nó vẫn sủa vu vơ khi có ai trong xóm về khuya. Nhưng lần này thì khác. Tiếng sủa báo có kẻ gian. Về mặt này có thể nói nó khôn hơn cả người. Chừng mười lăm, hai mươi phút sau nó lại sủa. Ông nghe nó nhảy xổ lên cánh cổng, và hình dung nó bám hai chân trước lên thanh sắt nhìn kẻ gian với vẻ hăm dọa, cái mõm đầy nanh sắc chồm ra ngoài.

Ngõ nhà ông chỉ được chiếu sáng bằng ngọn đèn tròn 60 watt treo trước cổng nhà ông Hoạch cuối ngõ theo yêu cầu của tổ dân phòng, nhưng con Mực nhà ông chắc vẫn nhìn rõ. Không chỉ mũi mà mắt loài chó cũng tinh lắm. Con béc-giê của vợ chồng ông Bàn giàu nhất xóm, chủ quán nhậu lớn ở chân cầu Long Biên, cũng sủa gắt không kém, đánh thức cả xóm dậy. Cả con chó Nhật bé bằng nắm tay nhà ông Hoạch cũng ti toe phụ họa.

Ông Dụng đi ra ban công nhìn xuống, và thấy hai thằng choai choai đang đèo nhau bằng xe đạp, tới nhà ông Hoạch kịch đường, chúng quay ra rồi biến mất. Bầy chó tiếp tục sủa chốc nữa rồi cũng im. Ngõ phố lại chìm trong im lặng. Đôi nhà còn đỏ đèn. Mọi người chắc đã ngủ, hoặc vờ ngủ, coi như không có gì xảy ra, ít nhất với nhà mình.

Đây là xóm mới, nằm khuất trong ngõ cụt, gồm mười tám căn nhà do thành phố xây để bán, được coi là khu xịn, trong giấy tờ ghi là Khu biệt thự, dù nhà nọ dính vào nhà kia. Người mua là dân các nơi khác đến, thuộc loại khá giả. Nhà ai biết nhà nấy, chỉ giao tiếp ở mức vừa phải. Ông Dụng đưa mắt nhìn một vòng, chẳng thấy động tĩnh gì, bèn quay vào nằm.

Cái bọn choai choai này là ghê lắm đấy - bà vợ ông thường nói - Chúng nghiện ngập, cờ bạc, giết người như ngóe. Tốt nhất đừng dây, nhỡ gặp chúng phải tránh thật xa! Ông thấy vợ nói đúng. Chuyện gì bà ấy nói cũng đúng. Cả xóm này mọi người nghĩ như bà. Có lẽ vì thế mà như nhiều hôm khác, chẳng ai, kể cả ông trưởng xóm kiêm tổ viên tổ tuần tra mà ông ta không bao giờ tham gia, chạy ra đuổi hay chí ít hỏi chúng, đêm hôm vào đây làm gì. Nhiều lần bọn chúng ngang nhiên tụm ba tụm bảy đánh bạc hoặc tiêm chích mà không người nào nói một câu. Coi như không thấy. Không biết. Không dây! Dây vào ngộ nhỡ chúng đâm một nhát cho mà chết à?

Lát sau chó lại sủa ran. Chắc hai thằng kia quay lại. Kệ. Nhà mình không là đối tượng của chúng - Ông nghĩ - Vả lại con Mực sẽ chẳng chịu để yên cho chúng muốn làm gì thì làm! Tao thách bọn mày vào đấy! Chắc đầu ngõ ông chủ quán nhậu có con béc-giê hung dữ cũng đang nghĩ như ông. Các nhà khác có lẽ thấy yên tâm vì nhà ai cũng kín cổng cao tường, cửa đóng chặt cả trên lẫn dưới.

Chó vẫn tiếp tục sủa, mỗi lúc một gắt. Con Mực nhảy chồm chồm lên tấm cửa sắt. Chắc có chuyện. Ông Dụng định dậy ra xem, nhưng không hiểu sao lại thôi. Nhiều người trong xóm có lẽ chung tâm trạng như ông, vẫn nằm yên trong nhà. Sau đấy, bỗng có tiếng kêu thất thanh. Tiếng kêu cứu của một đứa bé. Bé gái. Hình như tiếng cái Hồng, con vợ chồng anh Châu cách nhà ông một nhà, sát nhà ông Hoạch. Mọi người, trong đó có ông Dụng, chạy bổ ra ban công, và từ vị trí an toàn ấy, tất cả gần như đồng thanh kêu to: Trộm! Có trộm! Chủ yếu để bọn kia thấy động bỏ đi. Rồi mọi người xuống gác, cố nói thật to, mở khóa cổng thật chậm để mình không là người đầu tiên bước ra nơi nguy hiểm. Nhiều người còn dắt theo cả chó, những con chó trước đấy bị nhốt sau song sắt.

Khi mọi người đổ ra ngõ, bọn bất lương đã biến mất. Người ta thấy cánh cổng nhà vợ chồng anh Châu mở toang, còn cháu Hồng, mười ba tuổi, con gái duy nhất của họ nằm ở bậc tam cấp, máu me đầm đìa. Nó nằm ngửa, bị đâm một nhát ở bụng. Bấy giờ trong xóm mới biết nó ở nhà một mình đã ba hôm nay, vì bố mẹ theo cơ quan Bộ ngoại giao đi nghỉ mát ở Cửa Lò, nó bận thi học sinh giỏi tin học toàn thành nên không đi.

Sau này, khi công an bắt được thủ phạm - hai tên lưu manh choai choai ở khu tập thể nhà máy xe lửa Gia Lâm - người ta biết thêm rằng Hồng bị đâm chết khi vừa kêu cứu, vừa cố giằng chiếc máy vi tính xách tay bố mẹ mới tặng. Một trong hai thằng giật không được, dùng con dao Thái đâm vào bụng Hồng, nó ngã gục làm vết đâm rộng thêm. Thằng này bị kết án tử hình. Thằng kia tù mười năm. Còn dân trong xóm thì bị chính lương tâm mình kết án, nặng nhẹ tùy cách nhìn nhận sự việc của từng người...

° ° °

Có lẽ người bị kết án nặng hơn cả là ông Dụng. Như những người khác, khi công an hỏi vì sao biết có kẻ gian mà không can thiệp, ông nói bình thường chó vẫn sủa như vậy, và ông đã già, nên tới nơi thì đã muộn. Ông biết ông nói dối, dối một cách trơ trẽn. Ông đã có thể ra ban công lần chó sủa thứ hai, thứ ba, và nếu vẫn thấy hai thằng ấy, đáng lẽ ông phải đuổi chúng đi, ít ra cũng phải gọi mọi người dậy. Chắc chắn lúc ấy chúng sẽ không thể ra tay, và cháu Hồng không bị giết một cách thảm thương như vậy.

Nhưng ông đã không làm thế. Ông sợ bị chúng chém hoặc dùng kim chích ma túy đâm vào người. Sao ông không đi ra cùng con Mực? Chắc nó biết cách bảo vệ chủ. Ông quên không nghĩ tới điều đó. Quên một phần vì không muốn dây vào chúng, vì nghĩ con chó chỉ giữ nhà ông là đủ. Ông chủ cửa hàng nhậu từng chỉ vào con béc-giê của mình, nói: Lúc ấy mà tôi thả con này ra thì hai thằng kia chỉ có chết! Nhưng ông ta đã không thả. Người khác cũng không. Lũ chó ngu ngốc, chúng sẽ chịu "dây" với bọn kia, và sẽ ngăn được vụ án mạng.

Càng nghĩ, ông Dụng càng buồn và thấy mình có tội. Trong cái chết của cháu Hồng ông chịu một phần trách nhiệm. Ông đã tính tới thú hết với công an, rằng chính ông và những hàng xóm của ông mới là thủ phạm. Nhưng không có bộ luật nào kết tội những người không cứu giúp người khác khi gặp nạn. Không ai bắt bẻ ông. Không ai, trừ lương tâm. Lương tâm ông bây giờ đang cắn rứt. Ông đã có thể cứu được đứa bé nhưng ông hèn, ông quá khôn. Thế mà hàng chục năm trời ông vẫn là cán bộ bảo vệ trẻ em! Suốt mấy chục năm ấy và cả đời mình, ông chẳng hề bảo vệ được ai. Việc ông làm chung quy chỉ là nói những lời đạo đức giả, dự các cuộc họp triền miên và mỗi năm vài lần trao những túi quà người ta chuẩn bị sẵn. Tên ông là Hữu Dụng mà thực sự ông là người vô dụng. Bạn bè, đôi khi cả chính ông, cũng nhiều lần nói đùa như thế.

Choáng váng vì cái chết của con gái, vợ chồng anh Châu xin đi làm tại một đại sứ quán ở châu Phi, để lại ngôi nhà trống rỗng và khu xóm nhỏ đang dằn vặt với những gì xảy ra.

° ° °

Chứng mất ngủ của ông Dụng ngày thêm trầm trọng. Ông bắt đầu đi bác sĩ và uống đủ các loại thuốc vợ ông mua về. Bị truy quét, bọn nghiện ngập và tội phạm không đến đây nữa, ngày cũng như đêm. Chó ít sủa hơn. Tuy nhiên, ba hôm nay, lúc gần sáng con Mực nhà ông cứ tru khe khẽ. Tiếng tru nghe rất lạ, như nó đang sợ hãi điều gì. Con chó Nhật của ông Hoạch cũng sủa theo. Các con khác không thấy lên tiếng. Cả ba hôm ông đều ra xem nhưng không thấy gì.

Bây giờ con Mực lại sủa, đúng hơn, đang rên ư ử. Ông nhìn đồng hồ. Ba giờ sáng. Trời tối, lại có gió lạnh. Xung quanh không tiếng động. Ông rón rén nhỏm dậy. Ông không ra ngoài ban công, mà chỉ đứng bên trong, vén rèm cửa sổ nhìn ra. Lối đi phía dưới vắng tanh. Ngọn đèn sáu mươi watt trước nhà ông Hoạch tù mù, nhưng cũng đủ sáng để nhìn thấy bất kỳ người nào, nếu có. Nhưng ông nhìn mãi chẳng thấy ai. Trong khi đó con Mực vẫn tiếp tục sủa một cách lo lắng và sợ hãi.

Ông khoác thêm áo, lặng lẽ đi xuống, lặng lẽ mở cửa rồi mở cổng bước ra, không quên mang theo chiếc gậy đề phòng bất trắc. Con Mực thấy ông, vẫy đuôi rối rít. Nó rón rén đi trước, tai cụp, đầu cúi sát đất. Có nó, ông thấy yên tâm hơn. Bên ngoài trời vẫn tối đen và ẩm ướt. Xung quanh yên ắng lạ thường. Bất chợt, ông nhìn thấy cái bóng mờ mờ trước mặt. Ông định kêu to đánh thức mọi người, nhưng nghĩ có thể nhìn nhầm nên lại thôi. Cái bóng nhỏ màu trăng trắng đứng co ro bên cửa nhà anh Châu, chỉ cách ông chừng mươi mét. Trộm chăng? Hình như không, vì nếu đúng nó đã bỏ chạy khi nghe ông hắng giọng. Vậy thì là ai?

Ai đấy? - ông hỏi to, rồi bước lại gần. Con Mực đi theo, sủa lên một tiếng đầy hăm dọa. Cái bóng trắng vẫn đứng yên. Khi lại gần, ông Dụng thấy đó là một đứa trẻ. Nó đứng tựa lưng vào tường rào, hai tay ôm cái gì trước bụng.

Trời ơi, Hồng đấy à, cháu? Ông khẽ thốt lên, quên rằng con bé đã chết hai tháng nay.

Cái bóng gật đầu, không nói gì. Ông Dụng nhìn kỹ thì thấy đúng là Hồng. Dưới ánh điện tù mù, ông thấy nó khóc, đôi mắt mở to đau đớn nhìn ông.

Trời ơi! Ông Dụng kêu lên, kinh hoàng nhìn mớ ruột trên tay con bé. Cái gì thế này? Con bé im lặng, nhìn xuống chiếc bụng bị đâm thủng rồi nhìn ông, vẻ van nài. Con Mực không rên nữa. Nó cuống quýt chạy quanh chủ và cái bóng ma. Ông Dụng đứng lặng, lúng túng hồi lâu. Cuối cùng ông ngồi xuống ngang tầm đứa bé, nhẹ nhàng nâng từng đoạn ruột bầy nhầy dính máu nhét lại vào bụng nó. Ông làm việc này thong thả, thận trọng như một bác sĩ và bình tĩnh một cách lạ lùng. Thậm chí tay ông không hề run. Con bé vẫn lặng lẽ đứng yên, thỉnh thoảng co giật như bị đau. Cháu gắng chịu chút nữa. Bác xong ngay bây giờ. Cháu ngoan lắm. Giỏi lắm! Ông dỗ nó như dỗ đứa cháu ngoại năm tuổi mỗi lần bắt uống thuốc đắng.

Con bé mấp máy môi khi ông làm xong, còn thận trọng đưa lòng bàn tay vuốt lại lần nữa chỗ rách ở bụng nó. Ông kéo cao quần nó lên, cài cúc áo cho nó rồi ngước mắt, có ý hỏi: Giờ cháu đỡ đau rồi chứ? Con bé gật đầu nhìn ông và con Mực, rồi từ từ tan trong lớp sương mù ẩm ướt.

Ông Dụng ồ lên một tiếng. Ông thực sự không hiểu chuyện vừa rồi là thực hay chỉ là giấc mơ. Dạo này ông hay có những giấc mơ kỳ quái...

Từ hôm ấy, đêm đêm lúc gần sáng, con Mực nhà ông thôi không sủa nữa. Hồn ma cái Hồng cũng không quay lại lần nào. Nhưng chẳng vì thế mà ông Dụng đỡ mất ngủ.

Cứ gần sáng ông lại ra khỏi nhà, vật vờ đi đi lại lại trong ngõ. Lúc đầu lũ chó sủa ghê lắm, nhưng rồi chúng dần quen, không còn làm ầm ĩ khiến mọi người tỉnh dậy.






No comments:

Post a Comment