Tuesday, August 30, 2011

CON ĐÃ TỪNG ĐẾN TRONG ĐỜI NÀY VÀ CON RẤT NGOAN

"Con đã từng đến trong đời này, và con rất ngoan!" - Đấy là lời nói cuối cùng của một em bé tám tuổi, và được khắc lại trên bia mộ em.

"Con đã từng đi qua cuộc đời này! Và con rất ngoan!"
 

Cô bé Xa Diễm tám tuổi, đôi mắt đen lóng lánh và một trái tim thơ ngây non nớt, Xa Diễm mồ côi, cô bé chỉ sống trên đời vẻn vẹn 8 năm, câu cuối cùng cô nói là một lời thanh minh non nớt: "Con đã từng được sống! Và con rất ngoan!". Xa Diễm hy vọng được chết vào mùa thu. Thân thể gầy gò của em giống một bông hoa nở theo mùa. Khi hoa vàng nở khắp mặt đất và những chiếc lá rơi chao liệng khắp nơi, em sẽ thấy cả những đàn nhạn di cư bay ngang trời xa.
 

Em tự nguyện bỏ điều trị, và dùng toàn bộ 540 nghìn Nhân dân tệ (gần 1,1 tỷ đồng tiền VN) để chia thành 7 phần, mang sinh mệnh chính mình chia ra thành những phần bánh hy vọng tặng cho bảy người bạn nhỏ đang chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khác.
 

"Tôi tình nguyện từ bỏ điều trị"
 

Xa Diễm không biết ai là cha đẻ của mình, em chỉ có "cha" là người thu nhận em về nuôi nấng.
 

Ngày 30/11/1996 (20/10 âm lịch), "cha" Xa Sĩ Hữu phát hiện một hài nhi mới sinh bị vứt bỏ đang thoi thóp và lạnh toát trong đống cỏ bên chân một cây cầu nhỏ ở thị trấn Vĩnh Hưng, ngực hài nhi cài một mẩu giấy nhỏ, chỉ ghi vắn tắt "20 tháng 10, 12 giờ đêm".
 

Khi đó, cha Xa Sĩ Hữu tròn 30 tuổi, nhà ở tổ 2, thôn Vân Nha, thị trấn Tam Tinh, huyện Song Lưu, tỉnh Tứ Xuyên. Vì nhà nghèo quá, không cưới được vợ, nếu cha nhận nuôi thêm đứa trẻ này, có lẽ càng chẳng báo giờ có cô nào chịu lấy cha nữa. Vì vậy, nhìn đứa trẻ còi như con mèo bé vừa khóc vừa ngáp ngáp thút thít, Xa Sĩ Hữu mấy lần nhặt lên rồi lại đặt xuống, bỏ đi rồi lại ngoái lại nhìn, đứa bé thân mình đầy bùn đất lạnh, tiếng khóc yếu ớt, nếu không ai cứu, chả mấy mà đứt sinh mệnh! Cắn răng, anh ôm đứa bé lên lần nữa, thở dài nói: "Thôi thì tao ăn gì, mày ăn nấy!".


Xa Sĩ Hữu đặt tên cho đứa bé là Xa Diễm, vì bé sinh ra vào mùa thu, đúng mùa thu hoạch mùa màng hoa trái đủ đầy. Đàn ông một mình làm bố, không có sữa mẹ, cũng không có tiền mua sữa bột, đành bón con những thìa cháo hoa. Vì thế, Xa Diễm từ nhỏ đã còi cọc, yếu đuối, lắm bệnh, nhưng là một đứa trẻ vô cùng ngoan và hiểu biết. Xuân đi xuân lại, Xa Diễm như bông hoa nhỏ trên dây Khổ Đằng, lớn khôn dần, vô cùng thông minh và ngoan ngoãn.
 

Hàng xóm đều nói, những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhặt về nuôi, bao giờ trí óc cũng khôn ngoan thông minh hơn người. Và mọi người đều yêu Xa Diễm. Dù em từ nhỏ đã hay bệnh tật liên miên, nhưng trong sự nâng niu xót thương của cha, em cũng lớn lên dần.
 

Những đứa trẻ số phận đau khổ thường khác người. Từ lúc 5 tuổi, em rất biết ý thức giúp cha làm việc nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm, cắt cỏ em đều biết làm thành thạo. Em biết thân phận mình không được như những đứa trẻ con nhà người khác, trẻ con hàng xóm có bố có mẹ, nhà mình chỉ có cha. Gia đình nhỏ này do hai bố con lụi hụi chống đỡ xây đắp, em cần phải thật ngoan thật ngoan, không để cha lo lắng thêm chút nào, hoặc giận em một lần nào.
 

Vào học lớp Một, Xa Diễm biết mình phải cố gắng. Em xếp thứ Nhất trong lớp, làm người cha mù chữ của mình cũng mở mày mở mặt với làng xóm. Em chưa bao giờ để cha phải thất vọng. Em hát cho cha nghe, kể những chuyện vui vẻ ở trường cho cha nghe, những phiếu bé ngoan hay hoa điểm tốt em đều dán lên vách tường. Đôi khi em bướng bỉnh ra những đề bài khó để bắt cha phải giải được... Mỗi lúc nhìn thấy cha cười, em đều vui sướng.
 

Dù con không có mẹ, nhưng con có thể sống vui vẻ cùng cha, đó là hạnh phúc!
 

Tháng 5/2005, Xa Diễm thường bị chảy máu cam. Một buổi sáng ngủ dậy định rửa mặt, đột ngột em phát hiện cả chậu nước rửa mặt đã biến thành màu hồng. Nhìn kỹ, là máu mũi đang nhỏ giọt xuống, không cầm máu được. Không còn cách nào khác, Xa Sĩ Hữu mang con đi tiêm ở bệnh xá địa phương, nhưng không ngờ, một vết mũi tiêm bé tí xíu cũng chảy máu mãi không ngừng. Trên đùi Xa Diễm cũng xuất hiện nhiều "Vết châm kim đỏ". Bác sĩ nói, "Mau lên bệnh viện khám ngay!", đến được bệnh viện Thành Đô, đúng lúc bệnh viện đang đông người cấp cứu, Xa Diễm không lấy được số thứ tự xếp hàng khám. Xa Diễm ngồi một mình ngoài ghế dài, tay bịt mũi, hai đường máu chảy thành hàng dọc từ mũi xuống, nhuộm hồng cả nền nhà, cha em cảm thấy ngại ngùng, chỉ biết lấy cái bô đựng nước tiểu để hứng máu, chỉ mười phút, cái bô đã lưng nửa.
 

Bác sĩ phát hiện ra, vội cuống quýt ôm Xa Diễm đi khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ ngay lập tức viết đơn Thông báo khẩn cấp bệnh tình của em. Xa Diễm mắc bệnh máu trắng (Bạch cầu cấp - acute leucimia).
 

Chi phí điều trị căn bệnh này vô cùng đắt đỏ, thông thường điều trị cơ bản đã cần 300 nghìn Nhân dân tệ (tương đương 600 triệu VND), Xa Sĩ Hữu choáng váng.
 

Nhìn con gái nằm trên giường bệnh, ông không thể chần chừ suy nghĩ nữa, ông chỉ có một ý nghĩ: Cứu con!
 

Vay khắp bạn bè họ hàng, chạy đông chạy tây tiền chỉ như muối bỏ biển, so với số 300 nghìn tệ cần có sao xa vời. Ông quyết định bán cái duy nhất có thể ra tiền là căn nhà xây bằng gạch mộc, gạch chưa nung của mình. Nhưng nhà thì quá rách nát, lúc đó không thể tìm ra ai muốn mua nó.
 

Nhìn gương mặt gầy gò xơ xác và đôi mắt u uất của cha, Xa Diễm có một cảm giác đau xót. Một lần, Xa Diễm kéo tay cha lại, chưa nói nhưng nước mắt đã trào ra: "Cha ơi, con muốn được chết..."
 

Đôi mắt Xa Sĩ Hữu kinh ngạc nhìn con gái: "Con mới 8 tuổi thôi, vì sao con lại muốn chết?"
 

"Con chỉ là đứa bé bị bỏ rơi nhặt về, ai cũng bảo số con bạc bẽo, giờ bệnh này không chữa được, cha cho con ra viện đi..."
 

Ngày 18/5, bệnh nhân tám tuổi Xa Diễm thay mặt người cha mù chữ, tự ký rành rọt tên vào trong cuốn bệnh án của chính mình: "Tự nguyện từ bỏ chữa trị cho Xa Diễm".
 

"Em tự nguyện từ bỏ!"
 

Đứa trẻ tám tuổi tự lo hậu sự:
 

"Hôm đó về nhà, một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn chưa từng vòi vĩnh cha bất cứ điều gì, đã đòi cha hai yêu cầu: Em muốn có một tấm áo mới, và em muốn được chụp một bức ảnh. Em giải thích cho cha: "Sau này, khi con không còn nữa, nếu cha nhớ con, cha có thể nhìn con ở trong ảnh".
 

Ngày hôm sau, cha Xa Sĩ Hữu nhờ người cô đi cùng đưa cháu lên thị trấn, tiêu hết 30 tệ (60.000 VNĐ) mua một bộ quần áo mới, Xa Diễm tự mình chọn một chiếc quần cộc màu hồng phấn, người cô chọn cho Xa Diễm một chiếc váy trắng chấm đỏ, nhưng khi mặc thử Xa Diễm mặc thử, thấy tiếc rẻ nên lại cởi ra. Ba người đi đến tiệm chụp ảnh, Xa Diễm mặc bộ đồ màu hồng mới tinh, ngón tay đưa ra hình chữ V, cố gắng mỉm cười, nhưng cuối cùng cũng không kìm được để nước mắt chảy ra.
 

Em đã không thể đến trường nữa, em xách cái cặp đứng trên con đường nhỏ đầu làng, mắt ươn ướt.
 

Nếu không có một phóng viên tên là Truyền Diễm của tờ "Thành Đô buổi chiều", thì chắc Xa Diễm sẽ chỉ như một phiến lá cây khô rụng xuống, lẳng lặng bị cuốn đi theo gió.
 

Cô phóng viên này sau khi biết tin từ bệnh viện, đã viết một bài báo, kể lại toàn bộ câu chuyện của Xa Diễm. Sau khi bài báo "Đứa trẻ 8 tuổi tự lo hậu sự" được đăng, cả thành phố Thành Đô đều bị cảm động, cả mạng Internet toàn Trung Quốc cũng cảm động, có một phong trào lan truyền trên khắp Trung Quốc, trong cả đời sống thật của thế giới người Hoa lẫn trên mạng ảo, những người có lòng tốt bắt đầu quyên góp để cứu sinh mệnh mong manh của cô bé. Trong vòng mười ngày, con số quyên góp từ toàn thể người Hoa đã lên tới 560 nghìn Nhân dân tệ, đủ để chi phí phẫu thuật, và hy vọng cuộc sống của Xa Diễm lại được thổi bùng lên từ bao nhiêu trái tim nhân ái. Sau khi tuyên bố kết thúc quyên góp, vẫn còn nhiều khoản tiền chuyển về tài khoản quyên góp. Các bác sĩ cũng cố sức, dốc hết sức lực và tài năng chuyên môn để cứu chữa cho Xa Diễm, tất cả hàng triệu người đều hy vọng thành công.
 
Trên internet, nhiều lời nhắn gửi: "Xa Diễm, cô bé yêu quý của tôi, tôi hy vọng em sớm mạnh khoẻ rời bệnh viện, tôi cầu chúc cho em quay lại trường học, tôi mong mỏi em bình an lớn lên, tôi khao khát tôi sẽ được vui sướng tiễn em về nhà chồng..."
 

Ngày 21/6, Xa Diễm, cô bé đã từ bỏ trị liệu quay về nhà chờ thần Chết, đã lại được đưa về Thành Đô, vào bệnh viện Nhi. Tiền có rồi, sinh mệnh mỏng manh có hy vọng và có lý do để tiếp tục được sống.
 

Xa Diễm chịu đựng đợt hoá trị khó chịu. Trong cửa kính, Xa Diễm nằm trên giường truyền dịch, đầu giường đặt một chiếc ghế, ghế để một cái âu nhựa, thỉnh thoảng em quay người sang đó nôn. Sự kiên cường cửa đứa bé khiến người lớn cũng kinh ngạc. Bác sĩ Từ Minh, người điều trị chính cho em giải thích, giai đoạn hoá trị, đường ruột và dạ dầy sẽ phản ứng kích liệt, thời gian đầu mới hoá trị, mỗi lần Xa Diệm nôn đều nhiều, nửa âu, nhưng đến "ho" một tiếng cũng không. Trong lúc kiểm tra tuỷ xương khi nhập viện, mũi tiêm đâm từ ngực, em "không khóc, không kêu la, cũng không chảy nước mắt, đến động đậy cũng không dám".
 

Từ khi ra đời cho tới lúc chết, em không có được một chút xíu tình yêu của mẹ. Khi bác sĩ Từ Minh đề nghị: "Xa Diễm, làm con gái bác đi!" mắt em sáng rực lên, rồi nước mắt tuôn xuống xối xả. Ngày hôm sau, khi bác sĩ đến đầu giường bệnh, Xa Diễm bẽn lẽn gọi: "Mẹ!". Bác sĩ lặng đi một chút, rồi từ từ mỉm cười, ngọt ngào đáp lại: "Con gái, ngoan lắm!"
 

Tất cả mọi người đều chờ đợi một phép lạ, tất cả đều hy vọng giây phút Xa Diễm được trở về với cuộc sống. Rất nhiều người từ thành phố vào bệnh viện thăm em, trên mạng nhiều người hỏi thăm em, số mệnh của Xa Diễm làm mạng Internet xa lạ trở nên đầy ắp ánh sáng.
 

Trong phòng bệnh đầy hoa và trái cây, tràn đầy hương thơm

Hai tháng hoá trị, Xa Diễm qua được chín cửa "Quỷ môn quan", sốc nhiễm trùng, bệnh bại huyết septicemia, tan máu, xuất huyết ồ ạt đường tiêu hoá... lần nào cũng "hung hoá cát". Những liệu trình đều do các bác sĩ huyết học Nhi hàng đầu của tỉnh và Trung Quốc chuẩn đoán quyết định, hiệu quả rất khả quan. Bệnh máu trắng căn bản đã được khống chế. Tất cả đang chờ tin Xa Diễm lành bệnh.
 

Nhưng những bệnh tật đi theo những tác dụng phụ của hoá chất trị liệu rất đáng sợ. Và so với hầu hết những đứa trẻ bị bệnh máu trắng khác, thể chất Xa Diễm rất yếu ớt. Sau đợt phẫu thuật, sức khoẻ Xa Diễm càng kém.
 

Buổi sáng ngày 20/8, em hỏi phóng viên Truyền Diễm: "Dì ơi, xin dì cho con biết, vì sao mọi người quyên góp tiền cho con?"
 

"Bởi vì họ đều có lòng tốt!"
 

"Dì ơi, con cũng làm người tốt."
 

"Bản thân con đã là một người tốt. Những người tốt sẽ giúp đỡ nhau, mới làm nên những điều càng thiện lương."
 

Xa Diễm móc từ dưới gối ra một cuốn vở bài tập, đưa cho Truyền Diễm: "Dì ơi, đây là di chúc của con..."
 

Phóng viên Truyền Diễm kinh ngạc, vội vã mở vở ra, quả nhiên là những việc Xa Diễm thu xếp hậu sự. Đây là một đứa trẻ tám tuổi sắp về cõi chết, nằm bò trên giường bệnh dùng bút chì nắn nót viết ba trang "Di chúc". Vì em còn nhỏ quá, còn nhiều chữ Hán chưa học nên chưa viết được hết, còn có những chữ viết sai. Xem có thể biết em không thể viết một mạch bức thư này, mà viết sáu đoạn. Mở đầu là "Dì Truyền Diễm", kết thúc là "Tạm biệt dì Truyền Diễm". Suốt cả bức thư, chữ "Dì Truyền Diễm" xuất hiện 7 lần, và 9 lần gọi tắt là Dì. Phía sau 16 chữ xưng hô này, tất cả là những điều "nhờ vả dì làm hộ" khi em lìa đời. Và còn cả lời muốn qua phóng viên "cảm ơn" và "tạm biệt" với cả thế giới.
 

"Tạm biệt dì, chúng ta sẽ gặp nhau trong mơ. Dì Truyền Diễm, nhà cha con sắp sập rồi. Cha đừng buồn, xin cha cũng đừng nhảy lầu. Dì Truyền Diễm xin dì trông coi bố con. Dì ơi, cái tiền của con cho trường con một ít ít, cảm ơn dì chuyển lời cảm tạ tới Hội trưởng Hội Hồng thập tự. Con chết xong, mang hết chỗ tiền còn lại chia ra cho những người mắc bệnh giống con, giúp họ đỡ bị bệnh hơn..."
 

Bức di chúc làm Truyền Diễm giàn giụa nước mắt, khóc không thành tiếng.
 

Con đã từng được sống, con rất ngoan
Ngày 22/8, vì đường tiêu hoá xuất huyết, dường như suốt một tháng trời Xa Diễm không được ăn mà chỉ sống bằng dịch truyền. Và lần đầu tiên em "ăn vụng", em bẻ một mẩu nhỏ mì ăn liền khô bỏ vào mồm. Ngay lập tức đường ruột của em xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ y tá khẩn cấp truyền máu, truyền dịch cho em...
 

Nhìn Xa Diễm đau bụng lăn lộn, bác sĩ và y tá đều bật khóc. Tất cả mọi người đều muốn gánh đau cho em, nhưng, không thể làm gì được.
 

Tám tuổi. Xa Diễm đã thoát được cơn bệnh tật quái ác, và ra đi an lành.
 

Không ai chấp nhận sự thật. Phóng viên Truyền Diễm vuốt vuốt gương mặt bé xíu lạnh dần đi của cô bé, khóc không thành tiếng, gương mặt sẽ không bao giờ gọi cô là Dì nữa, cũng sẽ không bao giờ cười nữa.
 

Mạng Tứ Xuyên online, mạng 163 (mạng Internet nổi tiếng nhất TQ) ngập trong nước mắt, mạng Xinhuanet toàn nước mắt. "Đau lòng đến không thể thở được" sau đầu đề topic đó là hàng vạn lời nhắn cảm xúc của các công dân mạng TQ. Hoa viếng, điếu văn, một người đàn ông trung niên khẽ nói: "Con, con vốn là một thiên sứ nhỏ trên trời, con đã dang đôi cánh, thôi con cứ ngoan ngoãn bay đi..."
 

Ngày 26/8, tang lễ diễn ra dưới một cơn mưa nhỏ, Nhà tang lễ ở ngoại thành phía Đông của thành phố Thành Đô chật ních những người dân Thành Đô đi viếng với nước mắt rưng rưng. Họ đều là những "người cha, người mẹ" của Xa Diễm mà Xa Diễm chưa có dịp gặp mặt. Để đứa bé mới sinh ra đời đã bị vứt bỏ, đã mắc bệnh máu trắng, đã từ bỏ chữa trị, đã chết... không còn cô đơn nữa. Rất nhiều "Cha-mẹ" đội mưa tiễn theo sau chiếc quan tài bé nhỏ.
 

Bức ảnh trên đầu Entry trong blog Trang Hạ đã chụp bia mộ của Xa Diễm: Một bức ảnh Xa Diễm cười mím mím, tay cầm một bông hoa dại bé xíu. Mặt chính của bia chỉ ghi vỏn vẹn: " Con đã từng được sống, con rất ngoan! (1996.11.30-2005-8.22)"
 

Mặt sau bia có ghi vài lời đơn giản giới thiệu thân thế Xa Diễm, câu cuối cùng là: "Trong những năm Em sống, Em đã được nhận những ấm áp của con người. Xin Em yên nghỉ, thiên đường có Em nên thiên đường càng đẹp đẽ."
 

Theo đúng chúc thư, 540.000 Nhân dân tệ còn thừa lại chia thành những tặng vật chia cho những em bé khác bị mắc bệnh máu trắng. Bệnh viện còn ghi lại tên của 7 bệnh nhân Nhi này, Dương Tâm Lâm, Từ Lê, Hoàng Chí Cường, Lưu Linh Lộ, Trương Vũ Tiệp, Cao Kiện, Vương Kiệt. Những bệnh nhân này lớn nhất là 19 tuổi, nhỏ nhất là 2 tuổi, đều là những em gia đình quá nghèo, đang giãy dụa giữa sự sống và cái chết.
 

Ngày 24/9, ca phẫu thuật đầu tiên thành công dành cho bệnh nhân được nhận viện phí từ Xa Diễm, là cô bé Từ Lê ở bệnh viện Hoa Tây. Sau phẫu thuật, Từ Lê mỉm cười với gương mặt trắng xanh, nói: "Xa Diễm, hay yên nghỉ, về sau này, bia mộ của chúng tôi cũng sẽ ghi thêm một dòng như nhau: "Tôi đã từng đến trong đời này, và tôi rất ngoan!"
 

Friday, August 26, 2011

ĐỜI MẸ

Truyện ngắn: HT. THANH NGA

(Được giải thưởng Truyện ngắn do nhà báo Ngụy Vũ và báo Việt Herald, tại Cali fornia tổ chức tháng 5-2011)

Vừa về đến nhà, buông cái giỏ, tôi rơi mình xuống đất, ôm mặt khóc òa lên, mẹ chậm chạp lê chân đến bên, hỏi:
- Lại....mất hết rồi hả con?
Tôi không trả lời, khẽ gật đầu. Sở dĩ mẹ hỏi như vậy, vì bà đã quen với cảnh này. Tôi đi buôn trà, cafê từ Đà Lạt về, chuyến nào qua trạm kiểm soát cũng bị "tuôn" hàng, không nhiều thì ít, nhưng chuyến này lại khác, tôi may mắn trót lọt hết. Xe đổ bến Lê hồng Phong, tôi đem hàng vào điểm mua quen thuộc, bán hết, hân hoan lên xe đò Liên Thành về, nhà tôi ở Dĩ An, Sông Bé.
Xe đông chật, không còn chiếc ghế nào trống, tôi len lỏi xuống phía dưới, ở đây chủ xe đã tháo mấy hàng ghế để có khoảng trống rộng, cho hành khách đứng được nhiều hơn. Kiếm một góc, tôi ngồi bệt xuống sàn xe, ôm chặt giỏ tiền vào người, lơ mơ ngủ gục vì quá mệt mỏi, căng thẳng suốt chặng đường dài.
Tôi đi chuyến xe đêm từ Đà Lạt về, kinh nghiệm đi buôn cho biết, về đêm ít bị mất hàng hơn. Ban đêm thuế vụ uể oải và dưới bóng tối lờ mờ, "hàng lậu" dấu kỹ, lẫn với hàng thường khó bị khám xét ra. Trà, cafê thuộc loại hàng "quốc cấm", nhà nước quản lý chặt chẽ, trạm kiểm soát tịch thu hết nếu tìm thấy, nhưng buôn các loại này lời rất nhiều. Tôi cố thức tỉnh cả đêm khi xe đang chạy, vì khi trạm đột xuất bất ngờ chận xe, nếu mê ngủ sẽ không kịp cột lại những chiếc áo giáp cafê vào người." Áo giáp" là miếng vải to. may những đường chỉ dọc thành từng múi, dồn cafê đầy chặt rồi cột vào hai bắp chân và bụng. Mặc "áo giáp" vào người rất nóng nực, bứt rứt, nên khi xe qua trạm chính rồi thì tháo ra cho dễ thở, vì thế rất dễ "gặp nạn" khi có trạm đột xuất, mà không kịp cột lại vào người.
Ngủ gục một lúc, chợt tỉnh, tôi thò tay thăm gói tiền trong giỏ, bỗng bàng hoàng chết điếng, gói tiền đã không còn. Lục lọi, lật tung cái giỏ lên, vẫn... không có, trên xe, bao cặp mắt thương hại nhìn. Tôi nuốt tiếng nấc vào lòng, chờ về nhà, khóc...Mẹ thở dài, ôm tôi vào lòng, ngập ngừng nói:
- Hay là con...bán nhà, lấy tiền đi buôn cho rộng vốn.
Tôi thảng thốt nhìn mẹ:
- Bán nhà...rồi mình ở đâu?
Mẹ chậm rãi, từng lời thốt ra khó khăn như bị nghẹn:
- Con đem ....các con về...bên chồng ở đi...
Tôi khóc to hơn:
- Còn má...ở đâu?
- Đừng lo cho má, má vào...nhà dưỡng lão ở cũng được.
Tôi nhìn mẹ, mắt lồi ra ngoài. Lời mẹ như những nhát kéo, cắt vụn trái tim tôi ra từng mảnh, buốt xé tâm can.
Tôi đau đớn tự nguyền rủa mình, sao tôi bất tài vô dụng đến thế, không biết làm sao để mẹ già và các con dược no đủ, sống quây quần với nhau cho qua ngày tháng.

Từ miền Bắc, mẹ để tất cả tài sản, của cải ở lại, ôm một khối châu báu duy nhất là tôi vào Nam. Từ thuở lọt lòng, tôi được nhiều người phục dịch như một công chúa, vào Nam, mẹ và tôi chỉ...có nhau, chúng tôi tứ cố vô thân.
Tôi không có cha và tuyệt nhiên không có một người thân thích nào. Nghe mẹ kể: ngày xưa vì yêu và lấy cha, mẹ bị gia đình giòng họ từ bỏ, đoạn tuyệt, vì cha đã có một đời vợ. Cuộc sống với cha rồi cũng ly tan, mẹ đã trả giá quá đắt cho một chuyện tình, cuối cùng chỉ còn lại mình tôi.
Vào Nam, mẹ dắt tôi đi lang bạt kỳ hồ, không ở một nơi chốn nào cố định, nay miền Nam mai miền Trung, mẹ đi theo sự điều phối của chủ, một công ty xuất nhập cảng. Khi cắp tôi đi theo, khi gởi lại một gia đình quen nào đó, hoặc cho tôi ở nội trú trong nhà dòng.Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, đời thăng trầm lúc thịnh lúc suy, mẹ bôn ba tất bật, tôi vẫn được cung phụng nuông chiều như một tiểu thư con nhà giàu, nhưng cũng có lúc cùng mẹ lang thang như "những kẻ khốn cùng".
Tôi còn nhớ thời gian mẹ gởi tôi ở nội trú dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, cuối tuần đón về một ngày, chiều chủ nhật lại đưa vào. Tôi nhớ mẹ đêm khóc rấm rứt, các dì phước phải dỗ dành mãi, từ lúc 2-3 giờ chiều thứ bẩy đã mong ngóng mẹ đến đón. Tôi ra cổng đứng ôm song sắt, căng to mắt, mong nhìn thấy bóng dáng mẹ từ rất xa, để được vui mừng sớm hơn vài phút.
Có một chiều thứ bảy mà cả đời tôi không quên. Hôm ấy trời mưa rả rích, không thể ra cổng đứng chờ mẹ, lòng bồn chồn, bứt rứt, trời đã sẩm tối, mẹ vẫn chưa đến...Tôi không chịu được nữa, ra sân đứng dầm mưa, ôm song sắt chờ mẹ. Cuối cùng, mẹ tôi cũng đến, lóp ngóp trong chiếc áo mưa mỏng manh. Tôi vui mừng quýnh quáng, chạy vội vào báo với dì phước rồi lao ra ôm lấy mẹ. Mẹ cũng ôm tôi hôn túi bụi, mặt tôi đầy nước, nước mưa và nước mắt. Tôi khóc vì quá vui mừng, tưởng trời mưa, mẹ không đến đón tôi về. Đêm nay, tôi lại được nằm trong lòng mẹ ấm áp, đưa tay rờ rẫm mặt mẹ, tôi ghiền rờ mặt mẹ, giống những đứa trẻ khác ghiền rờ..."tí". Mặt mẹ mềm mềm, nhão...., mẹ tôi đã bắt đầu già.

Ngoại ô trời sẩm tối, đã hết xe lam về Saigòn, mẹ cõng tôi dò dẫm từng bước trong đêm tối đen, thỉnh thoảng có lằn chớp xẹt xuống cho chút ánh sáng rồi tắt ngấm. Vừa đi, mẹ vừa ngoái cổ ra phía sau, hy vọng đón được chiếc xe hàng, xin "quá giang" về thành phố, như có lần mẹ con tôi đã từng đi như vậy. Sau lưng vẫn tối đen, không có chút ánh sáng đèn pha của xe. Mẹ mệt nhoài, đuối sức vì lạnh, cõng tôi tạt vào ngôi nhà ven đường còn chút ánh đèn hắt ra, xin tá túc qua đêm. Chủ nhà cho mẹ con tôi ngủ nhờ trên bộ ngựa gỗ gian ngoài, ngồi thu lu chờ mẹ giăng mùng, tôi định thần nhìn ra sân qua khe cửa khép hờ, bỗng thấy một cái...mả to lù nằm giữa sân. Tôi khiếp đảm quấn chặt lấy mẹ, cả đêm không dám thở mạnh, sợ bị...nắm chân kéo ra ngoài.

Có lần đón tôi tan học về, một tay mẹ xách cặp, một tay dắt tôi, hai mẹ con tung tăng vui vẻ. Tay mẹ vung vẩy thế nào mà va chiếc cặp vào cái tủ kính của một chị bán hàng rong, chị này tru chéo bắt đền, mẹ bằng lòng nhưng chỉ đền một nửa, vì đã kịp nhìn thấy kính bị nứt ngang, được gắn lại bằng miếng băng keo, mẹ va nhẹ vào đã vỡ tan. Chị ta không chịu, lời qua tiếng lại gây xô xát, ẩu đả, những người bán hàng quanh đó nhảy vô bênh nhau. Mẹ cũng không vừa, tả xung, hữu đột, tôi sợ hãi, can ngăn mãi không được...bỗng rú lên.
- Má ơi! người ta đánh...gãy tay con rồi. Mẹ lập tức quay lại ôm lấy tôi, mặc những người đánh hôi, vớt vát đánh thêm vài cái nữa lên lưng, mẹ chỉ lo xem xét coi tôi bị đau chỗ nào.
Tôi vào Nam từ khi còn rất nhỏ, nên quen gọi mẹ bằng "má" như người trong Nam.

Đôi khi tôi thấy mẹ ngồi thờ thẫn, trầm lặng. Mẹ rơi vào cõi riêng quá khứ, mẹ đang nhớ cha mẹ, anh em...? Quanh đời mẹ là lớp sương mù bí ẩn, những lời mẹ kể cho tôi nghe về gia đình, thân thế rất mơ hồ, trìu tượng, khó tin và khó hiểu. Mẹ lẻ loi, cô quạnh cả đời, không có một người thân để chia xẻ nỗi niềm, để an ủi, giúp đỡ khi sa cơ, lỡ vận, chỉ có một đứa con ngốc là tôi, luôn làm mẹ âu lo, phiền muộn.

Có lẽ vì quá được nuông chiều, tôi trở nên hư thân, ngang bướng, không bao giờ biết vâng lời mẹ. Ngày tôi lập gia đình, mẹ không chấp nhận chồng tôi, vì sự khác biệt tôn giáo và anh không biết cư xử theo khuôn phép mực thước nề nếp. Ngược lại, gia đình anh cũng vậy, họ không thích tôi vì kỳ thị Nam Bắc, cuối cùng, chúng tôi vẫn lấy nhau mà không có đám cưới. Mẹ ê chề, xấu hổ với những người quen biết, đau khổ, buồn bã vì thương tôi, đời con gái một lần lấy chồng, không được rỡ ràng, hạnh phúc. Mẹ chỉ có một con gái rượu là tôi, nhưng chén rượu mừng ngày con thành gia thất, mẹ không được uống.
Tôi lấy chồng, đương nhiên mẹ vẫn ở với tôi, từ đó sinh ra nhiều điều phiền muộn. Tôi là viên ngọc trên tay mẹ, trước giờ không phải làm việc lớn nhỏ gì trong nhà, nay phải lo cơm nước, giặt giũ, ủi là quần áo cho chồng, chăm sóc con một mình. Mẹ xót tôi, lao vào làm giúp. Mẹ đã già, sức yếu, thêm chứng đau nhức khớp xương, làm chân mẹ đi khập khiễng. Bệnh tật khiến mẹ bẳn tính, hay la mắng tôi cái tội làm...mọi cho chồng. Mẹ giận cũng phải, vì anh không bao giờ giúp tôi chút việc nhà. Đi làm về, ngồi gác chân xem Tivi, chờ cơm dọn lên. Quần áo lúc nào cũng phải là ủi thẳng tắp, mặc cho tôi xoay sở với cả núi công việc nhà và đám con nhỏ. Nhiều khi khó chịu quá mẹ bỏ đi, nhưng chỉ được vài ngày lại quay về vì nhớ con, nhớ cháu.
Sau ngày "giải phóng", chồng đi "học tập", tôi ở nhà không biết xoay sở thế nào để nuôi mẹ và ba đứacon. Ngày trước tuy vất vả việc nội trợ, nhưng không phải lo toan cơm áo. Bây giờ xã hội thay đổi, lại không có nghề để mưu sinh, tôi như con chim, được nuôi nấng ấp ủ trong lồng son, giờ bay ra trời cao, đất rộng, không biết phương hướng và cách kiếm tìm mồi.

Tôi để con cho mẹ trông coi, chăm sóc, tập tành đi buôn đường xa, mỗi chuyến vài ngày mới về. Mẹ ở nhà vô cùng vất vả với đám cháu nghịch ngợm, phá phách. Ngày ấy có dịch ghẻ, đám con tôi bị ghẻ từ đầu đến chân, đầu cạo trọc lóc như chú tiểu, tay sưng phồng như nải chuối sứ. Mẹ chống gậy, khập khiễng đi hái lá ổi, lá chanh, lá xả...về nấu nước tắm cho cháu. Chân mẹ ngày càng đau nhiều vì không có thuốc uống, lại rất cực nhọc vì đám con tôi như với tôi ngày nào. Tôi đi buôn chuyến lời, chuyến lỗ, mẹ và các con tôi bữa đói bữa no.
Mẹ càng ngày càng héo gầy vì nhường cơm cho cháu, không còn hình ảnh mẹ tôi mập mạp, phúc hậu ngày xưa. Tôi thương mẹ quặn thắt ruột gan, ân hận vì những lần phiền muộn, lo âu rồi gắt gỏng với mẹ.

Lần này tôi bị móc túi, mất hết những đồng tiền sinh tử của cả nhà. Khi đưa ra ý này,chắc mẹ đau lòng lắm.Tôi không thể để mẹ đi ở "nhà dưỡng lão", cô đơn lạnh lẽo lúc cuối đời, nhưng tôi thắt ruột gởi hai thằng con trai về bên chồng nhờ nuôi dưỡng, để chúng được no lòng ngày hai bữa. Mẹ tôi thương cháu đứt ruột, phải gạt nước mắt để chúng đi. Thằng con đầu lòng của tôi cũng là hòn ngọc trên tay mẹ, bà nuông chiều yêu quí nó như đối với tôi ngày xưa.
Hai thằng đi rồi, mẹ dồn hết tình thương cho cháu gái ở nhà, nhưng lúc nào mẹ cũng buồn bã, thờ thẫn, đôi mắt đục mờ nhìn xa xăm. Mẹ như ngọn đèn đã cạn hết dầu. Cả đời mẹ lo cho tôi ăn sung mặc sướng, hưởng thụ mức sống đầy đủ, thượng lưu, nhưng đến cuối đời, tôi không thể lo cho mẹ ấm lòng ngày hai bữa cơm đam bạc, nói chi đến bồi bổ thuốc men, tôi thật vô dụng.
Ngày mẹ nhắm mắt lìa đời, may nhờ có xóm giềng tốt bụng, giúp tôi đưa tiễn, chôn cất mẹ được tươm tất, nhưng tôivẫn ân hận, ray rứt một điều là không thể đón hai đứa con về chịu tang, cho chúng nhìn mặt bà ngoại lần cuối, để mẹ được an ủi, mãn nguyện, lúc lìa trần có con cháu vây quanh.
Đã 30 năm trôi qua, tôi chưa hề nguôi nhớ mẹ và tin rằng, mẹ ở trên trời vẫn dõi mắt theo tôi. Bây giờ tôi đã khá hơn ngày trước rất nhiều, nhưng không còn mẹ để phụng dưỡng.
-Má ơi! Nếu kiếp sau lại được làm con của má, con sẽ là đứa con rất hiếu thảo, nguyện suốt đời bên má, phụng dưỡng chăm lo, đền đáp bội phần công ơn Má kiếp này cho con. Má ơi! Con sẽ hoài thương nhớ má đến suốt đời.

H.T. THANH NGA
GA, Nov. 2010

MẸ TÔI, NGƯỜI MẸ TỐT NHẤT THẾ GIAN

Lý Diệm Hà

Ngày 5/9/1997, ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở khoa Toán trường Đại học Bắc Kinh. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những sợi mì này có được do mẹ đã đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ nhận đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.
Bưng bát mì, mắt tôi trào lệ. Buông đũa, tôi quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân mẹ sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao, tôi chẳng biết nói gì… Nhà tôi vô cùng nghèo khó ở làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, thành phố Thiên Tân.
Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, các món nợ nần trong nhà lớn dần theo thời gian, năm tháng. Khi bảy tuổi, tôi được đi học, mẹ lại phải đi vay mượn rất nhiều để trang trải học phí cho tôi. Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì đã bị bỏ đi, còn ngắn tũn. Tôi phải dùng dây buộc nó cũng một cái que làm cán để viết. Lại còn dùng một cái dây chun thay tẩy để xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó. Mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc nuốt nước mắt đi vay vài hào bên hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi. Nhưng mẹ luôn vui vẻ vì bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Được mẹ khích lệ, tôi càng học càng ham và thực sự không hiểu trên cuộc đời này còn gì vui sướng hơn là học. Tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm từ trước khi vào tiểu học. Vào tiểu học, tôi bắt đầu tự học chương trình toán lý hoá của bậc trung học thổ thông; Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu. Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.
Nhưng thật buồn, khi tôi báo tin vui, nét mặt bố mẹ tôi vẫn không hết những nét khổ đau. Bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang cận kề thế giới bên kia, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười ngàn Nhân dân tệ. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt chan hòa suốt cả ngày. Đến tối, tôi nghe thấy nhà ngoài có tiếng cãi cọ. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng bố tôi không chịu. Ồn ào làm ông nội tôi nghe thấy. Bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời. Sau lễ tang ông nội, gia đình tôi lại mắc thêm vài ngàn tệ nợ nần.
Không dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất tờ “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào trong gối, hàng ngày ra đồng làm việc cùng mẹ. Sau hai hôm, tôi và bố cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi. Bố sắt mặt lại, hỏi mẹ: “Bà bán con lừa con rồi sao? Bà bị dở hơi không? Sau này lấy gì kéo xe? Lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?”. Hôm đó mẹ đã gào khóc, dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để át lại bố: “Con mình đòi đi học thì có gì sai? Nó là đứa duy nhất huyện này thi lên được trường số 1 của thành phố, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho con tôi đi học…”
Tôi thật sự muốn quỳ dập đầu trước mẹ. Mẹ đưa tôi 600 tệ bán lừa. Tôi được học, mà còn học tiếp, thì mẹ ơi, mẹ sẽ khổ sở biết bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu nữa vì con?
Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy bố tôi gầy guộc, da vàng bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ lặng lẽ bảo tôi: “Sơ sơ thôi, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Tình cờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của bố, thì nhận ra đó là thuốc ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Tôi khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào. Mẹ nói, từ sau khi tôi đi học, bố bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa bố lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là ung thư đường ruột. Bác sĩ yêu cầu bố phải mổ gấp. Mẹ đang định đi vay tiền tiếp, nhưng bố kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa! Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp thủ công và vất vả nhất trên đời để gặt lúa mạch. Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to… Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối còn chảy máu vì quỳ, bước đi cà nhắc… Thương mẹ khôn xiết, tôi vừa khóc vừa chạy về nhà, gọi mẹ:
“Mẹ ơi mẹ, con không đi học nữa đâu…”. Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường. Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ có 60 đến 80 tệ (khoảng 150.000 VND), thật thảm hại khi so với những người bạn học đồng niên, mỗi tháng họ có tới 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng cắc. Có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm dăm ba chục. Mà bố tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa. Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì ăn liền với giá bán buôn. Rồi cứ cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ 6km tới một xưởng in ngoài thị trấn để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. Cắt tóc nam ở Thiên Tân rẻ nhất cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn. Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi. Chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra. Chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa...) để thay xà phòng. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào. Tôi yêu mẹ tôi biết nhường nào. Lúc mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi hoa mắt, nhức đầu vì chẳng hiểu gì. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, mẹ chỉ cười hiền lành bảo: “Mẹ vẫn biết con là đứa trẻ khổ cực nhất, nhưng mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa con trai ạ.”
Mẹ ơi, con sẽ thành công
Tôi có tật nói lắp, người ta bảo học tiếng Anh cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường lấy một hòn sỏi ngậm vào miệng, rồi luyện tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng kiên trì. Nửa năm qua đi, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn, lưỡi tôi cũng đã mềm hơn, tiếng Anh của tôi đứng thứ 3 trong lớp. Tôi vô cùng biết ơn mẹ, lời mẹ đã động viên tôi vượt qua khó khăn trong học tập. Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic Vật lý toàn Trung Hoa. Đoạt Cup rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới. Tôi không ngăn được khát khao của mình, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi. Nhưng chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, bỏ ăn. Dù đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng. Về trường, tôi ngồi nghe các thầy phân tích nguyên nhân thất bại, nguyên nhân là: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Tôi tham lam quá chăng!?
Nếu tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định thắng. Tôi hiểu ra điều đó. Tháng 1/1997, cuối cùng tôi đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia. Cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Nộp xong phí báo danh, tôi gói ghém sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ, sẵn sáng lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và cũng là thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo cũ của người khác cho, những thứ áo quần lộ cộ màu sắc, kích cỡ lủng củng, liền mở tủ áo của tôi, chỉ vào những áo những quần lùng nhùn vá víu và hỏi: “Quần áo của con thế này đây ư, Kim Bằng?”
Tôi đáp: “Thầy ơi, con không sợ người khác cười con nghèo đâu! Mẹ con vẫn bảo "phúc hữu thi thư khí tự hoa" (có nghĩa là, trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa), con mặc những thứ này gặp tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng chẳng thấy ngượng.”
Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần 38 khai mạc. Chúng tôi thi liên tục trong năm tiếng rưỡi đồng hồ, từ 8h30 phút sáng tới 14h00 chiều. Trong buổi công bố kết quả vào hôm sau, đầu tiên tôi không muốn nghe thấy tên mình được công bố ở vị trí Huy chương Đồng; Sau đó đến lượt công bố Huy chương Bạc, không phải tôi. Cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên và thứ hai không phải tôi, người thứ ba - tên tôi được đọc dõng dạc. Tôi khóc lên vì vui sướng, tôi tự nhủ: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”
Ngay chiều hôm đó, Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học. Ngày 1/8, chúng tôi trở về trong vinh quang. Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức lễ đón thật long trọng.
Lúc đó, tôi rất muốn về nhà, muốn sớm được gặp mẹ, muốn được chính tay đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ. Mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã băng đêm về nhà. Người mở cửa là bố, nhưng người ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ.
Dưới bầu trời đầy sao, mẹ đã ôm tôi rất chặt! Ôi mẹ của con mới vĩ đại làm sao, thân thương biết nhường nào!
Lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, tôi khóc nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Ngày 12/8, trường Trung học số 1 của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng các quan chức ngành giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này: “Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình dị, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã nâng bước tôi suốt cả cuộc đời.
Tôi bỗng nhớ...
Năm lớp 10, tôi muốn mua cuốn “Đại từ điển Anh-Trung” để học tiếng Anh, không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi. Sau bữa cơm sáng, mẹ mượn một chiếc xe cút kít, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn 40km để bán. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ. Lúc đó, đói cồn cào, chỉ mong có ai mua cho hết rau. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ. Có tiền, tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo mua sách trước, đó mới là mục đích chính. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 8,25 tệ, mua sách rồi còn 11,75 tệ. Mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ còn lại mẹ bảo cất đi để làm học phí. Ăn hết hai cái bánh bột nướng, đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mày chóng mặt. Ôi chao, lúc này tôi mới nhớ ra đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa. Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ bảo: “…Mẹ ít học, nhưng mẹ nhớ thuở ấu thơ được thầy giáo dạy cho một câu nói của Gorki: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh... chắc chắn con sẽ đỗ".
Khi nói, mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn xa xăm ra con đường đất ngoài kia, như thể con đường ấy dẫn tới tận Thiên Tân, tới Bắc Kinh. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng không thấy đói nữa, chân cũng bớt chồn hơn… Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của cả đời tôi”.
Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt ướt đẫm. Tôi quay người về phía mẹ tôi tóc đã bạc nhiều, cúi người kính cẩn trước người mẹ vĩ đại của tôi, người thày giáo giỏi nhất cuộc đời tôi.
Cám ơn mẹ!

KHÔNG AI TỐT BẰNG MẸ

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ.
Mây trời lồ ng lộng không phủ kín công Cha.
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân Cha che chở đời con.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không

Mẹ hiền hai chữ thiêng liêng
Viết lên trang giấy nối liền chúng ta
Bạn, tôi tất cả một nhà
Đều chung một Mẹ gọi là Âu Cơ
Thương người thương cả trong mơ
Nhớ người nhớ cả từ thơ ấu kia
Dẫu cho con phải chia lìa
Luôn giành cho Mẹ mọi bề yêu thương
Trăm năm tình vẫn còn vương
Làm sao đền đáp công ơn Mẹ hiền?

NGOẠI TÌNH

Câu “Hôn nhân là những giây phút cuối cùng của tình yêu và những giây phút đầu tiên của trách nhiệm” của anh cứ vẩn vơ trong đầu tôi suốt cả tuần trăng mật. Chồng tôi và tôi đều thấy câu này hay hay khi mở món quà cưới của anh. Chồng tôi thu vào băng đĩa cho bà con bạn bè xem. Đọc thì hiểu như thế đấy nhưng tôi vẫn không đồng ý với anh lễ kết hôn là sự kết thúc của tình yêu. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy cái đắm đuối mê muội, cái nhớ nhung mong đợi, cái âu lo hụt hẫng và cái thiếu thốn vô cùng tận của khát khao vân vân và vân vân của tôi và chồng tôi sau đám cưới cho anh thấy.

Tôi đi làm việc trở lại và gặp anh. Từ lâu tôi biết anh suy nghĩ rất chính chắn và sâu sắc. Điều gì anh nói chưa biết có hợp lí hay không nhưng chỉ nghe lời lẽ chững chạc và văn hoa của anh là đã thấy hay rồi.
- Em rất thích câu đó của anh nhưng phải giải thích như thế nào chứ chỉ đơn giản như thế thì em không đồng ý.
- Em hiểu như thế nào thì nó sẽ là như thế ấy.
- Là sao?
Tôi phát tức vì cái lặng thinh của anh và thế là tôi phải suy nghĩ để xem ý của câu này có đúng như những gì mà anh thường nói với tôi không. Anh thường nói với tôi rằng: Hôn nhân là một khế ước của cái tôi. Khi tuyên bố hôn nhân là cái tôi khẳng định cái mà mình được sở hữu. Có nghĩa là khẳng định chồng tôi là của tôi và tôi là của chồng tôi. Sự khẳng định này như là một sự ràng buộc bất di bất dịch của cái tôi. Và loài người kì lạ lắm. Khi chưa được sở hữu thì tìm mọi cách để chiếm hữu. Nhưng khi được sở hữu rồi thì không còn biết quí trọng và giữ gìn nữa. Tôi nói những điều tôi nghĩ với anh. Anh nói:
- Em thông minh đấy!
- Anh cho rằng khi cứ ao ước muốn được chiếm hữu, cứ lo sợ không thuộc về mình thì chính lúc đó mới là tình yêu chứ gì?
Anh gật đầu. Tôi nói tiếp:
- Nhưng đó là quan điểm của anh. Còn em thì không như thế. Em thấy trong em càng ngày càng mê chồng em hơn!
- Thế thì tốt! Và ai cũng như em hết thì thế gian này không còn ai ngoại tình nữa!
Tôi cong môi tỏ vẻ bất đồng quan điểm với anh. Tôi biết tôi tranh luận không lại anh nhưng lúc nào cuối cùng anh cũng nhường nhịn để cho tôi thắng. Thế nên, lần này tôi muốn ngưng tranh luận ngay câu hạ nốc ao của anh. Bởi tôi bỗng dưng cảm thấy anh bị thiệt thòi một điều gì đó về tôi. Tôi chuyển ý:
- Em ghét nhất người phụ nữ ngoại tình! Phụ nữ mà ngoại tình là lẳng lơ vô trách nhiệm, phản bội và xúc phạm chồng mình.
- Em ghét đến thế cơ à?
- Em ghét từ nhỏ!
Tôi tiếp tục công kích nguyền rủa trong lúc anh chỉ lắng nghe chia sẻ nỗi bức xúc về chuyện phụ nữ ngoại tình của một người mới kết hôn đang đầy tràn hạnh phúc như tôi.
Một năm sau tôi sinh con gái đầu lòng và cũng là lúc chồng tôi được thăng chức trưởng phòng. Mọi người trong cơ quan chúc mừng tôi hạnh phúc nhưng chẳng hiểu vì sao lòng tôi bỗng tràn dâng một nỗi buồn. Nỗi buồn bắt nguồn từ khi tôi có bầu được vài tháng. Tôi bị hành hạ bởi thai nghén thế mà chồng tôi cũng chẳng hay biết gì. Quan tâm lớn nhất của chồng tôi lúc bấy giờ là cái chức trưởng phòng này.
Đến tối, khi chồng tôi vừa về tới nhà, tôi nói:
- Cơ quan em gởi lời chúc mừng anh được lên chức trưởng phòng!
Chồng tôi gật đầu tự mãn và lấy một cục tiền trong cặp mở két bỏ vào.
- Ủa! Anh nhớ là anh bỏ trong két ba cọc tiền bằng nhau mà sao cọc này ít hơn?
- Vậy chứ ai lấy?
Tôi bực bội. Chồng tôi lúc nào cũng giọng điệu ấy. Ổng đâu có biết có những buổi sáng tôi phải nhịn đói đi làm vì sợ cọc tiền bị vơi.
- Anh nói thế thôi chứ em muốn tiêu xài gì thì cứ lấy. Anh chỉ muốn dành dụm thật nhiều để lo cho hai mẹ con em chứ lo cho ai!
Tôi lặng thinh bởi tôi biết chồng tôi nói thì hay lắm nhưng bản chất lại khác. Ổng quý trọng tiền bạc hơn tình cảm. Có lần bị đụng xe, tôi nằm ngã sõng soài giữa đường ê ẩm cả bào thai. Nhiều người đi đường hoảng hốt đến đỡ tôi dậy. Tôi nhìn lại thì thấy chồng tôi đang xót xa bức rứt vì chiếc xe đời mới của ổng bị trầy xước. Thú thật những lúc như thế thì tôi chỉ biết lên cơ quan để tâm sự với anh. Bởi vì tôi biết anh quan tâm và chia sẻ với tôi.
Chồng tôi dẫn về nhà một số bạn bè và các cô gái trẻ biểu tôi đãi khách. Tôi thực sự đuối sức vì phải lo nấu nướng dọn dẹp. Thế mà đến khi lên mâm chiếu chồng tôi cũng chẳng mời tôi một tiếng. Xem như tôi là không xứng ngồi ngang hàng với các cô gái trẻ kia. Đã thế, chồng tôi còn tỏ ra tính gia trưởng quát tháo tôi trước mặt bạn bè. Tôi quá uất ức liền lẻn ra ngõ sau và chạy đến với anh. Tôi biết anh thuê nhà và ở một mình nên khi cửa vừa mở là tôi xà vào lòng anh và bật khóc. Bỗng nhiên lúc ấy trong tôi dâng lên một nỗi hằn học muốn trả thù chồng tôi xen lẫn cả nỗi hụt hẫng và khao khát muốn được che chở đùm bọc. Và..tôi ghì anh vào môi tôi. Tôi hôn anh một cách đắm đuối khiến anh cũng ngỡ ngàng. Thú thật, chẳng hiểu sao, nụ hôn làm cho tôi có cảm giác quá sức hưng phấn. Tôi đắm đuối da thịt, mê muội tơ tóc. Thân thể tôi run bần bật. Chẳng hiểu vì sao? Tôi đâu còn trong trắng gì! Nhưng có lẽ là cái cảm giác hoảng sợ của một kẻ vượt rào lễ giáo đạo đức, giẫm lên thuần phong mỹ tục, xúc phạm chồng mình và vi phạm lời thề nguyện kết hôn; một sự liều lĩnh vượt qua lòng tự trọng ngoài sức tưởng tượng. Nhưng chẳng lẽ cái cảm giác ngoại tình lại mãnh liệt và thích thú như vậy sao? Hay là cái cảm giác cọ xát vào một thân thể khác lạ với thân thể của chồng mình? Tay chân tôi bủn rủn ngã quị vào người anh. Anh vội đỡ tôi dậy nhưng không còn kịp nữa nên cũng bị ngã theo xuống nền nhà. Và anh cũng không thể kềm chế được. Thế là tôi và anh đắm đuối mây mưa.
Tôi không hiểu nổi tôi bây giờ tại sao lại như thế. Trước đây có bao giờ tôi nghĩ tôi yêu anh hơn tất cả mọi thứ trên đời đâu. Tôi chăn gối với hai người đàn ông nhưng với anh thì da thịt tôi bừng bừng khoái cảm còn với chồng tôi thì thật là khó chịu; Và tôi phải nghĩ đến anh, tưởng tượng chồng tôi là anh thì mới được. Hay là khi yêu người ta chỉ thấy cường độ tình yêu lúc ấy mà thôi? Tôi chẳng lý giải nổi nhưng bây giờ tôi thấy anh là tất cả và tôi có thể vượt qua tất cả để được bên anh.
Một hôm tôi thử lòng anh:
- Chồng em đêm qua nhậu nhẹt về “quậy” em dữ quá!
Tôi nghĩ anh sẽ sa sầm nét mặt. Nhưng không, anh chỉ lặng thinh và gật đầu.
- Bộ anh không ghen sao?
- Làm sao anh ghen được! Em đâu phải là của anh!
“Đúng vậy! Em đâu phải là của anh. Nhưng chính em lúc nào cũng muốn em là của anh nên em yêu anh.” Tôi nghĩ vậy. Anh chẳng bao giờ ràng buộc tôi một điều gì; Chẳng bao giờ nói tôi phải thế này thế nọ như chồng tôi; Chẳng bao giờ trách móc hoặc gắn trách nhiệm gì cho tôi. Anh cũng chẳng bao giờ biểu tôi phải li dị chồng.
- Vậy mình sẽ tổ chức cưới. Em sẽ li dị chồng!
- Chuyện gì đến tất phải đến! Anh cũng mong mình nên sống sao cho đừng bất chấp tất cả như thế này.
- Để em! – Tôi quyết tâm – Em sẽ tìm cách cho ổng chán em mà li dị.
Suốt thời gian tôi yêu anh đến nay đã 6 tháng mà chồng tôi cũng chẳng hay biết gì. Tuy vậy, tôi luôn mặc cảm mình là người tội lỗi. Một nguời đàn bà mất tư cách đạo đức, lừa dối chồng con và vô trách nhiệm. Còn đói với anh, tôi cũng là người có lỗi. Anh đang thanh thản như thế mà tôi đã cuốn anh vào vòng xoáy tình cảm phức tạp bế tắc của tôi để đến bây giờ anh cũng yêu tôi say đắm mà trong lòng thì lúc nào cũng như đang lo lắng mọi việc sẽ vỡ tung toàn những điều không tốt đẹp trong một ngày.
Vừa về tới nhà nghe hàng xóm nói chồng tôi mới đưa con tôi đến bệnh viện. Tôi hoảng hốt chẳng hiểu con tôi bệnh gì mà khẩn cấp như vậy. Sau khi điện thoại cho chồng tôi xem con bị gì và đang ở bệnh viện nào, tôi liền phóng xe đi. Tôi không thể cầm được nước mắt khi biết con tôi ngất xỉu vì bị suy dinh dưỡng. Tôi nguyền rủa tôi vô trách nhiệm trong thời gian qua. Bỗng nhiên tôi đổ tội và căm tức cái tình yêu của tôi đang có.
Ngồi bên giường bệnh, con tôi hé mắt nhìn tôi mỉm cười một cách ngây thơ hiền lành rồi nói:
- Mẹ.. mẹ đừng bỏ con nghe mẹ!
Tim tôi như nhói đau. Lòng tôi quặn thắt. Chẳng hiểu sao con tôi lại nói như thế. Hay nó đã linh cảm ra điều gì? Cả người tôi toát mồ hôi hột. Tôi đúng là một người mẹ bất nhẫn đáng nguyền rủa. Mới mấy tháng tôi không để tâm đến nó mà đã như thế. Con tôi sẽ ra sao khi tôi và chồng tôi li dị. Tại sao phải để con gái tôi phải khổ lụy vì cái thứ tình nổi loạn của tôi. Chỉ nghĩ đến con gái tôi lớn lên trong thiếu thốn tình yêu thương, thiếu sự chăm sóc dạy dỗ, thiếu cả sự chở che của cha mẹ thì tôi bật khóc. Tôi khóc cho cái bản chất ích kỷ chỉ lo sống cho riêng mình của tôi. Tôi khóc cho chồng tôi đã quá vô tâm chẳng hay biết gì ngay cả chuyện tôi đã ngoại tình trong suốt một thời gian dài. Tôi mân mê bàn tay nhỏ xíu của con gái tôi và thủ thỉ vào tai nó: “ Mẹ xin lỗi con! Mẹ đáng bị trừng phạt cả triệu lần…”
Chồng tôi vào thấy tôi khóc thì nói:
- Thôi em nên xin nghỉ việc để chăm sóc cho con. Lương em chẳng bao nhiêu mà thêm mệt. Lương lẹo của anh cũng dư sức cho mẹ con em thoải mái.
Tôi bỗng cảm nhận giữa tôi và chồng tôi có một mối lo chung. Một trách nhiệm gắn kết để lấp đầy tình yêu thương và dạy dỗ con gái của chúng tôi đến ngày khôn lớn.
Tôi đến cơ quan nộp hai lá đơn. Một đơn xin nghỉ phép hai tuần và một đơn sau khi hết phép thì xin nghỉ việc luôn. Ra khỏi cơ quan, tôi liền chạy xe đến nhà anh trong tâm trạng hụt hẫng xót xa. Tôi biết giờ này anh không khóa chốt cửa để chờ tôi.
Tôi lén lút và rón rén mở cửa như mọi lần để vào. Đó là tâm trạng của một kẻ ngọai tình nhưng chẳng hiểu sao nó làm cho tôi say đắm như một người ăn vụng thì ngon. Anh đang ngủ. Tôi ngắm nhìn nét mặt bình thản của anh mà thấy tội nghiệp. Anh cứ tưởng tôi đến là sẽ cuốn chặt vào anh và làm cuộc may mưa. Tôi để lá thư chia tay trên bàn rồi bỗng dưng hai hàng nước mắt tuôn trào. Tôi bụm miệng lại sợ tuôn ra tiếng thổn thức. Tôi gieo cho anh một trái tim nồng ấm rồi cũng chính tôi bóp nát trái tim anh. Anh đã quá sống thật với lòng mình để tôi cuốn hút vào một cuộc tình nghiệt ngã bế tắt. Thế mà anh vẫn thanh thản một cách can đảm chờ đợi ngày bị trừng phạt do chính tôi là kẻ đóng đinh. Tôi biết bây giờ anh yêu tôi nhiều hơn tôi tưởng trước đây nên khi anh thức dậy đọc thư thì sẽ rất ngạc nhiên và đau đớn. Ước gì xưa kia trời đất cho tôi gặp anh trước chồng tôi. Và ước gì trước đây chồng tôi phát hiện ra tôi ngoại tình thì tốt quá. Mọi chuyện sẽ an bài. Có khi bây giờ tôi và anh đã sống chung với nhau rồi.
Tôi phóng xe về nhà và chạy ập vào phòng, buông mình úp mặt vào gối, khóc. Chồng tôi mở cửa phòng thấy mặt mày tôi như thế, hỏi:
- Sao thế?
- …
- Sao thế?
- Bệnh!
- Đi mua thuốc mà uống!
Nói xong, chồng tôi dắt xe đi khiến cho mắt môi tôi nhòa nhợm cay đắng, tim gan tôi quặn thắt hơn. Tôi khóc nghẹn từng cơn, từng cơn…




VỀ VỚI MẸ

Truyện ngắn của Trọng Bảo
       Sen về đến ngã ba lối rẽ vào làng thì trời lại đổ mưa. Đã qua tiết lập Thu mà năm nay sao vẫn còn mưa nhiều đến thế. Cánh đồng làng trắng băng những nước. Những chân ruộng ngô đang trổ cờ cứ lút chìm dần. Những chùm hoa ngô mong manh cố thò lên khỏi mặt nước như những bàn tay trẻ con đang vẫy vẫy, chới với.
       Có một giọt nước mưa rơi vào cổ áo lành lạnh khiến Sen hơi rùng mình.
             Về với mẹ
       
Sen tần ngần vén ống quần săn cao. Con đường vào làng ngập chìm trong nước nhưng vẫn có thể lội được. Hai bắp chân trắng ngần của Sen ngập ngừng lội xuống dòng nước đục nhờ nhờ màu bùn đất. Sen bì bõm lội ra đến gần chỗ gốc đa giữa cánh đồng thì nghe tiếng gọi:
       - Sen hả! Đứng lại đừng lội nữa, có rãnh mới sẻ giữa đường đấy.
Sen khựng lại. Từ phía ruộng ngô chưa ngập hết một chiếc thuyền nan nhỏ lao về phía Sen. Sen che tay nhướng mắt nhìn. Cô nhận ra anh Sánh, người cùng thôn ở cạnh nhà mình. Sánh hơn Sen vài tuổi. Lúc còn nhỏ ở làng, Sen hay theo anh Sánh đi thả bò, hái sim trên đồi. Khi rời làng lên thành phố với bố, mỗi lần về làng, Sen vẫn gặp anh. Anh Sánh học hết phổ thông thì đi nghĩa vụ quân sự. Mấy năm rồi không gặp, bây giờ anh có vẻ to cao, chững chạc hơn trước.
Sánh cắm cây sào giữ cho thuyền khỏi chòng chành. Anh bảo:
- Sen lên thuyền đi!
Sen trèo lên thuyền. Cô hỏi:
- Anh Sánh đi thả lưới hả?
- Ừ! Mà cũng thăm ruộng ngô. Ngập hết cả rồi. Hai ba hôm mà nước chưa rút là hỏng hết. Sao trời đang mưa to, ngập lụt thế mà Sen lại về thăm quê làm gì?
- Em về hẳn đấy...
Sánh ngạc nhiên:
- Nghe tin Sen đã đỗ vào đại học rồi cơ mà?
- Vâng! Em về quê sau đó sẽ lên thẳng ký túc ở...
- Sao thế! Nhà cô chú trên ấy có chuyện gì à?
- Chuyện dài lắm, anh cho em về nhà đi. À mà nhà em có bị ngập không?
- Nhà Sen ở trên gò cao ngập thế nào được. Có điều là lâu không có người ở ẩm mốc lắm. Hôm qua anh vừa qua quét tước lại...
- Em cám ơn anh vẫn coi nhà giúp em...
Sánh chống sào đẩy chiếc thuyền nhỏ tránh hàng cây phi lao ra giữa cánh đồng đang ngập trắng nước cắt thẳng về làng. Tiếng nước sàn sạt xiết vào mạn thuyền. Đến giữa cánh đồng, đột ngột Sen bảo anh Sánh dừng lại. Đôi mắt Sen mở to bần thần. Nước mắt Sen chợt ứa ra. Sánh chợt hiểu. Đây là nơi mẹ Sen đã quyết chịu chết để cứu con gái. Chuyện ấy xảy ra đã hơn mười năm rồi. Hôm nay Sánh vô tình lại chống thuyền đưa Sen qua chính cái nơi cô phải chịu nỗi đau mất mẹ ấy. Anh bối rối, mãi mới nói được một câu:
- Mình về thôi Sen! Hôm nào nước rút, anh sẽ đưa em đi thăm mộ mẹ...
Sen ngoái nhìn ra hướng nghĩa địa của làng. Nước cũng đã ngập hết chỉ có vài ngôi mộ xây cao là còn lấp ló. Sen thầm kêu: "Mẹ ơi! Sao mẹ khổ thế! Mẹ nằm dưới nước có lạnh không?".
*
Sen không bao giờ quên được hôm ấy. Hai mẹ con đang chống thuyền đi vớt lờ, gỡ lưới thì trời đột ngột nổi cơn giông. Một trận lốc bất ngờ làm con thuyền nhỏ của hai mẹ con xoay tròn như một chiếc lá tre trên mặt nước rồi lật úp.
Sen đang ngồi ở đầu mũi thuyền bắn văng xuống nước trước khi con thuyền chìm hẳn. Mẹ hốt hoảng ngoi lên vừa kêu cứu vừa gọi con: "Sen ơi... con ơi..." - Tiếng mẹ chìm trong tiếng gió, tiếng sóng ào ào.
Không ai có thể nghe được tiếng kêu cứu của mẹ. Đang buổi trưa dân làng đang quây quần quanh mâm cơm. Trên cánh đồng ngập nước chỉ còn có hai mẹ con Sen đang bì bõm chống thuyền đi gỡ lưới. Mẹ lặn xuống nước tìm con gái. Sen bị uống mấy ngùm nước nhưng vẫn cố dẫy giụa, ngoi lên. Mẹ quờ được chân con gái. Mẹ cố đẩy Sen chồi lên khỏi mặt nước.
Mẹ cố vừa bơi vừa dìu con gái. Sen bám chặt lấy cổ mẹ. Nhưng đồng nước mênh mông, nước lặng không chảy như ngoài sông nên càng bơi càng kiệt sức. Từ giữa cánh đồng vào làng hàng trăm mét. Hôm qua mẹ lại ốm nên càng nhanh kiệt sức. Tuy còn bé nhưng Sen còn nhớ như in cái khoảnh khắc đang được mẹ dìu bơi, đột nhiên Sen thấy mẹ co rúm người lại. Mẹ bị chuột rút. Mẹ chới với buông con gái chìm xuống nước. Không có mẹ đỡ, Sen hốt hoảng, tay chân khua loạn xạ. Sen định gọi mẹ nhưng nước ập vào miệng sặc sụa.
Như có một sức mạnh thần kỳ, người mẹ lại trồi ngoi lên. Mẹ nhao lại chỗ Sen vội vã đỡ cho con bơi. Nhưng hình như mẹ đã hiểu rõ sức lực còn lại của mình không thể đưa con gái bơi vào được đến chỗ luỹ tre làng. Mẹ cố kêu lên vài tiếng kêu cứu yếu ớt. Có lẽ vẫn chưa có ai nghe thấy tiếng kêu cứu tuyệt vọng ấy. Giữa lúc đó thì mẹ quờ tay được cây sào chống thuyền bị gió lốc làm văng đi lúc nãy. Mẹ cắm cây sào xuống bùn đu người đẩy con lên. Nhưng cây sào không chịu nổi sức nặng của hai mẹ con nên càng bị lún sâu xuống bùn nhão và đổ nghiêng ngả. Mẹ dùng một tay cắm lại cây sào, một tay vẫn ôm chặt con gái. Mẹ đã hoàn toàn kiệt sức rồi. Mẹ đã đi đến một quyết định cuối cùng. Mẹ đứng thẳng người, chân quặp giữ chặt cây sào, hai tay đẩy con gái lên đứng lên trên vai mình, nhô đầu lên khỏi mặt nước. Cố giữ cho con đứng vững, lời cuối cùng mẹ dặn Sen là: "Con phải ôm chặt lấy cây sào nhé!".
Nước ngập lút đầu mẹ. Sen đứng trên vai mẹ khóc nức nở. Sen gào đến khản cả giọng: "Mẹ ơi... mẹ ơi... mẹ đừng chết! Mẹ ơi...". Nhưng mẹ thì ngày càng lút chìm sâu xuống. Hai tay mẹ vẫn cứ giữ cứng hai chân con gái đứng trên vai mình và ghìm cho cây sào chống thuyền không bị nghiêng đổ. Mẹ đã chết đuối trong tư thế như vậy.
Chính đám trẻ con chăn trâu phát hiện ra có người bị lật thuyền ngoài cánh đồng ngập nước hốt hoảng gọi người lớn đem thuyền ra cứu. Tiếng kêu cứu xôn xao cả cánh đồng ngập nước. Khi mọi người ra đến chỗ hai mẹ con thì Sen cũng đã lún chìm xuống chỉ còn hở từ cổ trở lên. Mấy chiếc thuyền nhỏ quây quanh hai mẹ con. Mọi người phải rất vất vả gỡ mãi mới rút được chân Sen ra khỏi vòng tay giữ chặt của người mẹ.
Sau khi mẹ chết, bố về đón Sen lên thành phố. Sen giận bố không muốn đi. Bố đã bỏ mẹ con Sen từ bao năm nay rồi. Từ khi đỗ đạt được đề bạt, bố theo một người đàn bà trên thành phố. Nghe người làng lên Hà Nội làm thuê về kể lại họ đã sống với nhau như vợ chồng. Sen rất giận bố. Khi bố lên thành phố học và bảo vệ bằng tiến sĩ, mẹ đã phải bán cái nhẫn và đôi hoa tai bà ngoại cho để bố có thêm tiền. Nhưng khi học xong, bố không về làng nữa. Bố đã được một ông thứ trưởng cưu mang. Bố đã bỏ mặc mẹ con Sen. Mẹ đau yếu, bệnh tật triền miên vẫn phải tần tảo ở vùng quê đồng chiêm trũng kiếm tiền nuôi con. Khi mọi người đã về nghỉ ăn cơm trưa hay nấu bữa tối rồi mà mẹ vẫn bì bõm ngoài ruộng. Khi mẹ đi làm, Sen đi học. Cái buổi trưa định mệnh ấy chính là hôm Sen được nghỉ học. Sen đòi theo mẹ đi gỡ lưới, vớt lờ tôm. Sen muốn giúp mẹ. Hai mẹ con đã gặp phải cơn lốc bất ngờ. Nếu hôm ấy không có Sen thì có thể mẹ sẽ bơi được vào bờ tre sát cánh đồng hoặc đến được chỗ nước nông. Mẹ đã chết để cho Sen được sống.
Cứ nghĩ đến chuyện buổi trưa hôm ấy Sen lại thấy thương mẹ quá.
Lên thành phố, Sen theo bố về một ngôi biệt thự ở khu đô thị mới. Đó là nhà của người đàn bà bố đã sống chung. Từ ngày mẹ Sen mất, bố đã công khai sống với người đàn bà ấy. Bà ta cũng đã có một đứa con riêng. Con bé kém Sen mấy tuổi. Tính tình nó cũng lanh chanh xấu tính như mẹ. Những ngày Sen ở với bố là những ngày khốn khổ, cực hình. Bố Sen là một kẻ nhu nhược. Nhiều lúc biết con gái bị mắng oan cũng không dám mở miệng ra bênh. Sen trở thành một con ở. Sen phải làm mọi việc như một đứa ô-sin. Đã thế khi Sen lớn lên, xinh đẹp, người đàn bà kia còn có một âm mưu khác. Nhân khi chồng đi công tác dài ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, bà ta tính chuyện gả chồng cho Sen. Thực ra đó là một cuộc đổi chác. Phát hiện ra âm mưu của bà ta, Sen đã tìm cách trốn khỏi nhà, bỏ về quê.
*
Mấy hôm sau nước rút, Sánh đưa Sen đi viếng mộ mẹ. Khu nghĩa trang của làng bùn lầy nhão nhoẹt. Sen và Sánh dọn cỏ, vun lại nấm mộ bị nước làm sạt một góc. Sen bày hoa quả và thắp mấy nén hương cắm lên mộ mẹ. Sen chắp tay khấn mẹ. Cô rưng rưng thầm gọi: "Mẹ ơi! Con đã về với mẹ rồi! Mẹ ơi".

MẸ TÔI

(Một câu chuyện cảm động của một tác giả vô danh nhận được qua e-mail của một người bạn ở Malaysia, mong được chia sẻ với mọi người).

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi. Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”. Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”. Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore. Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi. 

Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Ði khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao? Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:

“Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..

Mẹ yêu con lắm,


Mẹ...".


***********

Lời khuyên
Một cô gái nọ vì buồn phiền chuyện gia đình nên đem hai đứa con nhỏ về nhà cha mẹ để ở. Cô ta khóc kể than thở với mẹ:
- Con thực sự hết sống nổi với hắn ta rồi. Thà là sống một mình như vậy nuôi hai đứa con còn sướng hơn. Lúc nào trong nhà cũng có chuyện gây gổ. Cứ như thế thì hai đứa bé ngày nào cũng chứng kiến những điều không tốt, lớn lên sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Người mẹ nhìn cô con gái nhẹ nhàng nói:
- Con à. Gia đình nào mà không có những chuyện xích mích bất hòa. Trời còn có mưa có nắng huống gì con người lúc giận lúc vui. Nếu con sợ mấy cháu bị ảnh hưởng không tốt thì hai vợ chồng nên thông cảm và nhẫn nhịn nhau chứ đâu phải giải quyết như thế. Hãy nhớ lại xem, cha mẹ đâu có ép duyên con đâu. Chính con đã từng yêu thương nhung nhớ, chính con đã từng thề non hẹn biển. Còn nhớ không con?
Cô con gái vừa khóc vừa trả lời với giọng bực mình:
- Hồi đó con bị lầm vì chưa có kinh nghiệm. Bây giờ con đã khôn hơn và trưởng thành rồi. Trên đời này đâu phải chỉ mình hắn là đàn ông.
Người mẹ vẫn nhẫn nại khuyên con:
-Con ơi. Con cho rằng hai đứa cháu ngoại của mẹ sống không cha là tốt và không bị ảnh hưởng xấu sao con? Ngày xưa cha mẹ mà có những suy nghĩ như con hôm nay thì con đã không biết cha hay mẹ mình là ai đó con ơi. Vợ hoặc chồng thì ai cũng có thể tìm người khác, nhưng hai đứa con của con suốt đời cũng chỉ có một người cha và một người mẹ mà thôi con ạ. Trẻ thơ mà phải chịu cuộc sống mồ côi, dù mồ côi cha hay mẹ. Đó là một điều bất hạnh lớn đối với trẻ thơ. Chỉ vì những tự ái nhỏ nhen của mình mà con đành bắt hai đứa con của chính mình gánh chịu sự bất hạnh này hay sao?
Nhân lúc ngoài trời đang cơn mưa nặng hạt. Người mẹ chỉ cho cô con gái:
- Con gái của mẹ hãy nhìn xem. Nơi vườn cà ngoài kia, con gà mái đang xòe rộng hai cánh hứng chịu cơn mưa gió bão bùng để ấp ủ cho đàn con. Một con gà mẹ mà còn sẵn sàng chịu đựng những gió mưa cuộc đời cho đàn con được yên ấm. Mà con gái của mẹ chẳng chịu đựng nổi những bất hòa giữa vợ chồng để bắt hai đứa con của chính mình phải hứng chịu bất hạnh cuộc đời sao con. Những xích mích phiền muộn trong cuộc sống vợ chồng chưa đáng để gọi là gió bão cuộc đời và nhẫn chịu những điều đó cũng chưa đáng để gọi là sự hy sinh cao cả của lòng mẹ thương con đâu con ạ. Hãy bình tâm suy nghĩ kỹ lại đi con gái yêu thương của mẹ.
Nghe lời mẹ khuyên cùng nhìn hình ảnh gà mẹ chịu đựng cơn mưa gió che chở cho đàn con, cô con gái vui vẻ đem hai đứa con trở về với gia đình. Và từ đó gia đình cô ta, vợ chồng con cái sống yên vui hạnh phúc trong yêu thương và thông cảm.

BÁNH GAI CỦA MẸ
Mẹ, lặn lội từ quê lên thành phố thăm thằng Út trọ học. Giỏ bánh gai theo mẹ khệ nệ đường xa để con "ăn cho đỡ nhớ quê". Con mừng qua qúyt, chau mày thật khẽ. Mẹ đâu biết giờ con thích cafe, thuốc lá hơn.
Mẹ về, giỏ bánh vẫn buồn thiu nằm trong góc nhà. Sực nhớ, con quơ vội mang qua phòng thằng bạn đồng hương :"ăn lấy thảo". Thằng bạn cảm động, rơm rớm nườc mắt:"hồi mẹ tao còn sống cũng hay làm thức quà này cho tao...Mày sướng thật!"
Con chợt bàng hoàng...Ngày xưa, ai đã từng ước suốt đời được ăn bánh gai của mẹ????
(s.t)

MẸ! -PHÙNG HIẾU
Con hai mươi tuổi. Mẹ hai mươi lăm năm xa quê. Ngày mẹ bỏ quê để lánh nạn, chiến tranh bom đạn cày xéo làng quê.
Chiều - khi hoàng hôn, mẹ thường đứng lặng, đau đáu nhìn về miền xa xăm.
“Tội, không biết mộ ông ngoại con giờ ra sao”. Mẹ nói: “Chừng nào mẹ để dành đủ tiền mẹ sẽ về quê xây mộ lại cho ông ngoại”.
Mẹ để dành đủ tiền. Con vào đại học. Mẹ dốc hết tiền lo cho con...
Chiều.
Chiều... lại chiều!

KHỦNG BỐ-Dũng Trần
Mùa xuân năm đó, con được 6 tuổi. Sáng thức dậy, má cho 5 đồng, con ra đầu hẻm mua kẹo, chưa kịp ăn. Cảnh sát giải tán sinh viên biểu tình bằng lựu đạn cay. Bị cay mắt, con vừa chạy vừa khóc, không biết là hướng nào. Bỗng thấy có ai ôm chầm lấy mình, "Má đây, má đây!" Mắt má cũng tèm lem vì khói lựu đạn, tất tả chạy tìm con. Về nhà, được ướp nước đá lên mắt, con mở mắt ra, viên kẹo vẫn còn trên tay.
Mùa xuân năm nay, con 40 tuổi, bôn ba trên đường đời. Tại phi trường LAX, cởi giầy, dây nịt, đồng hồ, ví... bỏ vào rổ để kiểm soát chống khủng bố. Con bâng khuâng nhớ má ngày xưa, rủi khi có lựu đạn nổ ở đây, con biết chạy đi đâu! Ai sẽ ôm con vào lòng, má ơi!

VẾT SẸO
Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.
Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo."Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi. Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm". Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

LÒNG MẸ 1-VÕ THÀNH AN
Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra ở riêng nên nhà cửa bừa bộn. Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, dĩa; quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được. Chiều cầm mẹ ở lại chơi để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi. Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm, tháng sau sẽ đi nữa.

LÒNG MẸ 2-TRẦN THẠNH
Hết thôi nôi, mẹ tập cho con biết ăn, biết nói, biết đi.Bố mất sớm, mẹ đành ở vậy nuôi con.
Lên ba tuổi, con lười ăn, mẹ còn lo từng bữa, dọa có ông địa to thù lù , để ép con ăn.
Lên mười tuổi, con mải chơi bạn bè cùng lứa, mẹ lại cầm roi dọa tìm con về ăn đúng bữa.
Mười lăm tuổi, con đi học xa, bữa cơm nào mẹ cũng dọn sẵn, chờ con.
Hai mươi mốt tuổi, con lấy vợ, ra riêng. Mẹ già sáng, trưa thui thủi một mình, nhớ con.
Bữa cơm, không quên kèm thêm đôi đũa để cạnh mâm...

Phấn Son-Nguyễn Hồng Ân
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

MÙA CÁ BÔNG LAU
VÕ THÀNH AN
Quê tôi ở ngã ba sông Vàm Nao, nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau. Dầu vậy, giá cá ở đây cũng không phải rẻ. Đến mùa, thỉnh thoảng má mua một khứa cá nhỏ nấu nồi canh chua để cả nhà cùng ăn. Thường anh chị em tôi nhường phần cá cho má. Má nói cá tanh, thích rau hơn.
Cậu ở thành phố xuống đòi ăn canh chua cá bông lau má nấu. Cậu chạy mua con cá to. Đến bữa không thấy má gắp cá. Cậu bảo: "Hồi xưa chị thích nhất món cá này?"
Tôi thấy má tôi bối rối. Giờ tôi mới hiểu là vì sao má bảo không thích ăn cá.

 
***********


Hạnh phúc đôi khi ở bên cạnh mà ta không nhận ra, không trân trọng, để một ngày khi nó bay đi ta lại quýnh quáng trong cuộc kiếm tìm. Thay vì sẽ viết một bài thật dài cho ngày 8-3, Góc Suy Ngẫm xin gửi đến các bạn những truyện ngắn về mẹ mà thông qua đó, chúng ta có thể hiểu hơn về tình mẫu tử thiêng liêng. Những mẩu chuyện có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, thậm chí có thể bạn đã từng trôi qua những cảm xúc ấy rồi nhưng không biết cách để ghi lại. Vậy thì hãy để cho Góc Suy Ngẫm đóng vai một người kể chuyện, và bắt đầu nói lên cảm xúc ấy bằng những ngôn từ. Chúc một ngày 8/3 thật hạnh phúc đến tất cả những người phụ nữ trên đất nước hình chữ S này.
Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh.
Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ. Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được.
Con thương mẹ vô cùng.

***
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương.
Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương, dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là
tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son tốt xấu màu sắc là gì.

***
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”
Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.

me va con Những truyện ngắn về mẹ cho ngày 8 3
***
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê. Trên đê chỉ có mẹ,
có con.
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra. Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm… …Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

***
Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh và phụ huynh. Những gánh
hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
“Út, Út, Út ơi!”. Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
“Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đậu đấy”.
“Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!”.
Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy… …
Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước
mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. “Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!”.

***
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật
ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu.
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!

***
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ
tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường…
Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo vòng. Mấy chị em hùn tiền mua tặng
mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Mấy hị em không ai bảo ai, nhìn nhau nước mắt rưng rưng.

***
Hễ nhà có dịp đi dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”.
Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!

****
“Má! Má lên đây làm gì?”. Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nãy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.
- “Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp”.
- “Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này…”.
- “Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má…”.
- “Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!”.
Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường…
Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: “Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường”.

me va con1 Những truyện ngắn về mẹ cho ngày 8 3