Saturday, June 9, 2012

ĐỐI DIỆN VỚI LM CHÂN TÍN

Tác Giả: Bạch Diện Thư Sinh   

Bài 1: Bắt sinh viên hay bắt sinh viên Việt Cộng
Năm 2009, lên youtube.com hoặc google.com, người ta có thể nghe được Lm. Chân Tín trả lời những câu hỏi phỏng vấn của ông Vũ Sinh Hiên về các hoạt động xưa nay của linh mục, nhân ngày cử hành kỉ niệm 60 năm linh mục và 90 tuổi đời của ông tại trụ sở Dòng Chúa Cứu Thế ở Mai Thôn.
Dịp năm mới vừa qua, mạng Nữ Vương Công Lý lại tung ra loạt bài phỏng vấn linh mục Chân Tín về hiện tình Đất nước, Giáo hội và những dư luận xung quanh cuộc đời hành hiệp của ông. Nội dung chính một số bài trả lời phỏng vấn lần này, không khác mấy so với loạt bài phỏng vấn của ông Vũ Sinh Hiên hồi 2009.
Trước 30.4.1975, chúng tôi trực tiếp tham gia công tác ‘ổn định Đại học’, đương nhiên chúng tôi rất chú ý câu trả lời của Lm. Chân Tín có liên quan tới công tác ổn định Đại học xưa kia của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy linh mục chưa nói đúng sự thật; nhất là linh mục vẫn hãnh diện về thành tích của báo Đối Diện, do ông làm Chủ nhiệm, đã bênh vực và thông tin không công cho các hoạt động chống phá VNCH của Thành đoàn Cộng sản. (Thành Đoàn tức Thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hay Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, nay là Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ vận động thanh niên nội thành và ngoại ô Sài Gòn – Gia Định).
Tây có câu: Bạn của bạn ta là bạn ta. Vậy cũng có thể nói: Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta không? Ít ra, cũng có thể là đồng chí giai đoạn, đồng chí ‘chiến thuật’vì tất cả chúng ta hiện đang có cùng một đối thủ là bọn cầm quyền bất xứng tại Hà Nội.
Cuộc chiến Quốc - Cộng qua lâu rồi, hiện nay đang diễn ra cuộc chiến mới giữa một bên là đảng CSVN độc tài, toàn trị với bên kia là đa số đồng bào VN khát mong Độc lập -Tự do - Hạnh phúc thật sự.  Quan sát thấy, vài năm sau 30.4.1975, Lm. Chân Tín và cố Gs. Nguyễn Ngọc Lan đột nhiên xoay chiều.  Hai ông đã mạnh dạn bênh vực công lí, phê phán những sai trái của đảng CSVN. Tức là hai ông trở thành đồng chí trong cuộc chiến đấu hiện nay của đa số đồng bào Việt Nam. 
Vì cái thế “liên minh” này, chính ra tạm thời không nên khơi lại chuyện cũ, để tất cả cùng nhau củng cố lực lượng và chiến đấu trong cuộc chiến mới, giành tự do, công lí, bảo vệ bờ cõi. Vả lại, về một số hoạt động cũ của hai ông Lm. Chân Tín và cố Gs.Nguyễn Ngọc Lan, chúng tôi đã có dịp trang trải trong bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan (motgoctroi.com / Mục Lịch sử cận đại).
Thế nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, khi trả lời phỏng vấn, vẫn giọng điệu cũ, Lm. Chân Tín kết án chính quyền VNCH bắt bớ sinh viên và những nhà tranh đấu.  Ông bảo hành động như thế là ông thi hành “sứ mệnh ngôn sứ” mà ông “đã lãnh nhận”.  Do đó, bất đắc dĩ chúng tôi phải nhắc lại chuyện xưa, mục đích là để chứng minh: chính quyền VNCH chỉ bắt một số những tên cán bộ Việt Cộng cốt cán thuộc Thành đoàn Cộng sản trong Đại học, chứ không dại để đi bắt “đa số sinh viên” thuần túy làm gì. Cũng xin hạn chế chỉ bàn bạc chuyện “bắt bớ sinh viên”, không bàn về những câu trả lời phỏng vấn khác của Lm. Chân Tín.  (Nhân thể, chúng tôi sẽ cống hiến độc giả thêm một bài nữa về cái gọi là Ủy Ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao Tù miền Nam Việt Nam (UBVĐCTCĐLTMNVN) mà hồi đó Lm. Chân Tín giữ vai trò lãnh đạo, vì Ủy ban này ra đời sau đợt tranh đấu đòi thả bọn sinh viên Việt Cộng vào năm 1970).
Trước hết, xin điểm qua phần trả lời câu hỏi 4 của Lm. Chân Tín trên mạng Nữ Vương Công Lý.
Câu hỏi 4. Nhiều người cho rằng: trước đây linh mục Chân tín đã có thời “thân cộng sản”, điều này có đúng không và có phải vì có thời kỳ đó mà cha đã có nhiều kinh nghiệm với cộng sản hay không? Nếu có thể xin cha nói về vấn đề này?
Linh mục Chân Tín trả lời : Trước 1975, tôi và một số linh mục cùng một số giáo dân trí thức đã chống chế độ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì đã bắt bớ sinh viên và những người hoạt động chính trị. Các sinh viên và những người này bị bắt và bị tra tấn. Chúng tôi, 8 linh mục đã điều tra cẩn thận, nên đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho họ. Cuộc đối đầu giữa sinh viên và chế độ Nguyễn Văn Thiệu kéo dài và tờ báo Đối Diện của tôi đã bênh vực các sinh viên ấy. Cộng sản lợi dụng cuộc đấu tranh đó và nghĩ là chúng tôi về phe họ. Nhiều người trong chế độ cộng hòa cũng nghĩ như vậy. Tôi quan niệm rằng có bất công dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng vì đó là sứ mạng ngôn sứ tôi đã lãnh nhận. Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, tôi tiếp tục đấu tranh chống chế độ cộng sản. Dù bị cộng sản kết án 3 năm quản chế tại Cần Giờ, tôi vẫn tiếp tục chống cộng sản cho tới nay.
Dù sao, tôi rất thông cảm với những người, đặc biệt là những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam cộng hòa đã bị cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đầy. Tôi mong anh em hiểu rằng tôi không bao giờ theo cộng sản.
● “Trước 1975, tôi và một số linh mục cùng một số giáo dân trí thức đã chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu vì đã bắt bớ sinh viên và những người hoạt động chính trị”.
Bắt “sinh viên” hay bắt “sinh viên Việt Cộng”?  Cho tới nay, Lm. Chân Tín vẫn cố tình đánh lừa dư luận bằng cách nói thiếu 2 chữ quan trọng: chính ra linh mục phải nói “…vì đã bắt bớ sinh viên Việt Cộng…” thay vì chỉ là “bắt bớ sinh viên”.  Thực tình, mới nghe qua câu trả lời của Lm. Chân Tín trên đây, người ta dễ có ý nghĩ ông chống như thế là đúng, là tốt quá.  Ông đáng được tưởng thưởng giải nhân quyền! Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trong chiến tranh nhằm nhuộm đỏ miền Nam, CSBV đã mở nhiều mặt trận, cài người vào các cơ quan nhà nước và mọi tổ chức ngoài xã hội. Trong trường học, nhất là Đại học cũng có Việt Cộng và những thành phần thân Cộng. Họ đã biến học đường thành một mặt trận do Thành đoàn Cộng sản lãnh đạo với tổ chức quy mô gồm 2 hệ thống bí mật và công khai (Xin đọc bài Sơ Lược Tổ Chức Cộng Sản Trong Giới Sinh Viên Học Sinh SàiGòn Trước 1975 của Bạch Diện Thư Sinh trên motgoctroi.com). Cho nên đương nhiên cơ quan hữu trách VNCH có nhiệm vụ phát hiện và vô hiệu hóa hoạt động của Cộng sản trong học đường, nhất là trong Đại học.
Vào thời điểm 1970, nếu nhiều người ở Miền Nam chưa biết các sinh viên bị chính quyền VNCH bắt có phải là Việt Cộng hay không thì còn tạm hiểu được, nhưng mà Lm. Chân Tín cũng như các lực lượng có trách nhiệm gìn giữ an ninh đều biết họ là ai.  Chính Lm. Chân Tín khi trả lời phỏng vấn cũng đã xác nhận hồi đó linh mục đã biết họ là những kẻ đứng “sau lưng” những cuộc biểu tình chống chính phủ.  Thế mà Lm. Chân Tín và báo Đối Diện của ông vẫn ủng hộ những cuộc biểu tình ấy.  Và cho tới bây giờ, Lm. Chân Tín vẫn luận điệu cũ, cáo buộc chính quyền VNCH đã bắt “sinh viên”.
Sau 30.4.1975, mọi người thấy những tên sinh viên Việt Cộng ở “sau lưng” (không kể những tên đã kịp lặn sâu hoặc chạy thoát vào mật khu) mà Lm. Chân Tín đã tranh đấu đòi thả ra, hầu như tất cả đã trở về và nắm giữ các chức vụ quan trọng.  Họ chính là  Lê Quang Vịnh, Phan Trọng Danh, Phan Chánh Tâm, Phạm Chánh Trực, Dương Văn Đầy, Trầm Khiêm, Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Như Lanh, Tôn Thất Lập, Trần Văn Long, Nguyễn Chơn Trung, Cao Thị Quế Hương, Võ Thị Bạch Tuyết, Trần Thị Lan, Hạ Đình Nguyên, Trần Thị Huệ, Lê Văn Nuôi, Trịnh Đình Ban, Vũ Quang Hùng, v.v….
Chính quyền VNCH đã bắt đúng đối tượng, nghĩa là chỉ bắt những kẻ “sau lưng” như cách nói của Lm. Chân Tín mà thôi.  Không có chính quyền nào, vô cớ, lại đi bắt  đám đông sinh viên đi biểu tình như Lm. Chân Tín đắc ý nêu ra để tự đánh bóng. Thông thường, khi dẹp một cuộc biểu tình, nếu nhất thời phải hốt một số đông quá hung hăng về cơ quan, thì sau đó nhà chức trách cũng nhanh chóng gạn lọc và thả ngay đa số những thành phần không có vấn đề.

Khi trả lời cuộc phỏng vấn, Lm. Chân tín cũng tỏ ra rất hãnh diện về thành tích báo Đối Diện của ông. Linh mục cho biết, từ số Đối Diện số 11, có Lm. Nguyễn Ngọc Lan về cộng tác.  Từ đó, Đối Diện trở thành tờ báo duy nhất “tường thuật” đầy đủ các vụ xuống đường của sinh viên, đang khi tất cả các tờ báo khác chỉ “đưa tin".  Thời điểm mà Lm. Chân Tín đang đề cập là thời điểm nổ ra vụ án “Thành đoàn giải phóng”, còn gọi là “Vụ án 10.3.1970” hay là “Vụ án Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm”.

Gọi là “Vụ án Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm” vì Mẫm được coi “là lãnh tụ, là ngọn cờ tập hợp nhiều giới vào một mặt trận chung…”, “là  một biểu tượng trung tâm của phong trào đấu tranh công khai giữa lòng đô thị”.  Gọi là “Vụ án 10.3.1970” vì đó là ngày sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm bị bắt lại tại Đại học xá Minh Mạng cùng đợt với một số sinh viên Việt Cộng khác.
Lúc đó, Mẫm là Chủ tịch Tổng hội SVSG, được Thành đoàn Cộng sản đánh giá là “lãnh tụ, là ngọn cờ tập hợp nhiều giới vào một mặt trận chung…”, “là một biểu tượng trung tâm của phong trào đấu tranh công khai giữa lòng đô thị”, cho nên Thành đoàn Cộng sản đã ra lệnh phải lợi dụng dịp Mẫm bị bắt và ra tòa lần này, cùng với 20 tên sinh viên là cán bộ Thành đoàn Cộng sản khác, để thổi bùng lên một cao trào đấu tranh mới.
Đúng vậy, đợt đấu tranh này nổ ra hết sức sôi nổi, kéo dài hơn một tháng rưỡi, lôi kéo nhiều giới:
Trên mặt trận chính trường, có các tai to mặt lớn nhào vô ăn có như:
Các luật sư danh tiếng: Vũ Văn Mẫu, Vũ Văn Huyền, Bùi Chánh Thời, Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Long...
Các Dân biểu thân Cộng, hoặc thiên tả: Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Cứ, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Binh…
Các giáo sư: Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luân, Trần Thị Tỵ, Nguyễn Văn Trung, Trần Tuấn Nhậm…
Các báo: Đối Diện, Tin Sáng, Tia Sáng, Đại Dân Tộc, Đuốc Nhà Nam, Dân Chủ Mới…
Tranh đấu hăng hái nhất là 2 ông Gs. Lý Chánh Trung và Lm. Nguyễn Ngọc Lan.
Đang khi đó, ngoài đường phố diễn ra mặt trận sôi sục khác giữa nhân viên công lực và một số thành phần. Qúy độc giả thử tưởng tượng xem thành phố Sài Gòn, trong những ngày này, rối loạn như thế nào theo sự mô tả của Gs. Lý Chánh Trung: “Suốt tuần qua, trung tâm thành phố Sàigon đã biến thành một bãi chiến trường nho nhỏ để cho mấy ông Triệu tử Long nho nhỏ mặc sức tung hoành:  Đông hốt sinh viên, Tây đập phế binh, Nam phá tuyệt thực, Bắc chận biểu tình…Kết quả thiệt là ngoạn mục: Khói lựu đạn cay mịt mù trước Dinh Độc Lập, hàng rào kẽm gai chằng chịt trên các nẻo đường, như những tràng hoa tang tóc nền dân chủ”. (Lý Chánh Trung. Những Ngày Buồn Nôn. đối diện, 1971. Bài 6 Khóc Đi Con viết ngày 13.4.1970. Trang 40).
“SVHS đã cạo đầu, đã tuyệt thực trong nhà trường, trên vỉa hè, trước Quốc hội, đã bãi khóa có hạn định và vô hạn định, và trích máu viết huyết lệ thơ, đã họp Đại hội trong Đại học và ngoài công viên, đã biểu tình ngồi, biểu tình đi, biểu tình đứng, biểu tình chạy…và đã hưởng cả ngàn trái lựu đạn cay do Hoa kỳ viện trợ. Các vị lãnh đạo tinh thần đã lên tiếng, các giới đồng bào đã lên tiếng, cho đến cái Hội đồng tôn giáo hiền lành cũng đã lên tiếng. các Đại học và Trung học miền Trung, miền Tây đã tích cực tham gia cuộc tranh đấu của SVHS Sàigon. Cho tới cái tỉnh Vĩnh Bình xa xôi nhỏ bé của tôi mà cũng gửi lên được bản kiến nghị của 31 giáo chức” (Lý Chánh Trung. Những Ngày Buồn Nôn. Bài 7 Chánh Nghĩa Đã Thắng Một Phần viết ngày 20.4.1970. Trang 49)

Xin nhấn mạnh điều này: thành phần sinh viên học sinh thuần túy tham dự vào những cuộc tranh đấu chống phá này rất ít. Khối đa số sinh viên thầm lặng có khuynh hướng quốc gia chỉ lo học hành, không thích Cộng sản, nhưng rất thụ động. Họ rất ít quan tâm tới những cuộc tranh đấu, phá phách ngoài đường phố. Trong dĩ vãng, chỉ những cuộc xuống đường mang màu sắc đấu tranh vì tôn giáo, vì văn hóa hoặc vì đồng bào Việt Nam bị tàn sát bên Campuchia, mới có nhiều sinh viên, học sinh thứ thiệt tham gia…

Thí dụ: Vụ sinh viên, học sinh xuống đường đi dự đám tang nhà văn Nhất Linh để chống Tổng thống Ngô Đình Diệm (1963). Có thể coi vụ này là do động lực văn hóa vì Nhất Linh là thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn.  Rồi tiếp tục xuống đường chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lấy lí do Tổng thống “đàn áp Phật giáo” (1963).
Thời tướng Nguyễn Khánh nắm quyền, sinh viên học sinh xuống đường chống Hiến chương Vũng Tầu (Tháng 8.1964). Thời gian đầu mới nắm quyền, Tướng Khánh bị tố là “Cần lao ngóc đầu dậy!”.
Đến khi Cụ Trần Văn Hương làm Thủ tướng (04.11.1964), sinh viên, học sinh lại xuống đường vì “Ông già gân” không chịu để mấy thầy làm áp lực.  Cụ Hương từng phát biểu: “ Bọn đầu trọc làm trò khỉ. Tôi không thể để cho bọn con nít làm loạn!”….
Có một thời, nhiều người ở miền Nam sợ tôn giáo của mình bị “đàn áp ?” còn hơn là sợ Cộng sản. Nhưng vừa khi phong trào Phật giáo nổi lên, lãnh đạo Cộng sản đã mau mắn chớp lấy thời cơ. Họ ra lệnh cho các cấp thừa hành trà trộn vào phong trào để lái đi theo mục tiêu của họ. Tình hình này gây nên biết bao gian nan và tai tiếng cho các lực lượng hữu trách của VNCH. Sách Trui Rèn Trong Lửa Đỏ của Thành đoàn Cộng sản viết: “Khu ủy ‘coi Phật xuống đường’. Ban cán sự thanh niên sinh viên học sinh, Đoàn ủy sinh viên lãnh đạo lực lượng của mình ‘tấp vô với Phật xuống đường’. Lực lượng của các cánh các ngành cũng ‘tấp vô’! Một thời cơ trong cơn bão táp loạn xạ…Những đảng viên, đoàn viên, nòng cốt, cảm tình cách mạng của Ban Cán sự thanh niên ‘tấp vô’ mang màu áo Phật tử giáo dục, hướng dẫn quần chúng, tranh thủ phát triển nhanh thực lực cách mạng khắp trường học, khu xóm. Thực lực càng phát triển càng ‘tấp vô’ tranh thủ, lôi kéo, hướng dẫn từng nhóm, từng bộ phận của phong trào theo mục tiêu đấu tranh của cách mạng” (
Hoàng Hà. Bài Theo Dấu Chân Một Cuộc Hành Trình. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. NXB Trẻ, 2005.Tái bản 1. Trang 481).

Cuối cùng là vụ sinh viên xuống đường phản đối chính quyền Lonnol vì đồng bào  Việt Nam bị thảm sát hàng loạt bên Campuchia (4.1970).  Khởi đầu, có nhiều sinh viên thuần túy tham gia, nhưng khi các sinh viên Việt Cộng hô hào chiếm đóng và “cố thủ” trong Tòa Đại sứ Campuchia ở đường Lê Văn Duyệt, thì khối sinh viên thuần túy không tham gia nữa.
Trên thực tế, đa số các sinh viên, học sinh xuống đường hồi 1970 mà Gs.Lý Chánh Trung nói đến trên đây đều là các Đoàn viên (Đoàn thanh niên cách mạng HCM) hoặc Hội viên (Hội liên hiệp thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng), các “quần chúng tốt”, các cảm tình viên, các sư nữ thuộc Tịnh xá Ngọc Phương của Ni sư Huỳnh Liên, các thanh niên, sinh viên trú ngụ bất hợp pháp tại Cư xá sinh viên Minh Mạng (do Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên cư xá là Huỳnh Tấn Mẫm chứa chấp, để huy động họ vào các cuộc tranh đấu chống chính phủ), các tay du thủ du thực được thuê mướn, các “ba, má” phong trào và một số khá đông những tay vô công rỗi nghề, cứ thấy đông vui là tò mò, hiếu kì nhào vô tham gia! Nhìn qua các thành phần này, thấy ngay họ đều là sinh viên học sinh Việt Cộng hoặc thân Cộng; ngoài ra là các thành phần ngoài Đại học và du đãng. Cuộc biểu tình nào cũng y chang là những người này. Với thành phần như thế, làm gì có chuyện họ “vì lương tâm trí thức mà xuống đường tranh đấu cho nhân quyền” như những lời đối đáp của ông Vũ Sinh Hiên và Lm. Chân Tín trong cuộc phỏng vấn.
Không phải vì các cơ quan có trách nhiệm thiếu bằng chứng để kết tội các sinh viên Việt Cộng, không phải vì những cuộc tranh đấu xuống đường phá rối trị an, mà vì áp lực nặng nề của quốc tế, của phong trào phản chiến bên Âu Mĩ gây ảnh hưởng sâu sắc tới chính trường Mĩ, khiến cho chính quyền VNCH bất đắc dĩ phải chấp nhận giải pháp thoa dịu dư luận. Nhà văn Đào Hiếu, xưa là sinh viên Việt Cộng, bạn chiến đấu của Huỳnh Tấn Mẫm, đã nhìn nhận trong cuốn tự truyện Lạc Đường của ông ta như sau: “ Vụ Huỳnh Tấn Mẫm kết thúc sau những cuộc xuống đường, tuyệt thực… của đồng bào các giới: học sinh, sinh viên, công nhân, đồng bào Phật tử… Chính quyền Thiệu biết rõ mười mươi một số học sinh sinh viên (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm) là đảng viên cộng sản nhưng họ vẫn phải trả tự do cho những người bị bắt. (Đào Hiếu. Lạc Đường. Chương 4 Trận Đánh Không Báo Trước” (daohieu.com).
Đúng vậy, ngày 20.4.70, Tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 đã thả 10 tên.  Trong đó có Cao Thị Quế Hương, Đỗ Hữu Bút, Võ Ba, Trương Hồng Liên….  Ngày 13.6.70, thả thêm 6 tên nữa.  Trong số đó có các đảng viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Trầm Khiêm…  Khiêm và Đầy là Đoàn ủy Sinh viên thuộc Thành Đoàn. Chỉ giữ lại 5 tên: Nguyễn Ngọc Phưong (Bí thư Đoàn ủy sinh viên), Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thanh Công, Lê Văn Hoa, Nguyễn Văn Sơn (sẽ thả khi trao đổi tù binh 1973).
Thành đoàn CS đánh giá vụ này là một thắng lợi lớn, vì đã tạo ra được sự bất ổn liên tục ngay tại Thủ đô Sài Gòn và gây xúc động trong nước, nhất là dư luận quốc tế.
Thắng lợi của Thành đoàn Cộng sản lần này, phần lớn, là nhờ vào một nhóm phần tử được VNCH ưu đãi ở Thủ đô, trong đó tạp chí Đối Diện của Lm.Chân Tín đóng góp “công lao” rất lớn!  Có thể nói không sai: nhóm này ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản!
Sau đó, hàng chục tổ chức đấu tranh khác lần lượt xuất hiện, trong đó có: 
Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù do Lm. Chân Tín làm Chủ tịch.
Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống do Ls. Ngô Bá Thành làm Chủ tịch.
Lực lượng Quốc gia tiến bộ.  Ls. Trần Ngọc Liễng làm Chủ tịch…
●  “Cộng sản lợi dụng cuộc đấu tranh đó”
Về điểm này, Lm. Chân Tín nói đúng. Cộng sản vốn qủy quyệt, đã lợi dụng được sự ngây thơ, háo danh, hiếu động của mấy ông.
Người quốc gia có một điểm yếu là quá tôn trông mấy ông mặc áo thầy tu. Khổ nỗi, có một số ông thầy tu thích dây dưa vào chuyện chính trị đầy xảo quyệt, gian ác, cho nên bị lợi dụng một cách dễ dàng. Các ông ấy học mãi mà không thuộc những bài học lớn về Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Mặt trận tổ quốc… Để chiếm miền Nam, CSBV còn mở ra nhiều mặt trận nhỏ hơn và đủ loại phong trào, đủ loại ủy ban: Mặt trận văn hóa, mặt trận Đại học, mặt trận tôn giáo (điển hình là cuộc ‘Biến Động Miền Trung’)…, Phong trào Đòi quyền sống, Hát cho đồng bào tôi nghe, Ủy ban Vận động Cải thiện chế độ lao tù, ….
Thực tế phũ phàng là, khi thắng lợi rồi, CSBV thẳng tay dẹp hết những màn tuồng ấy, kể cả Mặt trận Giải phóng miền Nam, không thương tiếc!
Xin lấy vài thí dụ:
Trương Như Tảng được bên Quốc gia trọng dụng mà vẫn bỏ đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), được ban cho chức Bộ trưởng Tư pháp “dỏm”.  Vừa sau 30.4.1975, ngồi coi ‘diễu binh’, Trương Như Tảng hỏi: “Sao những sư đoàn của MTGPMN đâu rồi?’.  Đại tướng CSBV Văn Tiến Dũng cười mỉa mai và trả lời: ‘Quân đội đã thống nhất rồi”! (Trần Viết Đại Hưng. Ngây Thơ Chính Trị. (vn.360plus.yahoo.com). Cuối cùng, năm 1985, Trương Như Tảng phải đào thoát sang Pháp.  Ở đó, ông ta viết hồi ký A Vietcong Memoir kể chuyện đời tan nát!
Bs.Dương Quỳnh Hoa cũng bỏ Sài Gòn vào bưng, được chân Bộ trưởng Y tế. Cũng sớm vỡ mộng.  Cuối thập niên 70, bà ta than với Nguyễn Hữu Thọ: “Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ. Chúng ta không thể phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ. Vì vậy tôi thông báo cho anh biết là tôi sẽ trả lại thẻ Đảng và không nhận bất cứ nhiệm vụ nào trong chính phủ cả”. (Ts. Mai Thanh Truyết. Cuộc đời và cái chết rất buồn của Bs. Dương Quỳnh Hoa. Bộ trưởng Y tế và thương binh xã hội của Chính phủ CMLT. Tintuchangngay.info)
Gs. Lý Chánh Trung hưởng bao nhiêu bổng lộc Quốc gia cũng cúc cung tận tụy làm công cụ cho Việt Cộng.  Sau khi thắng lợi, Cộng sản cho ông một lô chức tước, nhưng tất cả đều hữu danh vô thực: Phó Hội trí thức yêu nước Thành phố, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN Thành phố, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN.
Rồi cái gì phải tới đã tới:  Đến năm1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư nói thẳng thừng với Gs. Lý Chánh Trung rằng trước đây ông là ‘đồng chí’ nay ông “làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của ta”. Bị gõ đầu, Gs. Lý Chánh Trung đành phải nhìn nhận: “Quả là bây giờ có sự đổi mới rồi, chứ nếu không, thì mình bị “ lấy mất cái đầu đi rồi” đấy!  (Đoàn Thanh Liêm.  Nỗi Khó Xử của Gs. Lý Chánh trung. baotoquoc.com).
Gs. Nguyễn Văn Lục, rất quen biết Gs. Lý Chánh Trung, kể về ông giáo sư họ Lý như sau: “Ông có mấy đứa con trai đều là đảng viên, vào bộ đội và sau đó đi học sĩ quan lên đến Đại úy. Bữa đó có ông Lê Đức Anh từ Hà Nội vào nói chuyện với các cấp sĩ quan từ cấp đại úy trở lên. Chẳng biết thế nào, ông Lê Đức Anh có nhận xét về giới trí thức miền Nam, trong đó hài tên ông ra và nói: Lý Chánh Trung chỉ là một tên trí thức chống Cộng ranh ma. Con ông ngồi dưới nó tức khí vì chửi ba nó. Trong một phút nóng giận, bốc đồng nó đã chửi lại: Đù má mày Lê Đức Anh, mày nói bậy. Nói xong, thằng nhỏ bỏ đi ra ngoài cái một. Sau đó nó đã không bị tù tội gì cả. Nghe xong câu chuyện vui này chúng tôi đều cười hả hê. Và ông quay qua tôi nói đùa: nhớ về đừng viết báo nhé. Thật ra thì câu chuyện này được lan truyền ra ngoài đến ai cũng biết. Vì thế, câu chuyện này bạn đọc cứ coi như là câu chuyện cũ mèm làm quà bên lề cho những ai chưa biết”. (Nguyễn Văn Lục. Về Những Người Tôi Đã Biết II. DCVOnline.net).
Một trong số những trí thức miền Nam chống đối hàng đầu lúc đó là Lm. Thanh Lãng, Trưởng Ban Văn chương Việt Nam tại Văn khoa Đại học Sài Gòn. Ông viết báo chống chính quyền; với tư cách Chủ tịch Văn bút Việt Nam, ông đòi chính quyền thả tên nhà văn Việt Cộng Vũ Hạnh; ông nổi bật trong “Ngày kí giả đi ăn mày”; ông hung hăng trong vụ đuổi Đức Khâm Henri Lemaitre và vụ chống Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận về làm Tổng Giám Mục phó Sài Gòn.
Nhưng đến cuối đời, Lm. Thanh Lãng đã thành khẩn sám hối, làm cho tất cả mọi người thiện tâm phải mủi lòng và cầu cho linh hồn ông được nghỉ yên muôn đời!
Gs. Nguyễn Văn Lục, em Gs. Nguyễn Văn Trung, trong bài Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận Nguyên Nhân 13 Năm Lưu Đầy Khổ Nhục, đã công bố một phần bản di chúc13 trang của Lm. Thanh Lãng trao cho Gs. Nguyễn Văn trung, nguyên văn như sau:  “Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh Toàn cầu và Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lầm lẫn và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.
Tôi xin công khai sám hối xin lỗi Đức cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức cha.
Tôi xin công khai sám hối xin lỗi tất cả và tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý, làm mất lòng.
Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong Mục vụ.
Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội Thánh và Chúa tha tội cho tôi”.
Ngày 28-11-1988, Đinh Xuân Nguyên, Thanh Lãng” (DCVOnline.net).
Lm. Thanh Lãng qua đời ngày 17.12.1988.
Và còn nhiều tên tuổi khác cũng đã trắng mắt ra, như:  Gs. Châu Tâm Luân, Ni sư Huỳnh Liên và các đệ tử hệ phái tịnh xá Ngọc Phương của bà (xin xem bài Còn Giới Hạn Nào Cho Sự Sa Đọa của tác giả Lê Tùng Châu trên Việt Báo 27.3.2006, đính kèm nguyên văn Đơn Khiếu Nại về việc chính quyền Tỉnh Lâm Đồng vừa cướp đất chùa vừa có những lời lẽ hết sức vô giáo dục đối với các ni sư. Lá đơn kí tên Ni sư Tràng Liên và Ni sư Ngoạt Liên ngày 01.01.2005), v.v….Riêng Gs. Nguyễn Ngọc Lan, chúng tôi đã viết một bài về ông, nhan đề Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan (motgoctroi.com).
Trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, tác giả Vũ Thư Hiên không ngần ngại phát biểu: “Trẻ con miền Bắc cũng biết Mặt trận Giải phóng là do miền Bắc dựng nên” (trang 469). Thế mà có khá nhiều trí thức miền Nam đã bị lừa gạt nhục nhã, thê thảm!
● “Tôi quan niệm rằng có bất công dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng vì đó là sứ mệnh ngôn sứ tôi đã lãnh nhận”.
Lm. Chân Tín nói hay và lí tưởng lắm. Bây giờ nghe ông nói như vậy, người ta   tưởng ông sẵn sàng thi hành ‘sứ mệnh ngôn sứ’ bất kể thời nào, bất kể đâu.  Nhưng trên thực tế, hồi đó, ông chỉ nhìn cuộc chiến Việt Nam bằng một con mắt, nghĩa là ông đui mất một con mắt. Báo Đối Diện của ông khuếch đại những “cái dằm” sai trái của VNCH để tố cáo, đang khi đó lại không nhìn thấy vô số những “cái xà” tội lỗi lớn lao của Cộng sản. Vậy mà dám nói “dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng”.
Báo Đối Diện của Lm. Chân Tín chẳng những không nói gì tới những tội ác do Cộng sản gây ra ở cả hai miền Nam Bắc, mà còn công khai phổ biến những bài viết đề cao Cộng sản, cổ vũ sách lược “giài phóng” miền Nam của Cộng sản. Chẳng hạn như các bài:  Bài Học Cách Mạng Của Lênin (Đối Diện, 12.1970); Diễn Tiến Cuộc Xây Dựng và Phát Triển Chính Sách Thực Dân Mới Của Mỹ Tại Việt Nam (Đối Diện, 8.1971); Lm.Trương Bá Cần viết bài ‘25 Năm Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Miền Bắc’, đăng 3 kì vào năm 1971; Khái Niệm Về Chủ Nghĩa Thực Dân Mới (Đối diện, 6.1972); Diễn Tiến và Ý Nghĩa Của Cách Mạng Tháng Tám (Đối Diện, 8.1972); Miền Bắc Có Gì Lạ (Đối Diện, 2.1974)….
Ngoài thành phần cơ hữu như các linh mục thiên tả Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Trần Tam Tỉnh, Nguyễn Nghị, Nguyễn Viết Khai…, báo Đối Diện của Lm. Chân Tín còn phổ biến bài vở của nhóm thân Cộng miền Trung như: Ngô Kha, Bửu Chỉ, Trần Phá Nhạc, Thái Ngọc San, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Gành…
Trong khi trả lời phỏng vấn, Lm. Chân Tín còn nói ông đã cùng Lm. Nguyễn Huy Lịch (Dòng Đa Minh, chi Lyon) điều tra và biết đích xác bọn sinh viên Việt Cộng bị tra tấn cho nên ông và báo Đối Diện phải tranh đấu bảo vệ họ.  Lm. Chân Tín lại toan lấy thúng úp voi chăng. Linh mục sinh sống và hưởng mọi quyền công dân ở miền Nam, mà miền Nam đang bị Cộng sản Bắc Việt tấn chiếm, đương nhiên miền Nam phải chiến đấu tự vệ. Quyền tự vệ là quyền thiêng liêng. Không ai nói đi xâm lăng, đi ăn cướp là quyền thiêng liêng bao giờ cả. Chính ra linh mục phải hiểu rõ hơn ai hết rằng CSBV là kẻ gây nên cuộc chiến thì là kẻ vi phạm nhân quyền đầu tiên và nặng tội nhất. Và trong cuộc chiến lâu dài này, Cộng quân đã phạm không biết bao nhiêu tội và đã giết hại hàng trăm hàng ngàn dân lành bằng cách chém đầu, cắt cổ (Đồng khởi Bến Tre 1958), chôn sống (Mậu Thân Huế 1968), Đại lộ Kinh hoàng Quảng Trị 1972, pháo kích bừa bãi, thậm chí pháo kích cả vào các trường tiểu học giết chết hàng chục học sinh nhỏ dại (Trường Tiểu học Cai Lậy và Song Phú)…
Công bình mà nói, tra tấn để ép cung là trái với luật pháp văn minh, nhưng vì VNCH đang phải chiến đấu tự vệ chống CSBV, thiết tưởng Lm. Chân Tín cần đặt vấn nạn này trong bối cảnh toàn cục cuộc chiến khốc liệt mà cân đo đong đếm, thì mới thấy linh mục nên bênh vực ai và tố cáo ai.  Bởi vì nếu có vài mươi tên sinh viên Việt Cộng bị tra tấn thật sự đi chăng nữa cũng còn kém xa gấp ngàn lần so với những tội ác giết dân lành của Việt Cộng. Và nếu nói cần phải đấu tranh bảo vệ nhân quyền cho sinh viên thì Lm. Chân Tín và báo Đối Diện phải tố cáo nhiều nhất và trước tiên các tội ác của bọn sinh viên Việt Cộng vì chúng đã giết thầy giết bạn một cách tàn ác, ngay tại trường học hoặc giữa thanh thiên bạch nhật, ở Sài Gòn cũng như hồi Tết Mậu Thân ở Huế 1968  (Mời đọc bài Bọn Sinh Viên Việt Cộng Giết Thầy Giết Bạn của Bạch Diện Thư Sinh. Motgoctroi.com. Mục Lịch sử Cận đại).
Trên thực tế, báo của Lm. Chân Tín đã một chiều đả kích VNCH là kẻ tự vệ, đang khi bênh vực, bao biện cho Cộng sản là kẻ gây chiến, là kẻ phạm muôn vàn tội ác. Thử hỏi, như thế công bình, công lí ở đâu? Chưa có công bình, công lí thì làm gì có nhân đạo, nhân quyền?
Đấy là chưa nói tới bọn Cộng sản là thầy phù thủy chuyên thay trắng đổi đen, không nói có, có nói không. Mắt thường và ống kính của các kí giả nhìn thấy cảnh những tên sinh viên Việt Cộng dìu nhau ra tòa, dáng điệu thiểu não mà đã vội kết luận là chúng bị đối xử tàn ác.  Có thể chỉ đúng một phần, còn nhiều phần là chúng bảo nhau diễn kịch để gây xúc động cho dư luận.
Trong bài 20 Năm Giới Trẻ Miền Nam, Gs. Nguyễn Văn Lục nêu lên một câu hỏi chua chát: “ Những người cộng sản thứ thiệt như Huỳnh Tấn Mẫm thì được mọi người tìm cách đòi thả tự do. Lý Chánh Trung và những người khác xuống đường, tuyệt thực đòi trả tự do cho Mẫm? Sao không thấy một ai trong cái đám đó sau 1975, đòi trả tự do cho Thi sĩ Vũ Hoàng Chương?” (Nguyễn Văn Lục. 20 Năm Giới Trẻ miền Nam Việt Nam. Motgoctroi.com).
Để mô tả cung cách hành xử của Lm. Chân Tín cụ thể hơn, xin thử đặt Lm. Chân Tín làm một thành viên trong gia đình của ông Nam. Mọi người trong nhà ông Nam đang sống bình an, vui vẻ. Bỗng có một ngày, người anh em sinh đôi của ông Nam là ông Bắc cầm đầu lũ con cháu ngổ ngáo, hùng hổ xông vào nhà ông Nam để cướp của, giết người và đòi chiếm luôn nhà của ông Nam. Ông Bắc bảo làm thế là để “giải phóng” cho nhà ông Nam khỏi bị “Mĩ ngụy kềm kẹp”!  Người nhà ông Nam đương nhiên phải chiến đấu tự vệ.  Lm. Chân Tín là người nhà ông Nam, chẳng những không cùng người nhả chống trả, không tố cáo kẻ cướp và kêu gọi hàng xóm tiếp tay giúp đỡ cho gia đình mình; ngược lại, linh mục còn la lối om xòm và một chiều tố cáo ngược lại nạn nhân là chính người nhà mình! Chuyện có vẻ ngược đời, nhưng đó đúng là lối hành xử của Lm. Chân Tín hồi trước 1975. Lối hành xử như thế mà gọi là hòa bình công lí sao? Có giáo thuyết đáng kính nào truyền dậy “sứ mạng ngôn sứ” lạ lùng như vậy bao giờ không?  Đó chỉ có thể là hành động nối giáo cho giặc mà thôi.
● “Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, tôi tiếp tục đấu tranh, chống chế độ Cộng Sản”
Trước 1975, Lm. Chân Tín làm Chủ nhiệm báo Đối Diện tiếp tay cho Cộng Sản, chống chính phủ VNCH, tức lúc đó ông không chống Cộng sản, sao nói là “tiếp tục đấu tranh, chống chế độ Cộng sản”? Và sau khi Cộng sản chiếm được miền Nam rồi, trong thời gian khoảng 2 năm, Lm. Chân Tín và cố Gs. Nguyễn Ngọc Lan cùng đám đệ tử của hai ông, vẫn còn ve vãn chúng.  Đến khi CS đá các ông ra rìa, chỉ dùng “nhóm 4 anh em chúng tôi Minh-Cần-Từ-Bích” thôi (đó là 4 linh mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích). Chỉ khi đó, ông và Gs. Nguyễn Ngọc Lan mới bắt đầu quay ra chống Cộng sản.  Gs. Nguyễn Văn Trung, cựu Khoa trưởng Văn khoa Đại học Sàigòn, không xa lạ gì với giới trí thức Sàigòn trước 1975, đã nhận xét về Lm.Chân Tín như sau: “Linh mục Chân Tín khi làm chủ nhiệm báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chống Cộng rõ rệt, nhưng khi làm tạp chí Đối Diện thay đổi lòng chuyển sang CHỐNG CHỐNG CỘNG …Bây giờ linh mục lại chống Cộng”! (Nguyễn Văn Trung. Đôi điều trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc. Văn Học số 124, Tháng 8, 1996. Trang 67).
● “Dù sao, tôi rất thông cảm với những người, đặc biệt là những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã bị Cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đày.  Tôi mong anh em hiểu rằng tôi không bao giờ theo Cộng sản”.
Chúng tôi, quân cán chánh VNCH, không muốn nhận sự ‘thông cảm’ của Lm. Chân Tín. Chúng tôi chiến đấu vì tự do cho Miền Nam. Bảo vệ miền Nam là bổn phận của chúng tôi. Biết bao chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam.  Đến khi “nước mất thì nhà tan”, thì “khốn cho kẻ bại trận!”, thì bị sát hại, bị bắt bớ, bị tù đày.. . Nhiều người thoát thân, suốt đời còn lại, mang mặc cảm tội lỗi với chiến sĩ, đồng bào. Đến nỗi, có vị tướng lãnh cảm thấy mình không xứng đáng được phủ Quốc kì VNCH lên quan tài khi nằm xuống: “Mai tôi chết Cờ Vàng xin đừng phủ, Xác thân này đâu chết cho quê hương...” (Hai câu đầu trong bài thơ Mai Tôi Chết Cờ Vàng Xin Đừng Phủ của Tướng Lê Quang Lưỡng, Cựu tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù kiệt xuất. OCGroupForum@yahoogroups.com). Sau 30.4.1975, hết chiến tranh rồi, thế mà hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH vẫn bị tù đầy không xét xử và vô thời hạn, thì đâu rồi Lm. Chân Tín, Chủ tịch của Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam Việt Nam?  Trước 1975, Lm. Chân Tín tích cực tranh đấu cho tù nhân Việt Cộng; sau 30.4.1975, ông chỉ “thông cảm” với “những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị Cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đày” mà thôi!
Cái mà chúng tôi muốn không phải là sự “thông cảm” của Lm. Chân Tín mà là một lời xin lỗi nước Việt Nam Cộng Hòa của ông. Bởi vì ngày xưa, đang khi hàng trăm xe tăng, đại bác cùng mấy trăm ngàn bộ đội CSBV tràn vào dầy xéo miền Nam tự do, gây nên cảnh núi xương, sông máu thì Lm. Chân Tín cùng mấy ông tu sĩ, trí thức và bọn Việt Cộng nằm vùng, bọn thân Cộng, bọn khuynh tả lại chắp tay nguyện cầu cho chim bồ câu trắng xuất hiện; các ông chống và bôi lọ chính phủ và cuộc chiến đấu tự vệ của quân dân VNCH; các ông đòi hoà bình tức khắc; các ông lên án và tố cáo chính phủ VNCH bắt bớ, đàn áp sinh viên…
Có thể đúng, Lm. Chân Tín không bao giờ là Cộng sản, nhưng nói ông “không bao giờ theo Cộng sản” thì không đúng . Giá như Lm. Chân Tín là Việt Cộng thì dễ cho chúng tôi phân rõ bạn thù, phân rõ chiến tuyến. Trong trường hợp đó, linh mục là đối thủ của chúng tôi và cõ lẽ không đáng khinh. Phiền một nỗi, linh mục lại nằm trong số những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, trở thành kẻ nội thù, kẻ nối giáo cho giặc, kẻ theo đóm ăn tàn. Thế mới nguy hiểm và đáng khinh.
Sau 30.4.1975, Lm. Chân Tín được đưa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM (Sai Gòn).  Và để màn tuồng bầu cử Quốc hội Cộng sản “thêm phần vui vẻ”, Lm. Chân Tín được Mặt trận tổ quốc cho ra tranh cử đại biểu Quốc hội CS khóa 6, đơn vị Quận Tân Bình.  Có lẽ theo tính toán của Cộng sản trong thời điểm ấy, tiêu chuẩn chỉ có 1 linh mục Công giáo tại Sài Gòn được làm đại biểu Quốc hội. Trên thực tế, Cộng sản đã chấm định Lm. Huỳnh Công Minh làm đại biểu khóa này rồi thì đương nhiên Lm. Chân Tín phải thất cử.
Rồi đến lượt báo Đứng Dậy (tức Đồng Dao, ĐD, Đối Diện) bị đình bản, sau khi ra số cuối cùng 114 vào Tháng 12.1978, vì lí  do “đã hoàn thành nhiệm vụ”!
Từ đó, Lm. Chân Tín vỡ lẽ ra. Ông và đàn em thân thiết của ông là Gs. Nguyễn Ngọc Lan quay ra chống Cộng! Gs. Nguyễn Ngọc Lan viết 3 tập Nhật Ký: Nhật Ký 1988, Nhật Ký 1989-90, Nhật Ký 1990-91, đều do Tin Nhà, Paris, xuất bản. Ngày 05.8.1990, Gs. Nguyễn Ngọc Lan bị Công an tới xét nhà và đọc lệnh quản thúc ông 3 năm tại gia.
Mùa Chay Tháng 4.1990, Lm. Chân Tín giảng 3 bài Sám hối. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 16.5.1990, ông bị xử phạt 3 năm phát vãng ra xã Cần Thạnh, Cần Giờ, vì các lí do: chống CNXH, chia rẽ nội bộ tôn giáo, phá hoại đoàn kết đạo đời, gửi tài liệu ra nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Ngày 12.5.1993, Lm. Chân Tín được thả về vô điều kiện.
Tuy được thả về, giọng điệu của Lm. Chân Tín càng ngày càng cay cú hơn. Ngày 28-1-1996, Lm. Chân Tín trả lời phỏng vấn đài VNCR, ông nói:’’ Chúng tôi ngồi yên nhìn cái ngu dốt và cái sa lầy của một chế độ đang trên đà tan rã’’.
Như bát nước đầy, Cộng sản không kể gì tới công lao của Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan trước đây nữa, họ ra quyết định thanh toán hai ông (từ chết đến bị thương). Ngày 04.5.1998, trên đường đi dự đám tang cựu đảng viên gộc đã phản tỉnh Nguyễn Văn Trấn bằng xe gắn máy, Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã bị mưu sát bằng cách cho người kè theo xe và đạp 2 ông té giữa đường. Lm. Chân Tín chỉ bị xây xước nhẹ, nhưng Gs. Nguyễn Ngọc Lan bị thương nặng. May mắn, cả hai thoát chết.
Quan sát những hành động lúc sau này của cặp Lm. Chân Tín – Gs. Nguyễn Ngọc Lan, tuy không thấy hai ông nói ra lời xin lỗi nước VNCH mà hai ông đã hung hăng đánh phá, nhưng chúng tôi “lạc quan” tin là có lẽ hai ông đã “phản tỉnh” cho nên đã viết như sau trong phần cuối bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan (motgoctroi.com. Mục Lịch sử cận đại): “Mùa chay 4/1990, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, Lm. Chân Tín đã giảng 3 Bài Giảng Sám Hối: Sám Hối Cá Nhân, Sám Hối Trong Lòng Giáo Hội, Sám Hối Trong Lòng Dân Tộc.
Mở đầu bài giảng Sám Hối Cá Nhân, Lm. Chân Tín nói ngay: “Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước nhất”. Nói thế, nhưng ông không chính thức nói lời sám hối về những hoạt động có lợi cho Cộng Sản của ông trước đây. Ông không đủ can đảm nói lời xin lỗi nước VNCH và đồng bào miền Nam yêu tự do. Song ông đã dán tiếp nói lên tâm tình sám hối của ông bằng cách diễn giảng quan niệm sám hối “không phải đấm ngực khóc lóc…không phải chỉ có ân hận…”, nhưng “sám hối là đổi mới sau khi đã ân hận”. Có lẽ ông đã kín đáo ám chỉ bây giờ lời nói, hành động của ông đã khác trước, tức là ông đã đổi mới, chứng tỏ ông đã sám hối chăng? Lm.Chân Tín lặp lại quan niệm sám hối này trong bài giảng Sám Hối Trong Lòng Dân Tộc: “Chúng ta thấy Liên Xô và các nước Đông Âu đã ân hận, đã sám hối bằng cách đổi mới (Nguyễn Văn Trấn. Viết Cho Mẹ và Cho Quốc Hội. Tph. HCM. Trang 406)”.
Tiếc thay, chúng tôi đã lầm.  Trong Bài giảng Sám hối thứ nhất, Lm. Chân Tín có nói: “Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước nhất”, nhưng ông không cho biết đích xác ông định sám hối “tội lỗi” gì, “tội lỗi” đối với ai.  Sau này người ta mới biết rõ một điều là ông không hề sám hối việc ông đã góp phần “làm sụp đổ miền nam”.  Bởi vì, ngày 28.01.1996, khi đài VNCR hỏi Lm. Chân Tín rằng: “…linh mục có phải sám hối không, vì….những hoạt động của linh mục trước 75 có ảnh hưởng đến thành công của cộng sản trong việc làm sụp đổ miền Nam?”.  Lm. Chân Tín trả lời:  “...tôi cũng sám hối. Nhưng không vì đã hoạt động bảo vệ quyền con người trong chế độ cũ.  Chính chế độ cũ vi phạm nhân quyền, nên cộng sản mới lợi dụng những vi phạm ấy, lôi kéo dân chúng theo họ…!” (Tin Nhà số 23. Trang 18-21).
Mọi người thấy rõ, thời chiến, tuyệt đại đa số dân miền Nam sợ Cộng sản. Cộng sản tới đâu, dân chúng lập tức chạy thục mạng về phía Quốc gia. Chỉ một số rất ít trí thức, tu sĩ thành thị khuynh tả, thân Cộng và một số ít dân quê bị Cộng sản tuyên truyền dụ dỗ là đi theo họ. Nhưng sau khi Cộng sản chiếm trọn miền Nam một ít lâu, hầu hết những người này đã hối hận, nhưng không còn kịp nữa. Không còn kịp nữa, nhưng ít ra, họ đã hối hận: Có người dám nói lời xin lỗi; có người tự thú là đã ngây thơ; có kẻ vượt biên; có kẻ lặng lẽ rút lui khỏi giang hồ... Một mình Lm. Chân Tín vẫn hiên ngang với thành tích “bảo vệ nhân quyền trong chế độ cũ”!
KẾT
Hãy thôi không tản mạn chuyện chính trị của cuộc chiến Quốc - Cộng nữa, chẳng hạn như chuyện đâu là bạn, đâu là thù; đâu là kẻ gây chiến và đâu là kẻ chiến đấu tự vệ.
Hãy thôi không nói chuyện đạo đức chung chung của con người, tức cái đạo “nhơn giả nhân dã” (“nhơn từ ấy là đạo làm người vậy”). “Nhơn” (viết chữ nhân thêm 2 gạch ngang. Thiên Nhân Địa. Tam tài.) là cái gốc của nhân quyền, của tự do, bình đẳng…
Vì Lm. Chân Tín là một linh mục, cho nên xin thử học hỏi Đạo Yêu Thương của Đức Kitô với cụ đại lão linh mục Chân Tín: Chúa là Tình Yêu. Chúng ta đều là con Chúa, nên là anh chị em với nhau. Anh chị em phải yêu nhau vì đều là con một Cha. Thưa, có đúng như vậy không cơ?
Đạo lí của lòng tốt muốn bảo vệ quyền con người bắt nguồn từ tình yêu thương cao cả ấy. Tình yêu thương ví như nước, ở đâu có chỗ trũng thì chảy vào, trũng nhiều thì chảy vào nhiều. Vậy mà, thời chiến, có biết bao nhiêu nạn nhân Cộng sản, sao Lm. Chân Tín và báo Đối Diện không đoái hoài mà lại chỉ tranh đấu bảo vệ cho một nhóm nhỏ sinh viên Việt Cộng? Đó chắc không phải là dấu hiệu của Tình yêu thương chân chính.  Những hoạt động của linh mục không mang tính thánh thiện, cao cả, vô tư  mà là thứ tình yêu thương mạo nhận, giả tạo, nhằm phục vụ mưu đồ chính trị phe phái, tranh bá đồ vương, chứ không phải là đang “thi hành sứ mạng ngôn sứ” gì cả.
Nếu so sánh hai cụ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế: Chân Tín và Trần Hữu Thanh, người ta thấy cả hai đều giống nhau ở một điểm là cùng tranh đấu chống chính quyền VNCH. Lm. Chân Tín tranh đấu nhân quyền dỏm, thiên vị, gian dối, làm cho VNCH suy yếu. Lm. Trần Hữu Thanh chống chính quyền tham nhũng. Coi như ông làm việc tốt. Khổ nỗi, tuy ông chống đúng nhưng lại quá sai thời điểm. Tới thời điểm VNCH sức cùng lực kiệt, đang đứng bên bờ vực tử sinh, thì Lm. Trần Hữu Thanh khởi xướng phong trào chống tham nhũng. Hành động của Lm. Trần Hữu Thanh như một cú đạp mạnh, làm cho VNCH mau chóng rớt xuống hố. Sao ông không chống sơm sớm một chút?
Sau khi Cộng sản chiếm trọn miền Nam, Lm.Chân Tín không bị tù, tức ông có công với chế độ. Lm. Trần Hữu Thanh, chắc có dính líu với bàn tay lông lá, cho nên Cộng sản bắt ông đi tù 4 năm và 9 năm quản chế ở miền Bắc.  Khi được tự do, Lm. Trần Hữu Thanh không về sống ở miền Nam. Ông sống lặng lẽ, âm thầm làm việc mục vụ và giúp cải thiện đời sống cho nông dân nghèo ở thôn Trần Nội, Hải Phòng, đồng thời góp sức gây dựng lại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội. Ông yên lặng thì thiên hạ cũng để cho ông yên, ít ai đả động chuyện ông chống tham nhũng vào giờ thứ hai mươi lăm ngày xưa nữa. Lm. Trần Hữu Thanh qua đời năm 2007, dân chúng tiễn đưa ông như tiễn đưa một mục tử nhân hậu, một vị tu hành tận tụy hi sinh vì dân nghèo, bất kể lương giáo.
Như đã nói trên đây, sau 30.4.1975 khoảng 2 năm, Lm. Chân Tín đã vỡ lẽ ra, ông quay ra chống Cộng.  Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do, dân chủ, và vì sự toàn vẹn lãnh thổ.
Ở trong nước, hiện nay, biết bao nhiêu người bất mãn chế độ, nhưng vì Cộng sản sẵn sàng dùng bạo lực, bất chấp luật lệ, cho nên chỉ có một số ít nhà ái quốc anh hùng, quyết hi sinh tất cả, mới dám lên tiếng (mới chỉ là lên tiếng) mà thôi. Trong số đó, có Lm. Chân Tín.
Ước mong cụ linh mục, hiện chưa đủ can đảm nói lời xin lỗi nước VNCH, thì hãy tiếp tục dùng khả năng, kinh nghiệm, tiếng tăm và cả tuổi đại thọ của bậc nhân tiên qúy hóa của cụ để tranh đấu cho chính nghĩa Quốc gia dân tộc. Coi như cụ đang “đái tội lập công”.
Lịch sử bao giờ cũng có đủ thời gian!  Không như người Cộng sản chủ trương  “giết lầm còn hơn tha lầm”, người Quốc gia chân chính có đủ sáng suốt, sẽ xét đoán phân minh công tội đối với các nhân vật đã dính líu tới trang sử đau thương thời cận đại của nước nhà.
Miễn là, xin cụ linh mục hãy yên lặng. Đừng tiếp tục “chống Mĩ Thiệu” và tố cáo chính quyền VNCH bắt bớ “sinh viên” nữa. Hãy khép khoảng thời gian tranh đấu năm 1970 sôi nổi của cụ và của báo Đối Diện lại. Làm thế, có lẽ công luận cũng sẽ đối xử tương tự với các hoạt động tai hại của cụ trong quá khứ.
*Bạch Diện Thư Sinh

LÀM CHỦ CAM RANH, LÀM CHỦ BIỂN ĐÔNG

Ai làm chủ Cam Ranh, người ấy sẽ làm chủ Biển Đông

 Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, vịnh Cam Ranh luôn  giữ vai trò là một quân cảng quan trọng bậc nhất. Hội tụ đầy đủ những ưu thế mang tầm chiến lược về địa lý, hàng hải cũng như vị thế lịch sử quan trọng, Cam  Ranh ngày nay luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của giới quân sự mà  còn của cả các nhà đầu tư quốc tế.
Ai làm chủ được Cam Ranh, người ấy sẽ làm chủ được Biển Đông.
Vịnh Cam Ranh nằm trên tọa độ 11 độ kinh Đông, 12,10 độ vĩ Bắc, thuộc tỉnh  Khánh Hòa, có vị trí địa – chính trị chiến lược quan trọng trên các tuyến hàng  hải quốc tế Singapore, Hồng Công, Thượng Hải, Yokohama. Được hình thành từ hai  nhánh núi bao bọc, vịnh Cam Ranh có chiều rộng trung bình 8-10km, chiều dài ăn  sâu vào đất liền từ 12-13km, độ sâu từ 18-32m, có diện tích hơn 60 km2 và cách đường hàng hải quốc tế khoảng 1 giờ tàu biển.
Điều kiện thủy văn, địa chất rất thuận lợi, thủy triều trong vịnh khá đều đặn, tương đối đúng giờ. Đáy vịnh bằng phẳng, chủ yếu là cát pha bùn khá chắc.  Ngoài cửa vịnh có các đảo và cù lao chắn gió nên vịnh lặng sóng, thuận tiện cho  tàu neo đậu, tàu có trọng tải 100.000 tấn ra vào dễ dàng.
Nhiều nhà chiến lược phương Tây đã đánh giá Cam Ranh là một “pháo đài tự nhiên lý tưởng”, “một đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”. Cửa vào cảng vịnh Cam  Ranh hẹp bé, khó tiến công, dễ phòng thủ địa thế hiểm yếu, khống chế được toàn  khu vực biển Đông và là khu phòng thủ trọng yếu chiến lược trấn giữ giữa Thái  Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tạp chí Hải quân Mỹ “Proceedings” số tháng 10/1991 có  viết: “Đối với hải quân Mỹ, Nga hay Trung Quốc, ai làm chủ được Cam Ranh, sẽ làm  chủ được “trò chơi mèo vờn chuột” ở vùng biển Đông Nam Á và biển Đông”.
Từ xa xưa, các nhà quân sự đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của vịnh  Cam Ranh. Tại đây hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để xây dựng Cam Ranh thành  một căn cứ quân sự lớn trong khu vực.
Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1905, sau khi hạm đội Viễn Đông bị Nhật  Bản đánh tan, các tàu của hạm đội Bantích của Nga hoàng Nicolas đệ II do Đô đốc  Zinovy Rozhestvensky chỉ huy vượt qua hành trình trên 16.628 hải lý đến Viễn Đông đã ghé vào vịnh Cam Ranh ngày 12-4-1905 để sửa chữa, tiếp nhiên liệu, lương  thực, nước ngọt và than suốt một tháng trước khi tham gia trận đánh tại eo biển  Tsushima nằm giữa Triều Tiên và Nhật Bản.
Sau chiến tranh Nga – Nhật, lo sợ trước âm mưu tranh giành thuộc địa của Nhật  Bản ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, năm 1911, Chính phủ Pháp đã cử Đại úy hải  quân Fillommeus chỉ huy xây dựng một quân cảng ở Cam Ranh. Vào giữa năm 1939,  Pháp xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch “Phòng thủ chung” ở Đông Dương và xây dựng nhiều công trình quân sự khác trên bán đảo Cam  Ranh hòng đối phó với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng ngày 15/9/1940,  Nhật gửi tối hậu thư đòi kiểm soát các căn cứ hải quân, trong đó có cảng và vịnh  Cam Ranh. Năm 1942, Nhật chiếm cảng Cam Ranh, đồng thời xây dựng thêm sân bay  làm bàn đạp chính để đánh chiếm Malaysia và các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái  Bình Dương.

Tượng đài Cam Ranh.
Trong chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một trong những căn cứ quân sự quan  trọng nhất của quân đội Mỹ và Chính quyền VNCH. Năm 1965, Mỹ quyết định xây dựng  Cam Ranh thành căn cứ quân sự liên hợp hải-lục-không quân và khu hậu cần lớn  nhất Đông Nam Á để làm căn cứ tiếp liệu, khí tài quân sự và binh sĩ cho chiến  tranh Việt Nam, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương. Tại đây,  Mỹ đã xây dựng căn cứ không quân gồm 1 sân bay có 2 đường băng với chiều dài hơn  3.000m (10.000 feet) dùng cho các loại máybay hiện đại kể cả B-52, 1 sân bay  dùng cho trực thăng và hệ thống đường sá với tổng chiều dài 260km…
Tháng 3/1967, chính quyền VNCH đã ký hiệp định vùng bán đảo và vịnh Cam  Ranh cho Mỹ trong 99 năm, bao gồm một vùng rộng lớn với diện tích 260km2 và Mỹ  đã biến Cam Ranh thành căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á. Vịnh Cam Ranh trở thành trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tuần tra trên không của Hải quân Mỹ để giám sát chiến dịch “Market Time”, nhằm ngăn chặn Quân VC . Căn cứ Cam Ranh trở thành địa điểm chính sửa chữa tàu chiến và cung cấp đạn dược, hậu cần cho hải  quân, bao gồm cả cho tàu khu trục và tàu đổ bộ của Hạm đội 7, Mỹ.
Năm 1968, quân số của quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh ở Cam  Ranh lên tới 30.000 quân (20.000 quân Mỹ và 10.000 quân của các nước đồng minh . Ở khu vực này còn xây dựng hệ thống kho tàng hậu cần hoàn chỉnh, hệ thống ra đa,  trận địa pháo và hệ thống  phòng không. Đặc biệt tại đây, quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng cá heo được huấn luyện để bảo vệ cảng Cam Ranh.

Cam Ranh thời bình – Căn cứ địa bảo vệ và dựng xây đất nước
Để khẳng định lại quan điểm  của Việt Nam, ngày 30/10/2010, tại cuộc họp  báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị cấp cao liên  quan,  Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo, Việt Nam đã quyết định sẽ tự mình xây  dựng cảng Cam Ranh bằng nguồn lực của chính mình. Cảng này sẽ trở thành một  Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp, bảo đảm phục vụ Lực lượng Hải quân Việt Nam” và  “Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, khi họ yêu cầu. Việt Nam sẽ cung cấp các dịch vụ như nhiều các quốc  gia khác đã làm và theo cơ chế thị trường.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam và châu Á tại Học viện Quốc  phòng Australia đã đánh giá cao quyết định của Việt Nam khi cho rằng, hiện nay  nhiều nước quan tâm đến địa điểm và quyền tiếp cận hơn là thiết lập căn cứ. Việc  mở cửa vịnh Cam Ranh cho lực lượng Hải quân ngoại quốc là một ngón đòn  ”bậc thầy” trong chính sách đối ngoại “đa phương” của Việt Nam.
Khi Trung tâm Cảng dịch vụ hậu cần kỹ thuật đi vào hoạt động, các  tàu ngoại quốc sẽ được bảo đảm các dịch vụ như tiếp nhiên liệu và các  nhu yếu phẩm khác, bảo dưỡng, sửa chữa, thủy thủ đoàn nghỉ ngơi. Nguồn tài chính  từ các dịch vụ này sẽ giúp chúng ta bù lại những chi phí cho các hoạt động cả dân sự và quân sự. Đồng thời một mặt là cơ hội để cho VN  nghiên cứu,  học hỏi và tiếp cận những kỷ nghệ đóng tàu hiện đại của thế giới, mặt  khác VN bớt lãng phí về năng lực. Chúng ta có quyền hy vọng Cam Ranh có thể trở thành một trong những cảng dịch vụ tốt nhất trong khu vực trong những năm  tới.
Nhiều nước chú ý đến cảng Cam Ranh. Đó  thường là những quốc gia đều có lợi ích thiết thân trong việc duy trì quyền tự do thông thương ở Biển Đông. Sự hiện diện của tàu quốc tế tại Cam Ranh nâng cao  vị thế của Việt Nam.
Vốn  là một căn cứ quân sự, được đánh giá là một trong những cảng tự nhiên tốt nhất  khu vực châu Á, Cam Ranh chiếm một vị trí trung tâm trong chiến lược của Việt  Nam chống lại những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Cộng trong  cuộc tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, một trong những huyết mạch lưu thông  hải hàng trên thế giới.
Sau  khi hải quân Nga rút khỏi cảng Cam Ranh vào năm 2002, chính quyền CS Việt Nam đã  tuyên bố xây dựng khu vực này thành một cảng thương mại, không để cho hải quân  nước khác thuê. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi.
Vào  lúc Trung Cộng phát triển bộ máy quân sự trong đó có lực lượng hải quân, đe  dọa các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền, gây hấn với các tàu khảo sát của Mỹ trong khu vực, vào cuối năm ngoái, thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đã  nói đến khả năng cho tảu bè ngoại quốc vào cảng Cam Ranh để tiếp liệu hoặc sửa chữa.
Theo giới quan sát, mặc dù Việt Nam có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Cộng và giới lãnh đạo hai nước luôn nhắc đến tình hữu  nghị láng giềng, thế nhưng, mối bang giao song phương đang chịu nhiều sức ép do  cách hành xử ngày càng hung hăng của Bắc Kinh.
Trung Hoa đã xây dựng một căn cứ hải quân ở đảo  Hải Nam, phía bắc vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm nâng cao khả năng can  thiệp của hải quân và thực thi chính sách ngoại giao cưỡng chế tại Biển Đông.  Các sự kiện gần đây liên quan đến việc tàu hải giám và ngư chính Trung Cộng  cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay tại nơi mà Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, cho thấy quyết tâm chính trị của Bắc Kinh  thực hiện các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông.
Một  trong những phương cách đối phó của Việt Nam là tìm cách quốc tế hóa hồ sơ tranh  chấp chủ quyền, kêu gọi các nước Đông Nam Á có liên quan như Mã Lai Phi Luật Tân  , Brunei cùng phối hợp đàm phán, và hoan nghênh Hoa Kỳ giúp làm dịu căng thẳng ở Biển Đông.
Vì  vậy, việc mở của cảng Cam Ranh đón tiếp  tàu bè ngoại quốc nằm trong chiến lược của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia về an ninh, việc thay đổi mục đích  sử dụng cảng Cam Ranh sẽ tạo ra một nguồn thu nhập quan trọng cho Việt Nam. Thế nhưng, lý do chính là để đối phó với sự thống trị của hải quân Trung Hoa  tại Biển Đông, một vùng biển được đánh giá là có nhiều trữ lượng về dầu khí,  nguồn hải sản dồi dào và có nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan  trọng.
Theo thời báo Financial Times, thì hải quân của rất  nhiều nước đều quan tâm đến cảng Cam Ranh. Ngoài Hoa Kỳ và Nga, còn có Ấn Độ, Nam Hàn , Úc… Đó là những quốc gia đều có lợi ích thiết yếu trong việc duy  trì quyền tự do thông thương ở Biển Đông.
Mặt  khác, sự hiện diện của tầu bè các nước tại Cam Ranh nâng cao vị thế của Việt  Nam. Giống như trường hợp của Singapore khi mở cửa cảng Changi đón tiếp hải quân  Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan và các nước khác. Điều này rõ ràng giúp cho Singapore  cảm thấy yên tâm hơn về an ninh, đồng thời tạo thêm một nguồn thu nhập cho  Singapore, khoảng 30 triệu đô la mỗi năm, qua việc cung ứng dịch vụ cho tàu bè  thế giới.
Cảng Cam Ranh nằm kẹp giữa dãy núi phía tây Việt Nam và Biển Ðông, gần thành phố Nha Trang, ở miền nam. Ðây là một trong những cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất khu vực châu Á. Trong thế kỷ 19, chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng căn cứ đóng tàu thủy hiện đại đầu tiên ở Cam Ranh. Sau đó, cảng được mở rộng thêm 20 hải lý theo hướng Bắc – Nam và 10 hải lý chiều rộng.
Người Pháp sau đó đã biến nơi đây thành cảng quân sự. Năm 1940, quân đội Nhật Hoàng xâm chiếm Ðông Dương và sử dụng cảng Cam Ranh làm nơi xuất phát của hải quân Nhật Bản. Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ phát triển mạnh cảng quân sự Cam Ranh. Năm 1965, chính quyền Việt Nam Cộng hòa giao cho Hoa Kỳ quản lý cảng này. Ðến năm 1972, Mỹ trả lại cho Việt Nam Cộng hòa trong khuôn khổ kế hoạch Việt nam hóa chiến tranh của tổng thống Richard Nixon.
Sau năm 1975, hải quân Liên Xô, đồng minh chiến lược của Cộng sản Việt Nam đã sử dụng quân cảng Cam Ranh. Năm 1979, Việt Nam cho hải quân Liên Xô thuê trong vòng 25 năm. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hải quân Liên bang Nga đã rút khỏi Cam Ranh trước thời hạn, năm 2002. Cho đến nay, chỉ có một số tàu bè nhỏ của Việt Nam neo tại cảng Cam Ranh.
Cuối năm 2010,  Nguyễn Tấn Dũng mới nói đến việc mở cửa và phát triển cảng Cam Ranh để đón tiếp tàu bè nước ngoài.

TuoiTre USA
(Nguồn : Financial Times)

HẬU QUẢ CỦA VIỆC HOA KỲ BỎ RƠI ĐÔNG DƯƠNG

Tác Giả: Giáo sư Robert F. Turner   

Tôi là một sinh viên trong số tương đối ít ỏi đã thực tin rằng việc chống Cộng sản xâm lược là việc đúng của Hoa kỳ ở Việt Nam, Lào, Cambodia là đúng.
Tôi lần đầu đến Việt Nam trong một giai đoạn ngắn khi là phóng viên năm 1968, rồi quay về đi lính, bắt đầu chức vụ Trung úy rồi sau lên Đại úy rồi trở lại đó hai lần làm việc tại một bộ phận của toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, là Văn phòng Nghiên cứu về Bắc Việt và Việt Cộng. Tôi có cơ hội được đi tới nhiều địa phận tại Việt nam, khoảng 44 tỉnh thành, có chỗ chỉ đi ngang qua. Tôi được qua Lào, Cambodia. Sau khi giải ngũ tôi gia nhập Hoover Institution, tôi đã viết cuốn sử quan trọng đầu tiên bằng tiếng Mỹ về “Cộng sản Việt Nam” .
Trong hơn hai chục năm, tôi đã có nhiều khóa giảng dạy tại viện Đại học Virginia về Chiến tranh Việt Nam. Vì thời giờ có hạn, tôi phải nói ngắn, nhưng trước khi đề cập tới chủ điểm của bải thuyết trình, tôi xin có thêm một lời cảnh báo, nhất là với các khán thính giả trẻ tuổi.
Rằng đa số lập luận “sáng suốt phổ biến” của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam thật ra lại không đúng. Rất đáng tiếc rằng điều ấy có nghĩa là đa số những gì được giảng dạy tại cấp trung và đại học lại gần với thần thoại hơn là lịch sử. Tôi chi xin đơn cử hai thí dụ, hai thí dụ quan trọng:
1- Ngày nay, chúng ta được nghe rằng cuộc chiến Việt Nam là “bất khả thắng”. Chúng ta đứng sai chỗ. Tôi xin được góp tiếng bên cạnh nhiều sử gia thuộc loại xuất sắc nhất ngày nay khi nêu lập luận ngược rằng chúng ta không chỉ hy vọng thắng mà thực tế đã thắng vào đầu thập niên 1970. (Và khi nói “chúng ta”, tôi không nghĩ rằng đấy là Quân lực Hoa Kỳ mà là nỗ lực chung của hai quân đội miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ cùng với người dân miền Nam).
2- Chuyện gì đã xảy ra? Khi tôi tuyên bố là có thể thắng. Tôi xin đưa câu nói của người bạn thân Douglas Pike: ông Douglas Pike đã quá vãng, người mà tôi hoán đổi công vụ nhiều lần trong Sứ quán Hoa Kỳ, ông Pike nói rằng: Tôi tin rằng chúng tôi có thể đã thắng cuộc chiến Việt Nam. Tôi tin rằng trong tương lai lịch sử sẽ nói rằng chúng ta đã thắng. Đó là sự thật.
Một số thí dụ sau đây sẽ chứng minh.
Có một bài viết trong báo Foreign Affairs năm 2004 do Giáo sư John Lewis Gaddis Khoa trưởng Americạn Diplomatic Historians nói rằng: Các sử gia hiện tại công nhận rằng miền Nam Việt Nam và đồng minh đã thắng cuộc chiến quân sự. Nh­ưng lại thua cuộc chiến tâm lý tại Mỹ. Tôi xin nhắc lại cho quý vị trẻ biết sau khi bị bỏ bom tơi bời Hà Nội vội vã trở lại đàm phán tại Paris. Và mọi chuyện êm xuôi nếu chúng ta dùng máy bay B52 để trấn giữ hiệp định.
Nhưng quốc hội với áp lực của “Phong trào Hòa Bình” đã thông qua dự luật vào tháng năm 1973. Sẽ là bất hợp pháp nếu Tổng Thống sử dụng bất cứ đồng nào trong công quỹ cho cuộc chiến tại Việt Nam, Lào và Cambodia. Làm như vậy, Quốc hội đã chuyển thắng thành bại. Quốc hội phản bội lời cam kết lịch sử của Hoa Kỳ là bảo vệ các nước không Cộng sản tại Đông Dương. Lúc ấy tôi làm việc tại Thượng nghị viện, nghị sĩ Ted Kennedy tuyên bố rằng “Việt Nam không cần giúp đỡ, họ đã có lượng vũ khí trị giá vô số triệu đô la”. Đó là sự thật. Việt Nam có phi cơ trực thăng, xe tăng Hoa Kỳ. Nhưng cái mà họ không biết là, Việt Nam không có đạn, không có xăng. không có phụ tùng. Đống đồ đó trở nên vô dụng. Đây là câu chuyện tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe. Ngay sau khi sơ tán từ Việt Nam về tới Mỹ, tôi gặp Nghị sĩ Ted Kennedy tại Thượng Nghị Viện. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy khi trở về Mỹ. Ông ấy đứng cách tôi khoảng 3 mét. Tôi cung tay phải lên và tự nhủ: “mình phải cho nó biết tay, phải đấm gục hắn ta và nói cho thế giới biết rằng chúng tôi vừa mới phản bội chính danh dự của mình và bỏ rơi những người đáng yêu.”
Nhưng tôi đã tự cản bản thân mình vì làm vậy sẽ ảnh hưởng đến cương vị Nghị sĩ của tôi và Ted Kennedy sẽ trở thành người hùng. Không phải là việc làm đúng đắn nhưng đôi lúc tôi nghĩ là mình đã bỏ rơi cơ hội ấy.
Sau khi Quốc Hội cắt hết viện trợ cho Việt Nam, Trung cộng gia tăng viện trợ cho Hà Nội. Phạm Văn Đồng nói rằng: “Được cho kẹo tụi nó cũng không dám quay lại”. Đó là lý do của sự thất bại tại chiến trường Việt Nam.
Quân nhân Mỹ, QLVNCH, và miền Nam Việt Nam không bị bại trận, mà thua vì cái gọi là “tự do” của Quốc hội Hoa Kỳ.
Điềm thứ 2 tôi muốn đưa lên là: Việt Nam rất quan trọng. Họ cho rằng Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến “phi lý” tiến hành không lý do chính đáng, do hiểu lầm về vụ đụng độ không đáng kể ở Vịnh Bắc Bộ. Thật sự là ngớ ngẩn.
Tôi đã viết 450 trang trình bày trong luận án đạt giải danh dự năm 1966. Tôi đã ghi lại vào tháng Năm 1975 đảng Lao động của Cộng sản Việt Nam đã quyết định từ Tháng Năm năm 1959 là mở ra đường mòn Hổ Chí Minh và gửi vào Nam nhiều ngàn lính và vô số chiến cụ với mục đích lật đổ chính phủ trong Nam. Đây là hành động xâm lược quốc tế và vi phạm Hiên chương Liên hiệp quốc. Hoa Kỳ tham chiền để giúp người dân miền Nam tự vệ vì cùng một lý do như việc chúng ta tham chiến tại Cao Ly, nhằm bảo vệ tự do của con người và thực thi việc chống xâm lược đã được ghi trong Hiến chương Liên hiệp quốc.
Trong cuốn sách “Cộng sản Việt Nam” xuất bản năm 1975, Hà Nội đã nhiều lần xác nhận sự thực đó từ Tháng Năm năm 1959 ngay ngày sinh nhật Hồ Chí Minh. 10 năm trước, chúng tôi đã thảo luận tại Đại học Luật Virginia về vấn đề hợp pháp này. Luật quốc tế và Hiến chương Liên hiệp. Không thể thảo luận nối vì Hà Nội lập luận rằng đó là nội chiến trong miền Nam VN v.v... hãy bỏ qua 1 số điểm vì thời gian có hạn.
Tôi nêu lên hậu quả của việc bỏ rơi VN.
Tôi có thể nói hoài về việc người Mỹ bỏ rơi Việt Nam. Tôi là người đứng ngay trong trận khi Quốc Hội biểu quyết không giúp đỡ Angola vì sự xâm lăng của Xô Viết. Kết quả nạn nhân bị tử vong ở đấy được ước lượng là không dưới trăm ngàn người.
Đến việc Liên Xô xâm chiếm Afghanistan khiến cả triệu người chết. Sẽ không xảy ra nếu chúng ta không rút lui.
Và lần đầu tiên trong sáu chục năm, Moscow bảo với tay sai của họ ở Mỹ châu La Tinh rằng tiến hành “đấu tranh võ trang” để cướp chính quyền thì cũng được, từ đấy mới xảy ra nội chiến tại El Salvador, Nicaragua, Honduras, Guatemala, Costa Rica và các nước khác trong vùng. Vô số người lại thiệt mạng vì chuyện đó. Một số lớn súng M16 tịch thu được từ quân phiến loạn El Salvador, căn cứ theo số xê ri là súng bỏ lại tại chiến tranh VN của quân đội Mỹ. Hà Nội đã cung cấp cùng với Xô Viết qua đường Cuba rồi đưa lậu qua El Salvador.
Cho những người nói chiến tranh VN là phi lý. Họ đã sai.
Nhưng hôm nay tôi không muốn tập trung về các vấn đề dù rất quan trọng là đia dư chiến lược. Tôi muốn nói về hậu quả của quyết đinh của Hoa Kỳ đối với con người.
“Phong trào hòa bình” - của phe phản chiến - trấn an chúng ta rằng Hoa Kỳ chỉ lần rút quân và chấm dứt chiến tranh thì mình sẽ phát huy “nhân quyền” và “ngăn nạn tàn sát”. Tôi rất ngại nói về những gì xảy ra tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, vì trong hội trường này và tại khu “Little Sàigon” có nhiều người đã trực tiếp nếm mùi và biết rõ hơn những gì mà mọi “học giả” Mỹ có thể muốn biết. Nhưng có một số sự thật thì đã rõ ràng.
Hãy trước tiên nói về nhân quyền. Tháng Tư năm 1975, khi sự chiến thắng của Cộng sản đã thành hiển nhiên cho mọi người, Đệ nhất Bí thư đảng Lao Động là Lê Duẩn đã tuyên bố rằng: sau khi “giải phóng” Miền Nam, chúng ta sẽ biến nhà tù thành trường học”. Tới Tháng 10 năm 1978, nhật báo Times đầy uy tín tại Luân Đôn đã báo cáo sự thật: Cộng sản Việt Nam đã biến nhà trường và cô nhi viện thành nhà tù vì họ có quá nhiều tù nhân.
Điều 11 của Hiệp định Paris ký kết năm 1973 cấm “mọi hành vi trả thù hay kỳ thị các cá nhân hay tổ chức đã hợp tác với một phe bên này hay bên kia”, và còn rõ ràng bảo đảm quyền tự do báo chí, tôn giáo, tự do sinh hoạt chính trị và một loạt những quyền thiêng liêng khác. Vậy mà Tháng Năm năm 1977, tờ Quân đội Nhân dân công khai thông báo “triệt để cấm mọi hành vi chống lại chế độ và tước hết mọi quyền tự do của những kẻ không tin vào xã hội chủ nghĩa”. Bài báo tuyên bố: “Với bọn phản cách mạng... nhân dân ta dứt khoát xoá bỏ quyền tự do ngôn luận và trừng phạt đích đáng”.
Sau đó, một dân biểu duy nhất của Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa được phép tham gia cái gọi là “Quốc hội Thống nhất” đã tuyên bố: Chế độ mới cai tri bằng bạo lực và khủng bố. Không có tự do di chuyển hay lập hội; không có tự do báo chí hay tự do tôn giáo hay... cả quyền tự do có ý kiến riêng... Sự sợ hãi tràn ngập khắp nơi”
QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ
Tháng Chín năm 1970, Trưởng phòng Sài Gòn của tờ Christian Science Monitor là Daniel Sutherland - ông bạn của tôi vào thời ấy - có viết một bài dài về “quyền tự do báo chí” trong Nam. Ông viết: “Dưới bộ luật báo chí mới, Miền Nam bây giờ có một nền báo chí thuộc loại tự do nhất Đông Nam Á...”. Tôi tin chắc rằng mình không là người duy nhất trong hội trường này có thề xác nhận điều ấy. Riêng Sài Gòn thì đã có hơn ba chục tờ báo, và nhiều tờ trong số đó kịch liệt chống chính phủ.
Dĩ nhiên là để thu thập dữ kiện về quyền tụ do ấy, tôi thường cầm máy ảnh lang thang trong Sài Gòn vào những chiều Chủ Nhật được nghỉ. Tôi thấy bày bán công khai những quyển sách như “Chiến tranh Nhân dân và Quân đội Nhân dân” của Tướng Võ Nguyên Giáp là cuốn chỉ nam về nổi dậy của Việt Cộng, vài cuốn của lãnh tụ cộng sản Cuba là Ché Guevarra, và cả các cuốn sách về hay của Mao Trạch Đông. Sau ngày gọi là “giải phóng”, người Cộng sản chiếm đóng đã “tạm thời” đình chỉ xuất bản mọi tờ báo hay tạp chí độc lập. Chưa đầy một tháng sau, mọi tiệm sách báo đều bị đóng cửa và việc mua bán hay tàng trữ các văn hoá phầm xuất hiện “dưới chế độ cũ!” đều bị cấm.
TÙ CHÍNH TRỊ
Một trong các vấn đề nặng nề nhất là những người chống Việt Nam thường nêu ra, là cái gọi là “chế độ phát xít” tại miền Nam đã giam giữ hơn 200 ngàn “từ chính trị”. Khi trở lại Đông Dương vào Tháng Năm 1974 - cũng là dịp thăm viếng Cam Bốt và Lào – tôi chú trọng đến việc điều tra những lời cáo giác trên.
Tôi ghé thăm Linh mục Chân Tín, nổi danh lãnh tụ của “lực lượng thứ ba” nhưng có lẽ là một cán bộ của Hà Nội. Tôi hỏi ông là tìm đâu ra con số “202 ngàn tù nhân chính trị?” Ông ta bảo rằng mình đã hỏi các tù nhân cũ và gia đình thân nhân của họ là họ nghĩ xem có bao nhiêu tù nhân. (Tôi nghi là họ đã cộng lại tổng số của các câu trả lời). Sự thật thì thời đó chỉ có khoảng 35 ngàn tù nhân trong tất cả các nhà tù của Miền Nam.
Tôi cũng gặp một lãnh tụ khác của “lực lượng thứ ba” là bà Ngô Bá Thành, người nói với tôi rằng định nghĩa của bà về “tù nhân chính trị” có thể gồm cả người nh­ Sỉrhan Sirhan, là tay cán bộ người Palestine đã ám sát nghị sĩ Robert Kennedy vào tháng Sáu năm 1968. Mục đích của hắn, bà Ngô Bá Thành giải thích là, “chính trị” khi hắn ám sát một ứng cử viên Tổng thống rất nổi tiếng của Hoa Kỳ .
Rồi còn vụ “chuồng cọp” đầy tai tiếng tại Côn Sơn, được họ mô tả như sau:
,”… xà lim chôn dưới mặt đất với các đống sắt, đồng trên trần thay vì ở dưới. Mà trần xây thấp đến nỗi tù nhân không thể đứng được …”
.”… những hố nhỏ được đào dưới đất và che bằng chấn song sắt.”
- “[Mấy hầm đó] quá hẹp cho những người Việt Nam dù thấp bé cũng không thể nằm duỗi thẳng và trần quá thấp nên tù nhân khó có thể đứng thẳng người”
Thật ra, tôi có đến đảo Côn Sơn và thăm những chuồng cọp này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cùng đồng ý là tôi hơi cao hơn đa số người Việt Nam. Vậy mà tôi chưa thể với tới các chấn song trên trần - vốn cao tới ba thước (khoảng 10 bộ) kể từ mặt đất lên.
Ngay cả lực sĩ Nghiêu Minh (Yao Minh) người Tầu - tay trung phong của đội bóng rổ Rocket's ở Houston bên Texas - cũng chỉ cao tới bảy bộ và sáu phân - hơn hai thước hai - nên anh ta cũng chẳng gặp khó khăn gì đề duỗi dài trong căn xà lim một bề thước rưỡi một bề ba thước của cái gọi lả “chuồng cọp”.
Ít nhất, một số cán bộ chống Việt Nam đã từng cáo giác chuyện “chuồng cọp” biết là họ nói láo. Trước khi qua Việt Nam năm 1974, tôi nói với một người trong số này rằng tôi dự tính sẽ tới nhà tù Côn Sơn đề tự minh xem tận mắt và anh ta có vẻ khó chịu – có lẽ biết rằng tôi sẽ thấy sự thật. Anh ta nói rằng vấn đề thật bây giờ chính là tại nhà tù Chí Hòa ở Sài Gòn.
Vì vậy sau khi thăm Côn Sơn, tôi xin phép vào xem nhà tù Chí Hòa và chưa đầy 48 tiếng sau đã được tới đó trong mấy tiếng đồng hồ. Đây không là nơi mà mình thích sống nhưng cũng chẳng tệ hơn đa số các nhà tù và bên trong tôi không thấy dấu vết gì của những sự lạm dụng phổ biến. Tôi nói riêng với vài người Mỹ đã từng ở trong này và họ nói rằng dù có nghe nhiều lời tố cáo nhưng tất cả đều cho biết là họ không hề nghe thấy “tiếng gào thét trong đêm vắng” hoặc được báo cáo về nạn tra tấn hay hành hạ tù nhân.
NGĂN CHẬN TÀN SÁT
Bi thảm nhất của những người chống Việt Nam là lý luận của họ, rằng cắt viện trợ cho Miền Nam là Hoa Kỳ sẽ “ngăn được nạn tàn sát”. Họ sai lầm tới chừng nào. Ông bạn Giáo sư R.J. Rummel của tôi (một người từng được tuyển liên tiếp cho giải Nobel Hòa Bình) ước lượng là tổng số người bị giết sau khi miền Nam được “giải phóng” lên tới 643 ngàn.
- Khoảng 100 ngàn bị xừ tử qua quít ngay sau khi Cộng sản nắm quyền. Qua quít vì cũng chẳng có một hình thức tạm bợ về “tiến trình hợp pháp” hay một toà án.
- Giáo sư Rummel cho là 400 ngàn là “thuyền nhân” bị chết ngoài biển cả khi muốn thoát khỏi chê độ độc tài và đàn áp đã trùm lên quê hương. Cao ủy Ty nạn của Liên hiệp quốc thì cho là một phần ba những người vượt biên bằng thuyền đã chết ngoài biển - một số là vì tầu quá đông người bị chìm, hoặc chết vì đói, vì khát. Nhiều người tử nạn sau khi bị hải tặc cướp bóc và cưỡng hiếp. Cao ủy cũng tường trình rằng có khoảng 840 ngàn người tới được Hong Kong hay các nước không Cộng sản ở Đông Nam Á. Nếu áp dụng tỷ số “chết một phần ba” cho con số này thì ta đoán là có một triệu 300 ngàn người vượt biên bằng thuyền và khoảng 420 ngàn người đã chết trên đường tìm tự do. Con số không xa với ước lượng của Giáo sư Rummel.
Giáo sư Lewia Sorley, tác giả cuốn sách có giá trị của một dấu mốc là “A Better War” - một Cuộc Chiến Khá Hơn - mà tôi ân cần giới thiệu đến quý vị, cho rằng có chừng 250 ngàn sĩ quan và binh lính của miền Nam cũ đã chết trong các “Trại Cải Tạo” do chế độ Cộng sản lập ra.
- Khoảng một triệu rưởi người dân miền Nam bị đày vào các khu “Kinh Tế Mới” để sống trong những điều kiện nghiệt ngã và chừng 48 ngàn đã chết tại đấy. Tôi biết rằng rất đông người trong cộng đồng này có thể kể lại những kinh nghiệm thật về “Trại Cải Tạo” và khu “Kinh Tế Mới” và khuyên các sinh viên ở đây nên tìm ra họ, ghi nhận câu chuyện của họ để làm chứng liệu cho lịch sử.
CĂM BỐT
Và còn chuyện xứ Căm Bốt nữa.
Khi Tổng thống Nixon gửi quân đội Hoa Kỳ sang Cam Bốt vào năm 1970 đề yêm trợ các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa, khuôn viên các Đại học Mỹ bị đóng vì những cuộc phản đối đầy bạo động chống lại vụ xâm lược “phi pháp”. Thật ra, về pháp lý thì y như Việt Nam, Căm Bốt là “quốc gia thành viên của Nghị định thư” - Protocole States - đã được cam kết bảo vệ chống Cộng sản xâm lăng trong khuôn khổ Hiệp ước SEATO năm 1954. Mười năm sau, và với tỷ lệ đầu phiếu là 99,6%, khi Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Tổng thống Johnson tham chiến tại Đông Dương. quy chế ấy hoàn toàn có thể áp dụng cho Căm Bốt như cho Việt Nam và Lào. Nghị quyết ấy của Quốc hội chỉ cần dẫn chiếu “Protocole States” của hiệp ước SEATO (South East Asia Treaty Organization). Tôi thăm viếng Căm Bốt nhiều lần trong năm 1974 và trong nhiều năm đã viết về Khờme Đỏ. Thời ấy, việc họ là những kẻ sắt máu có dự tính tàn sát không tưởng tượng nỗi với đồng bào Khờme của họ thật ra chẳng còn là bí mật. Và dĩ nhiên, khi tôi trở lại Việt Nam vào Tháng Tư năm 1975, một trong những mục tiêu chính của tôi là đễ cố gắng cứu lấy đám trẻ cô nhi tại Căm Bốt. Tôi đến quá trễ và có lẽ những đứa trẻ tôi hy vọng cứu được chắc là đã chết.
Không hề có một cuộc khảo sát dân số tại Căm Bốt và chẳng ai biết thực sự có bao nhiêu người đã sống tại nơi ấy. Con số ước đoán về nạn nhân có những dị biệt lớn, với một số chuyên gia thì cho lả có hơn hai triệu. Tài liệu khảo cứu khá nhất mà tôi được đọc là của Đại học Yale, nơi mà Chương trình của Yale về nạn Diệt chủng Căm Bốt ước tính là Pol Pot và bọn đao phủ của hắn đã thảm sát một triệu bảy trăm ngàn người - hơn 20% dân số toàn quốc.
Một bài báo về “các vùng thảm sát” của Căm Bốt trên tạp chí Nattonal Geographic Today trong số tháng Giêng năm 2004 cho chúng ta những chi tiết này: “Nhân viên hướng dẫn giải thích rằng đạn quá quý để dùng cho việc tàn sát. Rìu, dao và gậy tre thật đắc dụng hơn. Còn về trẻ em thì bọn đồ tể chỉ đơn giản giọng chúng vào thân cây”.
Ông Douglas Pike đã quá vãng, người mà tôi hoán đỗi công vụ nhiều lần trong Sứ quán Hoa Kỳ, có viết như sau về hậu quả nhân sinh của việc Hoa Kỳ bội ước sự cam kết của mình là sẽ bảo vệ người dân của các nước không cộng sản ở Đông Dương: “Dù có ước l­ợng dè dặt nhất, có nhiều thường dân Đông Dương bi bạo sát sau Chiến tranh Việt Nam hơn là tổng số nạn nhân trong thời chiến, ít ra là hơn hai triệu... Nỗi khổ đau lên tới mức chưa từng thấy, còn thê thảm hơn những ngày chinh chiến”.
Thật bi đát vì tôi nghĩ rằng ông Pike có lý. Và tôi lại càng tin rằng cộng đồng tại đây, đôi khi ngay trong hội trường, có những người có thể cung cấp những dữ kiện trực kiến về thảm kịch nêu như ta muốn tìm đến họ và ghi nhận lời chứng của họ. Việc này thì chẳng ai có tâm trí bình thường lại thích làm, nhưng là điều mà những ai muốn truy lùng sự thật tới cùng vẫn có nhiệm vụ thực hiện. Chúng ta phải kể lại chuyện này - một cách chính xác và cẩn trọng – đểngười khác sẽ biết rất lau về sau, khi các nhân chứng cuối cùng không còn tại thế nữa. Chúng ta phải kể lại, nếu không chuyện đó sẽ lại tái diễn.
Những ai thấy bàng hoàng về những chuyện đã xảy ra khi Cộng sản khống chế người dân Miền Nam và của Căm Bốt hay Lào thật ra không hiểu gì về lịch sử hiện đại. Nếu quý vị muốn biết rõ hơn về thảm kịch, tôi xin đề nghị tập sách do nhà Harvard University Press xuất bản có tên là “The Black Book of Communism” - Cuốn Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản”. Do một nhóm trí thức Âu Châu thuộc khuynh hướng trung tả biên soạn, cuốn sách kết luận là trong thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã gây ra cái chết cho từ 80 đến 100 triệu sinh linh.
Những ai muốn biết sâu xa hơn về Chiến tranh Việt Nam có thể còn bị lầm lạc lớn nếu không chịu khó tìm đọc các cuốn sách do chư vị diễn giả nơi đây hoặc bằng hữu của chúng tôi đã biên soạn.
Đây là một vinh dự cho tôi khi được thuyết trình trước một cử toạ quan trọng như hôm nay và trong cơ hội long trọng này. Với những người giận dữ về sự bội phản của nước tôi 35 năm về trước, xin cho tôi được nói rằng sự giận dữ này cũng là sự giận dữ của bản thận tôi. Tôi yêu quý Hoa Kỳ và tin rằng đây là một xứ tuyệt vời nhất trên địa cầu. Nhưng khi đa số của Quốc hội phản bội nạn nhân của Cộng sản xâm lược họ cũng phản bội 58 ngàn 200 lính Bộ binh, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã dâng hiến mạng sống trong sự hy sinh cao quý nhất cho chính nghĩa này. Họ cũng phản bội sự hy sinh của hai triệu bảy trăm ngàn người Mỹ đã từng phục vụ tại Việt Nam từ năm 1959 cho đến 1975.
Chúng ta không cải sửa được điều ác đã xảy ra. Nhưng chúng ta có thể nghiên cứu nó và có thể hành động để người Mỹ chúng ta lánh xa truyện thần thoại sai lạc mà hiểu rõ thảm kịch lớn lao của sự bội tín. Tôi thiết tha kêu gọi giới trẻ trong cử toạ nơi đây là hãy tự nguyện giành một chút cố gắng để học hỏi trang sử này và chịa sẻ với ng­ười khác. Quan trọng nhất, hãy chú ý đến các cựu chiến binh và những người sống sót trong cộng đồng, hãy ghi lại lời kể của họ khi mình còn cơ hội. Nếu mình làm được như vậy thì may ra những hy sinh lớn lao của thảm kịch bi đát này sẽ không bị uổng phí.
Xin cảm tạ quý vị và cầu xin Thượng Đế sẽ phù hộ chúng ta./.
Giáo sư Robert F. Turner
Trung tâm an Ninh Luật Pháp Quốc Gia
Đại Học Luật Khoa Virginia & Học Viện Hải Quân.
(Trích trong “những sự thật về Chiến Tranh Việt Nam)

Thursday, June 7, 2012

NHỮNG ĐIỀU MƠ ƯỚC

Có một dạo, đi đâu tôi cũng nghe thiên hạ hát bài Con Chim Đa Đa,"sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa.." rồi đến bài Chị Tôi, "thế là chị ơi rụng bông hoa gạo". Đúng như người ta nói, Thơ và Nhạc có ngôn ngữ riêng của nó. Một người không có nhiều chữ nghĩa như tôi, nhiều khi say mê hát một bài hát mà sau đó suy nghĩ mãi vẫn không hiểu rõ ngọn ngành, ý nghĩa một vài câu. Trong bài Chị Tôi, tôi cũng rất ư là lờ mờ cái sự kiện.. rụng bông hoa gạo..và trời cho làm thơ.. này lắm. Dù vậy tôi vẫn thấy bản nhạc phổ từ một bài thơ chỉ vỏn vẹn mấy câu này, khá hay. Mà ngay đến cái sự hay này tôi cũng mơ hồ, không biết có đúng là tôi biết thưởng thức thơ nhạc không, hay là chỉ vì có sự đồng cảm mà tôi thấy lòng mình xúc động. Bởi vì mỗi lần nghe ai đó hát bản nhạc Chị Tôi, tôi lại da diết nhớ đến bà Cô Út của tôi.

Từ lúc chưa tròn hai tuổi, tôi lớn lên trong cái bất hạnh của một người chưa hề có "bông hồng cài áo". Mẹ tôi mất quá sớm, đến nổi tôi không bao giờ hình dung được khuôn mặt hiền từ phúc hậu của bà như lời cha tôi kể lại. Nỗi bất hạnh đó lại càng lớn hơn, khi tôi không có một bà chị nào để được dịp nhìn dung nhan Chị mà mơ tưởng đến bóng hình của Mẹ. Ba tôi thì được Việt Minh đưa ra liên khu năm làm công tác "xóa nạn mù chữ". Khi lớn lên một chút, bắt đầu nhận hiểu được đôi ba điều quanh mình, tôi chỉ biết là hai anh em tôi lớn lên ở nhà ông bà nội, và trong vòng tay yêu thương cùng giọng hát ru hời của bà Cô Út.

Cô út tôi lớn hơn tôi hơn một con giáp. Ở nhà quê nhưng bà có cái tên nghe rất lạ: Phạm Thị Mẫu Đơn. Cho mãi đến lúc đi học tôi mới biết được cái tên này, vì mọi người đều gọi cô là con Út hay cô Út. Sau này tôi hỏi ba tôi về cái tên trong giấy tờ của Cô, được ông giải thích: Sự thực thì tên trong acte de naissance (khai sanh hồi thời Pháp thuộc) của Cô út là Pham Thi Mau Dan (Phạm thị Mậu Dần), nhưng khi Cô tôi lớn lên và có chút nhan sắc, thì ông bà nội lại lo cho cái tuổi Dần cao số của Cô, nên khi có lệnh làm bản thế vì khai sanh tiếng Việt, ông bảo ba tôi xuống Huyện, nhờ ông anh họ làm chánh lục sự, sửa tên cô tôi thành Mẫu Đơn. Mang tên một loài hoa mà suốt cả một đời cô tôi không biết đó là loại hoa gì, chỉ nghe thiên hạ bảo loài hoa này đẹp lắm, thế thôi.

Có một điều chắc chắn là khi cô sinh ra Trời đã không "cho làm thơ", vậy mà suốt cả một đời Cô vẫn bị "vấn vương với sợi tơ trời, tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan". Mà khổ thay, thằng cháu của Cô cũng dốt nát, chứ phải có tài năng một chút thì hôm nay nó cũng viết một bản nhạc hay chí ít cũng làm được mấy câu thơ để ca ngợi Cô. Vì so với người chị trong mấy bản nhạc Chị Tôi, bà Cô của tôi coi bộ còn thánh thiện và tội nghiệp hơn nhiều lắm.

Cô lo lắng chăm sóc hai anh em tôi không thua bất cứ một bà mẹ mẫu mực nào trên thế gian này. Lòng Cô lúc nào cũng " bao la như biển Thái Bình rạt rào", lời của cô lúc nào cũng "tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào" mà ông nhạc sĩ Y Vân đã từng ngợi ca, vinh danh người mẹ. Cô cũng là cô giáo vỡ lòng, dạy tôi hai tiếng I tờ, những câu tục ngữ ca dao. Lớn lên một chút, tôi được Cô ngồi bên cạnh dạy đọc truyện Chàng Nhái Kiển Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa cho bà Nội tôi nghe mỗi tối. Mùa hè, tôi mê đá dế, Cô dẫn tôi ra trước hồ sen tìm bắt những con dế mun mà mỗi trưa Cô không ngủ, ngồi rình để nghe nó gáy từ chỗ nào. Thấy bọn trẻ hàng xóm thả diều, Cô cũng mò mẫm cả một ngày làm cho tôi cái diều to nhất. Tôi mê nuôi chim, Cô đi khắp nơi tìm mua cho tôi hai con chim keo màu xanh mướt và năn nỉ ông chú tôi làm cho tôi cái lồng thật đẹp. Những lần bị "ấm đầu", tôi tha hồ nũng nịu, làm tình làm tội Cô tôi. Cô ngồi suốt bên cạnh, đắp lên trán tôi một cái khăn ướt, nấu cháo cá bỏ nhiều tiêu cho tôi ăn để "tháo mồ hôi". Nghe nói Cô cũng ham học lắm, định xin ông bà nội cho học xong cái bằng primaire thì theo ông chú tôi đi dạy học mấy lớp nhỏ trường làng, Nhưng rồi mẹ tôi bất ngờ qua đời, bỏ lại hai anh em tôi. Cô đành phải nghỉ học ở nhà để chăm sóc hai thằng cháu dại, một đứa bốn tuổi và một đứa vừa mới lên hai. Năm tháng cô quanh quẩn trong nhà, làm công việc gia đình và lo lắng cho hai anh em tôi. Khi nào rảnh rỗi Cô nhờ ông chú của tôi chỉ cô học thêm mấy chữ tiếng Tây.

Cô chỉ có một người bạn thân, đó là bà cô họ của tôi. Hai người cùng tuổi và học chung một lớp. Khi Cô Út nghỉ học, thì bà cô họ này vẫn tiếp tục đi học mấy năm nữa, sau này làm y tá và lấy một ông chồng Tây, làm trong viện Pasteur của bác sĩ Yersin ở Nhatrang. Bà đi đó đi đây, lâu lâu trở về thăm quê vài bữa. Lần nào về cũng ghé lại thăm Cô Út tôi và trò chuyện cả đêm. Trông bà thật sang trọng. Cô Út thì trầm trồ những món nữ trang đắt tiền, nhất là sợi dây chuyền vàng có mặt ngọc thạch, thời ấy rất hiếm hoi. Còn tôi thì say mê chuyện đi đó đi đây mà bà cô họ thường kể cho cô cháu tôi nghe.

Dường như từ ngày bà cô họ đi theo chồng, Cô Út không còn ai tâm sự, nên Cô thường tâm tình với anh em tôi về chuyện tình duyên của mình. Có một ông thầy giáo dạy cùng trường với chú tôi, gốc Bình Định, khá bảnh trai, lớn hơn Cô hai tuổi, rất thương Cô và có nhờ người đến mai mối, nhưng Cô Út phần vì thương cảnh mồ côi của anh em tôi, một phần bị ám ảnh bởi những lời đồn đãi của thiên hạ: "tuổi Dần cao số, chỉ hạp với tuổi Dần", nên Cô từ chối cuộc hôn nhân. Ông thầy giáo Bình Định buồn tình nên xin đổi đi xa, làm lòng Cô cũng xốn xang một dạo.

Năm tôi lên bảy, quê tôi có một trận lụt lớn, trận lụt tháng mười. Tôi nhớ loáng thoáng lời Cô tôi giải thích, vì "ông tha mà bà không tha, bà cho cây lụt hăm ba tháng mười". Nước từ đâu không biết tràn qua, kéo theo nhiều nhà cửa cây cối và cả trâu bò. Nhà ông nội tôi rộng lắm, mấy cây cột lớn có chạm trổ nhiều hình cầm thú, có mái ngói âm dương và nằm trên một nền gạch khá cao, được bao bọc bởi đủ thứ cây ăn trái, vậy mà bây giờ chung quanh tôi chỉ thấy toàn nước và nước. Ông Nội ra lệnh cho Cô phải giữ kỹ anh em tôi trên bộ phản trong nhà. Hai ngày sau mưa gió đã tạnh, nhìn qua khe cửa, anh em tôi thấy nước ngập cả sân nhà (nhà ông bà nội tôi có cái sân vuông khá rộng bằng xi măng, có bờ thành thấp chung quanh), nên năn nỉ Cô Út ra bịt mấy cái lổ lù, không cho nước rút, và đứng trên thềm nhà canh chừng cho anh em tôi cởi truồng xuống sân bơi lội. Bất ngờ tôi phát hiện trong sân có mấy con cá, anh em tôi tha hồ hò hét rượt bắt cá. Oâng Nội tôi nghe ồn ào, chạy ra nhìn thấy hai thằng cháu nội đang bì bõm trong cái sân ngập tràn nươcù lụt, ông không la chúng tôi mà rầy Cô Út tôi một trận, rồi cấm cung cô cháu tôi ở trên căn nhà thờ, lúc nào cũng đóng kín cửa, mà trước đây rất ít khi tôi dám tới đây, vì rất sợ mấy cái bàn thờ có treo những tấm hình và nhiều bài vị viết chữ nho, nhất là hai cỗ quan tài sơn đỏ, có hình con rồng con phương hai bên. Cô tôi bảo đó là hai chiếc quan tài bằng gỗ quí để dành cho ông bà nội đến lúc qui tiên..

Thấy anh em tôi sợ, Cô Út trấn an bọn tôi bằng cách kể chuyện linh thiêng của những ông bà, tổ tiên đã khuất. Vong linh ông bà lúc nào cũng ở bên cạnh để phù hộ cho con cho cháu. Cô còn bảo nếu có ước mơ điều gì, thắp hương thành tâm khấn nguyện, ông bà sẽ ban cho những điều ước muốn đó.

Cô hỏi tôi, nếu bây giờ khấn nguyện xin ông bà, thì tôi sẽ mơ ước được điều gì. Nhớ tới chuyện đi đó đi đây mà tôi rất say mê mỗi lần bà cô họ có chồng Tây kể lại, tôi nhanh nhẩu:
- Con mơ ước mai mốt lớn lên con được đi đó đi đây như bà cô họ vậy.
Rồi tôi hỏi ngược lại Cô Út, Cô nhìn tôi cười:
- Còn Cô thì chỉ mơ ước được một sợi dây chuyền mặt cẩm thạch màu xanh như của cô ấy, và có khắc hai chữ MĐ chính giữa.

Tôi tin lời Cô, kéo tay Cô đến trước bàn thờ thắp hương để hai cô cháu vái lạy xin Ông bà ứng nghiệm cho những điều mơ ước. Cô chìu tôi, hai cô cháu quì trước bàn thờ. Cô thì im lặng, còn tôi thì nói thật to lời ước của mình. Tôi sợ ông bà già quá, lảng tai, không nghe rõ lời cầu xin của mình.

Mấy năm sau, tôi đành phải rời quê, chia tay Cô Út vào Nhatrang đi học. Cô may cho tôi mấy bộ đồ mới, bao nhiêu tiền dành dụm được cô sắm cho tôi một chiếc xe đạp có ghi đông hình chữ U mà tôi rất thích. Những năm học ở Nhatrang, dù tuổi đã lớn, nhưng lúc nào tôi cũng thấy thiếu vắng vòng tay và những lời trìu mến của Cô tôi. Mỗi lần nghỉ hè về quê, tôi vẫn quanh quẩn ở bên Cô, như thuở mới lên ba, lên năm ngày trước. Lúc này Cô tôi đang làm nghề thợ may, nhưng chỉ làm việc tại nhà, để tiện việc săn sóc ông bà nội tôi, đã đến lúc tuổi già sức yếu. Cô tự tay may cho anh em tôi mấy bộ đồng phục học trò. Mùa hè trời nóng, tối nào cô cháu cũng mang chiếu ra trải bên cạnh hồ sen trước nhà. Trong gió nội hương đồng, cô cháu nằm tâm sự thâu đêm.

Khi biết tôi đi lính, Cô Út buồn ghê lắm. Hết ngăn cản rồi năn nỉ tôi. Cô bảo tôi không thương Cô, nên bỏ Cô mà đi lính, biết bao giờ Cô cháu mới được bên nhau như những ngày xưa, rồi Cô biết còn ai để mà tâm sự.

Nhớ tới trận lụt tháng mười năm nào, Cô dạy cho tôi thắp hương khấn nguyện ông bà, tôi thủ thỉ với Cô:
- Con đi lính là nhờ Ông Bà trên bàn thờ đã ứng nghiệm cho con điều ước, được đi đó đi đây, đúng như Cô bày cho con đó.
Cô vừa cười vừa lau nước mắt.

Khi vào quân trường, hai người đầu tiên tôi viết thơ là Ba tôi và Cô. Tôi kèm theo tặng Cô tấm ảnh mặc quân phục, tóc vừa cắt ngắn ba phân. Cô viết thư khen "chú lính sữa của cô trông oai phong ghê lắm".

Mấy tuần sau khi tôi được gắn alpha, Cô theo Ba tôi vào tận quân trường thăm tôi, mang theo cho tôi cả chục xoài tượng và mấy cái bánh rán (bánh cam) mà lúc nhỏ tôi rất thèm ăn.

Ra trường, trước khi trình diện đơn vị, tôi dành trọn mười lăm ngày phép quanh quẩn bên Ba tôi và Cô. Lúc này ông bà nội tôi đã qua đời và cô vẫn ở vậy chăm sóc ngôi nhà từ đường và lo việc cúng kỵ ông bà. Đêm nào Cô cũng niệm hương khấn vái thì thầm trước bàn thờ ông bà nội và má tôi, rồi bảo tôi cùng lại chấp tay lạy. Tôi nghe Cô xin ông bà và Má tôi phù hộ tôi, tránh được lằn tên mũi đạn.

Hơn mười năm trong lính, toàn là đánh đấm. Rất nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, tôi tin vào những lời thì thầm khấn vái hằng đêm của Cô.

Lần đầu tiên về phép từ một chiến trường khói lửa ở cao nguyên, tôi dành dụm mấy tháng lương, và mất hai ngày ở thành phố Ban Mê Thuột tìm mua cho Cô sợi dây chuyền vàng có mặt cẩm thạch hình trái tim, loại đắt nhất. Tôi ngồi chỉ cho họ kẻ hai chữ MĐ thật đẹp chính giữa.

Tôi về bất ngờ. Khi mới bước vào cổng nhà nội, tôi thấy Cô đang quét lá dưới gốc cây xoài. Con chó không nhận ra tôi sủa inh ỏi, Cô dừng tay nhìn. Mãi khi tôi đến gần Cô mới nhận ra. Cô nắm tay tôi mắng yêu:
- Tổ cha mày, vậy mà Cô cứ tưởng là ông thầy nào.
Tôi cười đùa:
- A, chắc là Cô Út tưởng con là ông thầy Bình Định ngày xưa chớ gì.
Buổi chiều, sau khi cơm nước xong, tôi dắt tay Cô tôi lên căn nhà thờ để cùng tôi thắp hương và lạy ông bà. Khi đứng lên, tôi bảo Cô nhắm mắt lại để thấy một điều kỳ diệu, rồi choàng vào cổ Cô sợi dây chuyền tôi vừa mua tặng. Lúc mở mắt ra, Cô mân mê cái mặt cẩm thạch rồi cảm động nắm tay tôi:
- Cái này mắc tiền lắm. Con đi lính lương ba cọc ba đồng, lấy tiền đâu mà mua tặng Cô.
Tôi cười:
- Đâu phải con mua, mà là ông bà cho Cô theo lời ước của Cô đó chứ. Cũng như ông bà đã cho con bây giờ được đi đó đi đây rồi đây nè. Lời cầu xin của Cô cháu mình linh thiêng quá phải không Cô ?

Thời gian này ở quê nội tôi mất an ninh. Ban ngày tôi quanh quẩn bên cô. Đến chiều, Cô dắt tôi xuống nhà chú tôi ở bên huyện ngủ. Cô ở với tôi tới tối mịt mới về.

Ngày mãn phép, tôi trở lại đơn vị, Cô giặt ủi mấy bộ áo quần của tôi xếp vào túi xách, kèm theo một gói xôi đậu xanh, để ăn dọc đường. Ngồi trên xe đò, khi lấy gói xôi ra ăn, tôi thấy có một cái túi nhỏ may bằng vải, mở ra tôi mới biết, một xấp tiền mới tinh xếp ngay ngắn trong đó. Nhớ tới cô, nước mắt tôi cứ trào ra.

Tôi theo đơn vị lưu động nay đó mai đây, nên rất khó nhận thư từ hộp thơ KBC hậu cứ ở Ban Mê Thuột. Từ Quảng Đức, xuống Lâm Đồng rồi Phan Thiết. Mãi hơn nửa năm sau tôi mới nhận được cùng một lúc năm lá thư của Cô tôi gởi. Tôi mừng, khi Cô kể là có một ông thầy giáo gốc Huế, cùng tuổi dần với Cô, đã có một đời vợ, cùng làm nghề dạy học. Nhưng chỉ mới vài tháng sau đám cưới, người vợ trẻ bị chết cùng với mấy đứa học trò trong một trận pháo kích. Ông buồn quá, một phần không muốn mỗi ngày bị ám ảnh bóng hình của người vợ trẻ vừa mới chết oan, một phần không muốn nhìn thấy cái thành phố có những lăng tẩm uy nghi của một triều đại, nhưng đã để lại quá nhiều tranh chấp tôn giáo, phủ bóng mây mù chính trị lên từng ngôi trường, từng bục giảng. Bạn bè ông có mấy kẻ đã vào bưng. Ông xin chuyển vào dạy ở quê tôi vì có gia đình người bác ruột, ngày xưa làm xếp ga rồi lấy vợ ở lại đây luôn.

Tôi viết thơ cho Cô, lên mặt thuyết giảng tình yêu, nào chuyện "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" nào là "cả hai người cùng một tuổi Dần, thì sau này tát biển đông cũng cạn".

Mấy tháng sau tôi nhận thư hồi âm của Cô, có kèm theo lá thư ngắn của ông Thầy Huế mà nội dung là một bài thơ ngợi ca người lính.

Tôi để dành tiền lương hằng tháng, chờ ngày về ăn đám cưới. Tôi đến một tiệm bán hàng thêu ở thành phố Phan Thiết đặt thêu một bức tranh có hình hai con cọp âu yếm nhau trong một rừng đầy hoa sim tím dưới ánh trăng để làm quà cưới cho Cô. Sau trận Mậu Thân, đơn vị tôi tiếp tục mỗi ngày sống trong lửa đạn. Tôi không nhận được lá thư nào của Cô tôi. Tôi nghĩ chắc là Cô đã làm đám cưới, nhưng không biết có theo chồng về thăm Huế hay không. Tôi lo cho Cô, khi biết cả thành phố Huế đang đắm chìm trong vành tang trắng.

Mấy tháng sau, tình hình trở lại yên tĩnh, được mười ngày phép, tôi khăn gói về thăm quê. Cô tôi vẫn sống âm thầm một mình trong nhà ông nội, Đám cưới không thành, không phải ông thầy Huế phụ tình, như một vài người bà con trong họ đã cảnh giác Cô từ lúc mới quen ông:" đừng có quá tin mấy chàng trai xứ Huế". Oan ức và tội nghiệp cho ông. Ông về Huế ăn Tết và xin cha mẹ được cưới Cô tôi, nhưng rồi không ngờ phải cùng chịu chung số phận với mấy ngàn người bất hạnh. Ông mất tích trong đêm mùng hai Tết. Mãi đến ba tháng sau, người nhà mới tìm được xác của Ông trong một hố chôn người tập thể.

Cuối cùng thì.. Cô tôi "vẫn chưa lấy chồng! ". Trên bàn thờ, tấm ảnh nhỏ của ông Thầy Huế được đặt ở một góc khiêm nhường.

Năm 1975, miền Nam bất ngờ thua trận, tôi bị tù đày từ Nam ra Bắc, đến tận Lào Cai, Yên Bái. Ba tôi và ông chú bị bắt vào trại cải tạo trong Nam. Vợ con tôi cùng gánh chịu bao đắng cay hệ lụy, bơ vơ nheo nhóc. Lá chưa rụng mà phải về cội, vợ con tôi lại dắt díu nhau về ở với Cô tôi trong ngôi nhà xưa của ông bà nội, bây giờ trở nên trống vắng, nên chắc buồn và tĩnh mịch hơn xưa. Vợ tôi phải bươn chải làm ăn, nuôi bầy con bữa đói bữa no. Cô tôi bán đủ thứ trong nhà, và cuối cùng bán luôn cả sợi dây chuyền mặt cẩm thạch mà cô đã từng nâng niu như bảo vật, để lo cho mấy đứa con của tôi, và cùng vợ tôi dành dụm gởi cho tôi một ký lô đường và mấy lọ tép mỡ sau khi biết tôi vừa trải qua một cơn kiết lỵ, chỉ còn da bọc lấy xương. Tội nghiệp, tôi chỉ được phép nhận 200 gram đường và một lọ tép mỡ, số còn lại bị sung vào nhà bếp hậu cần, vì số quà gởi "ngoài qui định, không nằm trong chính sách".

Tháng 6 năm 1976, ba tôi chết trong trại cải tạo Đá Bàn. Nhưng mãi đến hai năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Tôi khóc đến không còn nước mắt.

Tám năm sau, tôi cũng được thả về. Lúc này vợ tôi không còn sống ở quê nội tôi, vì không tìm ra công việc gì làm, nên phải dắt theo hai đứa con nhỏ nhất trở lại Ninh-Hòa sống cùng ông bà già vợ của tôi, rồi chạy được cái "hộ khẩu" ở đây luôn. Còn bốn đứa con lớn thì vẫn ở lại quê nội tôi, nhờ cô tôi nuôi nấng. Sum họp được mới năm hôm, thời gian chưa đủ làm quen với mấy đứa con, mà lúc ra đi đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ, tôi được công an Thị Trấn Ninh Hòa gọi lên cho biết là chính quyền trên huyện không chấp nhận tôi tạm trú ở đây. Tôi bị gởi trả lại trại tù, rồi được chỉ định về "quản chế" tại nơi sinh quán. Cuối cùng, thì tôi cũng trở lại trong vòng tay của Cô tôi. Có điều bây giờ, Cô phải nuôi thằng cháu, đã gần nửa đời người, mà bỗng dưng trở thành vô gia cư nghề nghiệp. Ăn cơm nhà nhưng hằng ngày tôi phải đi đắp đê, làm thủy lợi cho "nhân dân". Cô tôi bây giờ ốm yếu, đôi mắt buồn hiu hắt. Sau mấy năm khóc than cho những mất mát đổi thay trong gia tộc, Cô đã già nhiều trước tuổi. Vậy mà bây giờ còn phải lo gánh vác cho mấy cha con tôi. Đã vậy, ông chú của tôi, sau khi ở trại cải tạo về, phải dắt vợ và hai đứa con gái đi kinh tế mới. Bà thím bị sốt rét chết hai năm trước khi tôi về. Cứ vài hôm, ông chú phải tay dắt tay bồng đưa hai đứa con về đây gởi cho Cô tôi. Nhiều lúc âm thầm nhìn Cô "lưng còng uốn nặng kiếp long đong", tôi nghẹn ngào muốn khóc, nhưng có lẽ tôi cũng không còn nước mắt.

Khi tính chuyện vượt biển, tôi tâm sự xin Cô cùng đi với chúng tôi. "Dù trôi nổi ở đâu, có cô bên cạnh là con mãn nguyện rồi", Nhưng cô bảo Cô đã già, không muốn rời bỏ quê hương, hơn nữa còn phải trông coi ngôi nhà từ đường và mồ mả ông bà, không để cho hương tàn khói lạnh. Và còn phải phụ giúp ông chú tôi đang ốm đau, lo cho hai đứa con của chú ấy nữa.

Mấy ngày sau, tôi thấy Cô xuống tóc, và ăn chay trường. Đêm nào cũng quì trước bàn thờ. Tôi biết là Cô đang cầu nguyện cho tôi đi đến bến bờ. Hôm tiễn biệt, Cô nắm chặt tay tôi: "xin ông bà và cha mẹ con phù hộ cho vợ chồng con và mấy đứa nhỏ" rồi im lặng nhìn tôi với hai hàng nước mắt.

Thuyền ra đến hải phận quốc tế thì gặp bão. Mưa gió suốt mấy ngày, không còn trăng sao để mà định hướng. Tất cả đàn bà con nít xuống dưới khoang thuyền. Chỉ có bọn đàn ông chúng tôi ở lại phía trên chống chọi với phong ba. Trong những lúc nguy khốn nhất, tôi lại nghĩ đến Cô, nhớ những lời cầu nguyện của Cô mà lấy lại niềm tin và can đảm. Cuối cùng, một chiếc tàu chở dầu của Vương quốc Nauy đã cứu vớt chúng tôi trước khi cơn bão chính ập tới. Từ trên tàu, vị thuyền trưởng giúp chuyển hộ mỗi người ba cái điện tín cho thân nhân. Người đầu tiên tôi báo tin mừng là Cô.

Sau khi định cư, tôi thường xuyên gởi thư thăm Cô và kèm theo tiền để giúp Cô cùng gia đình ông chú, và xây lại mồ mả ông bà. Cô mừng ghê lắm. Lá thư nào Cô cũng viết thật dài, khuyến khích tôi cố gắng làm lại cuộc đời và dạy dỗ cho con cái phải biết sống theo đạo lý và đừng bao giờ quên quê hương, nguồn cội của mình.

Cô ở xa tôi cả nghìn trùng mà lúc nào tôi cũng tưởng Cô vẫn đang đâu đó bên mình. Mỗi lần gặp khó khăn, phiền muộn trên xứ người, cứ nghĩ đến Cô là lòng tôi phấn chấn. Bây giờ Cô đã già và chắc cũng yếu đi nhiều lắm. Vậy mà chỉ với hình bóng thôi, Cô đã cho tôi biết bao nghị lực.

Hai năm sau, tôi lại nhận được tin buồn. Ông Chú của tôi, sau bao năm chống chọi với bệnh tật mang về từ trại cải tạo, vừa mới lìa đời, giao hai đứa con gái lại cho Cô tôi nuôi nấng. Tội nghiệp cho Cô, đúng là "Trời không nín gió cho ngày Cô sinh", tuổi già rồi mà phải còn cưu mang con cháu. Lá thư báo tin buồn này là lá thư cuối cùng Cô tự tay nắn nót viết cho tôi. Những lá thư sau đó, mấy đứa con gái ông chú tôi viết. Tôi lo lắng hỏi Cô, Cô chỉ bảo đôi mắt của cô bây giờ hơi kém, nhưng dặn dò tôi không phải gởi thuốc thang gì, vì ở trong nước Cô mua cũng được. Cô khẩn khoản muốn tôi đưa mấy đứa con về cho Cô gặp lại một lần.

Hơn mười năm sau, khi nghe nhà nước có chút đổi thay, gọi những người vượt biển có tội phản bội tổ quốc ngày xưa là khúc ruột ngàn dặm, tôi dắt theo ba đứa con lớn về thăm quê hương. Đúng hơn là về tìm ngôi mộ cha tôi chôn trong núi bên trại cải tạo Đá Bàn và thăm bà Cô suốt cả một đời bảo bọc chúng tôi. Nhớ lại kỷ niệm xưa, tôi nhờ cô con gái lớn ở bên Cali, đến khu Phước Lộc Thọ tìm đặt mua cho tôi một sợi dây chuyền vàng, có mặt màu xanh cẩm thạch, khắc hai chữ MĐ chính giữa. Tôi nghĩ có lẽ đây sẽ là món quà có ý nghĩa, đền bù lại sợi dây chuyền tôi tặng Cô lúc trước, và để cho Cô được trẻ lại những ngày xưa.

Tôi không báo trước ngày về, vì muốn làm cho Cô bất ngờ và không phải khăn gói vào tận Sài gòn để đón cha con tôi, như lời cô hứa.

Quê nội tôi, cái làng Phú Hội một thời trù phú như cái tên gọi, bây giờ sao mà cằn cỗi, điêu tàn. Khi bước vào cổng nhà nội, tôi xa lạ đến thẩn thờ. Ngôi nhà ngày xưa rộng lớn, hồi còn nhỏ tôi đi còn sợ lạc, sao bây giờ nhỏ nhoi, tiêu điều và hiu quạnh quá. Tôi đứng giữa cái sân gạch mà ngày nào trời lụt, anh em tôi tha hồ bơi lội như trong một dòng sông, bây giờ chỉ còn lại cái nền loang lổ, phủ đầy những lá của cây xoài già héo úa, một thời xum xuê làm "bóng mát thiên đường" để Cô cháu tôi ngồi đọc truyện cho bà nội tôi nghe trong những buổi trưa hè. Cái hồ sen tỏa hương thơm ngát ngày xưa, bây giờ là một cái ao cạn đầy cỏ dại. Chỉ còn lại tiếng dế than rên rỉ. Không nghe con chó sủa. Nó là con vật trung thành, không giống như một số người sau tháng tư năm nào, phản suy phù thịnh. Có lẽ nó cũng buồn mà chết rồi sau cuộc đổi đời của chủ.

Tôi và ba đứa con lạc lõng trong ngôi nhà mà tất cả đã từng một thời lớn lên ở đó, với biết bao là kỷ niệm buồn vui. Trong nhà không có một ai, ngoài bóng dáng của chính mình ngày trước. Bước ra cửa sau, tôi đứng lặng người khi thấy Cô Út ngồi quay lưng, vãi thức ăn cho một bầy gà. Mái tóc Cô bạc trắng. Cha con tôi đến đứng phía sau lưng, mà Cô không biết.

Mấy đứa con tôi cười khúc khích, Cô quay lại. Tôi ôm chầm lấy cô, nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi ngạc nhiên khi nghe cô hỏi: đứa nào đây?. Chẳng lẽ mới mười năm mà cô không còn nhận ra tôi. Buông cô ra, tôi suýt hét lên, khi biết là đôi mắt của Cô đã mù. Tôi chỉ thốt lên được mấy tiếng "Cô ơi, thằng Ninh đây Cô", rồi khóc nức nở.

Sau một khắc yên lặng, tôi nghe Cô cười, rồi đưa hai tay sờ lên đầu lên mặt tôi, rồi đến mấy đứa con tôi.

Tôi dìu Cô vào nhà. Nhưng cô bảo là cô đi được. Cô nói là cả một đời cô ở đây, mọi ngõ ngách và đồ đạc trong nhà như in trong trí. Tôi hỏi mấy đứa con ông chú đâu mà để cô ở một mình. Cô cho biết là nhờ dành dụm số tiền tôi gởi về, đứa lớn đã ra nghề thợ may, vừa lấy chồng, mở tiệm ở dưới huyện. Còn đứa nhỏ, Cô cho đi học làm y tá, vẫn còn ở với Cô.

Thấy chúng tôi về, mấy người hàng xóm sang thăm. Ai cũng nhắc lại cái thời anh em tôi còn bé và ca ngợi Cô tôi hết lời. Không biết ai nhắn tin, hai cô em, con ông chú tôi cũng về ngay, có cả thằng em rể. Sau này tôi mới biết nó chính là cháu họ của ông thầy giáo Huế, người tình của Cô Út ngày xưa.
Có sẵn chiếc taxi thuê bao, tôi mời Cô và mấy đứa em xuống phố ăn cơm, nhưng Cô không cho, bảo hai đứa em con ông chú làm thịt mấy con gà để mấy cô cháu vừa ăn vừa nói chuyện cho vui.

Cả một tuần sau, tôi bận rộn lo việc cải táng phần mộ của ba tôi từ Đá Bàn về chôn trong nghĩa trang gia tộc, bên cạnh ngôi mộ của má tôi và ông bà nội. Cô Út theo ra đến tận nghĩa trang, đưa tay sờ ngôi mộ mới xây của ba tôi, rồi khóc sụt sùi.

Hai tuần sau, tôi quanh quẩn bên cạnh cô tôi, kể lại hầu hết những kỷ niệm ngày xưa, và cuộc sống ở xứ người. Cô bảo có lần nằm chiêm bao, cô thấy ông thầy Huế về thăm Cô, nhưng người ông bê bết máu, Cô lấy khăn lau mãi mà máu vẫn cứ ứa ra.
Đêm nào trước khi đi ngủ, Cô cũng bảo cha con tôi thắp hương và lạy trước bàn thờ. Tôi lại nhớ tới những điều cô cháu tôi ước mơ thuở trước.

E dè mãi, đến đêm cuối cùng, khi đứng trước bàn thờ, tôi lấy sợi dây chuyền vàng có mặt cẩm thạch ra, đeo vào cổ cho Cô. Tôi ôm chặt Cô thì thầm: "xin cho con trả lại Cô cái điều mà ngày xưa cô mơ ước". Ba đứa con tôi vỗ tay phụ họa: "đẹp lắm ! bà Nội ơi, đẹp lắm!"

Cô tôi không mân mê cái mặt cẩm thạch như lần trước, cách đây hơn bốn mươi năm, khi tôi tặng Cô, mà chỉ đứng lặng im, bất động. Tôi biết, trong đôi mắt mù lòa kia, dù không còn thấy cái mặt cẩm thạch màu xanh có khắc hai mẫu tự tên mình, nhưng Cô tôi đang nhìn thấy cả một quá khứ xa xăm, bao la và sâu thẳm như chính tấm lòng Cô.

Cuối cùng thì tôi cũng phải chia tay Cô, bỏ lại đằng sau dấu tích của cả một phần đời, mà tất cả vui buồn bây giờ đều đã trở thành kỷ niệm, nằm sâu chôn chặt tận đáy lòng. Tôi nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi gặp Cô.

Dắt ba đứa con bước ra khỏi cổng nhà ông Nội, tôi không dám quay đầu nhìn lại. Một câu hỏi chợt lóe lên trong đầu: Rồi mai này, tôi lại tiếp tục lưu lạc tha phương. Cũng như sợi dây chuyền mặt cẩm thạch tôi vừa mới tặng cho Cô tôi, liệu cái việc đi đó đi đây trên xứ lạ quê người của tôi, có còn là những điều mà Cô cháu tôi đã từng một thời mơ ước?

  


Phạm Tín An Ninh
      Vương Quốc Nauy
      Mùa Vu Lan 2005